Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về Ryan Giggs ở chương 14 trong cuốn tự truyện có tên “Hồi ký của tôi” (My Autobiography) của Sir Alex Ferguson.
Cuốn tự truyện ghi lại thời điểm Ryan Giggs bắt đầu gây ấn tượng trong màu áo Man United và trở thành cầu thủ thành công nhất của “Thế hệ 1992” đã làm nên lịch sử nhưng luôn từ chối sự nổi tiếng.
Những câu chuyện được sắp xếp liền mạch và chi tiết cũng lý giải gián tiếp về bí quyết giúp Ryan Giggs luôn thi đấu bền bỉ trong suốt 24 năm với tổng cộng 963 trận cho Man United.
Hiện tượng, tốc độ và sự dẻo dai
Giggs là cầu thủ nổi tiếng nhất của “Thế hệ 1992”. Cậu ấy có những phẩm chất để xứng đáng được gọi là thần đồng. Khi tôi trao cơ hội để cậu ấy ra mắt vào năm 17 tuổi, Man United đã gặp rắc rối không ngờ: hiện tượng Giggs.
Một tay đại diện người Italy đã gọi hỏi tôi khi Giggs còn là một cậu bé: “Các con của ông làm nghề gì?”. Tôi trả lời: “Mark là sinh viên đại học, Jason sẽ vào ngành truyền hình còn Darren đang học nghề tại đây”. Ông ta nói tiếp: “Bán Giggs cho tôi đi và tôi có thể làm cho các con của ông trở nên giàu có”. Đương nhiên là tôi từ chối.
Tốc độ, khả năng thăng bằng và việc tập luyện chuyên nghiệp đã làm nên đẳng cấp của Ryan Giggs. |
Suy nghĩ của Giggs đã bị mắc kẹt khi được đem ra so sánh với George Best và khó có thể thoát ra khỏi chuyện đó. Mọi người đều muốn có những mẩu tin về cậu ấy. Nhưng Giggs là người rất thông minh. “Hãy gặp huấn luyện viên đi” là câu mà cậu ấy nói với bất kỳ ai muốn phỏng vấn hoặc hợp tác. Giggs không muốn trả lời phỏng vấn và tìm ra cách đẩy quyết định phải từ chối cho tôi. Cậu ấy thật thông minh.
Tôi nhớ có lần Bryan Robson tiếp cận với Giggs để giới thiệu Harry Swales làm người đại diện. Giggs đã báo cáo việc đó với tôi trước tiên. Bryan sắp kết thúc sự nghiệp và khẳng định Harry sẽ rất phù hợp cho Giggs. Bryan đã đúng, Harry thật tuyệt vời. Harry Swales là người đàn ông từng đính hôn ở tuổi 81 với một phụ nữ Thụy Sĩ lạc đường mà ông ấy gặp trên sân ga. Ông ấy là một cựu quân nhân có bộ râu kẽm. Ông ấy chăm sóc Giggs rất chu đáo. Giggs cũng có một người mẹ rất mạnh mẽ, còn ông bà của cậu ấy là những người rất, rất tốt.
Để có được sự nghiệp kéo dài suốt hai thập kỷ, Giggs đã phải tuân thủ chế độ tập luyện rất chi tiết. Yoga và thói quen chuẩn bị hàng ngày là điểm mấu chốt trong sự nghiệp dài lâu của cậu ấy. Giggs tôn thờ môn yoga. Sau khi luyện tập, một chuyên gia sẽ đến để hướng dẫn cậu ấy các bài tập hai lần mỗi tuần. Điều đó đã trở nên rất quan trọng đối với Giggs.
Gân kheo là vấn đề với Giggs. Mỗi khi cậu ấy bị chấn thương gân kheo, chúng tôi không biết chắc chắn bao giờ cậu ấy có thể trở lại. Chúng tôi sẽ để Giggs ngồi ngoài vài trận để có thể sẵn sàng chơi những trận khác. Trong giai đoạn cuối sự nghiệp, chỉ có vấn đề tuổi tác mới khiến chúng tôi phải để Giggs nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cậu ấy vẫn có thể thi đấu khoảng 35 trận trong mỗi mùa giải nhờ nền tảng thể lực quá tuyệt vời.
Khi tốc độ của Giggs giảm xuống, chúng tôi xếp cậu ấy chơi nhiều hơn ở khu vực giữa sân. Chúng tôi không kỳ vọng Giggs sẽ tỏa sáng, vượt qua các hậu vệ đối phương như cách mà cậu ấy đã làm khi còn trẻ. Không nhiều người nhận ra rằng ngay cả trong vai trò mới này thì Giggs vẫn duy trì được khả năng thay đổi tốc độ, điều đôi khi còn quan trọng hơn tốc độ đơn thuần trong khi thi đấu. Khả năng giữ thăng bằng của Giggs cũng vậy, không hề bị ảnh hưởng.
Alex Ferguson xem Ryan Giggs như bảo vật và luôn bảo vệ anh trước dư luận. |
Mùa thu năm 2010, Giggs bị hậu vệ Jonathan Spector của West Ham đốn ngã trong vòng cấm địa và tôi đã nhân cơ hội đó để đặt ra câu hỏi: Ryan Giggs đã mang lại bao nhiêu quả phạt đền cho Man United? Câu trả lời là chỉ 5 thôi. Bởi vì cậu ấy luôn đứng vững trên đôi chân của mình. Giggs chỉ bị vấp nhưng không bao giờ ngã xuống.
Có lần, tôi hỏi Giggs tại sao không ngã xuống sau khi bị phạm lỗi nặng trong vòng cấm địa, điều mà cậu ấy có quyền làm thế. Giggs nhìn tôi như thể trên đầu tôi mọc sừng vậy. Cậu ấy vẫn giữ cái nhìn đầy trống rỗng đó và trả lời: “Tôi sẽ không ngã xuống”.
Giggs là chàng trai điềm đạm, rất bình tĩnh trong nghịch cảnh. Thật kỳ lạ, Giggs chưa bao giờ là một “siêu dự bị” cho đến những năm cuối cùng sự nghiệp. Giggs luôn thi đấu tốt hơn khi được ra sân ngay từ đầu. Tuy nhiên, cậu ấy lại đóng vai trò quan trọng khi vào sân thay người trong trận chung kết Champions League 2008 ở Moscow. Còn trong trận thắng Wigan để đoạt Cúp Liên đoàn thì Giggs cũng vào sân từ băng ghế dự bị và ghi bàn thắng thứ hai cho Man United. Giggs xóa bỏ nghi ngờ của chúng tôi về tầm ảnh hưởng của bản thân với đội bóng. Giggs là một tài sản quý giá khi ngồi trên băng ghế dự bị.
Trầm lặng và quay lưng với sự nổi tiếng
Trí thông minh của Giggs giúp cậu ấy hy sinh các việc khác bên ngoài xã hội. Giggs thuộc kiểu người sống khép kín nhưng được mọi người ngưỡng mộ. Cậu ấy quả là ông hoàng nổi tiếng. Có lần Giggs và Paul Ince diện những bộ vest thật ngớ ngẩn nhưng rồi chuyện đó qua đi nhanh chóng. Song Giggs vẫn có bộ vest khiến tôi phải thốt lên: “Cái quái gì vậy?”.
Incey hâm mộ lối ăn mặc hào nhoáng. Cậu ấy và Giggs là bộ đôi không tách rời. Tuy nhiên, Giggs có lối sống cực kỳ chuyên nghiệp. Ở câu lạc bộ, mọi người đều nể nang và noi theo Giggs.
Giggs quay lưng với sự nổi tiếng và xây dựng tên tuổi. Cậu ấy thiếu khí chất phù hợp để làm việc đó. Giggs là người hướng nội. Để duy trì cuộc sống của người nổi tiếng, bạn cần phải có nguồn năng lượng tuyệt vời để đi khắp thế giới và đưa mặt trước ống kính máy quay. Nó cũng đòi hỏi một điều rất phù phiếm nhất định và niềm tin rằng đây là những gì dành cho bạn. Các diễn viên luôn biết họ thực sự muốn đứng trên sân khấu hoặc góp mặt trong các bộ phim. Tôi chưa bao giờ bị cuốn hút bởi điều đó để trở nên nổi tiếng.
Hy vọng của tôi là các cầu thủ đã lớn lên cùng chúng tôi sẽ mang theo mọi thứ học được ở Carrington và duy trì được sự liên tục của câu lạc bộ, giống như kiểu Uli Hoeness và Karl-Heinz Rummenigge tại Bayern Munich. Họ hiểu rõ câu lạc bộ được vận hành như thế nào và cầu thủ cần có những tiêu chuẩn gì để thi đấu cho đội bóng.
Ryan Giggs sẽ luôn được nhớ đến như là biểu tượng của lòng trung thành ở Man United. |
Chưa thể khẳng định điều đó có đưa họ thành huấn luyện viên hay không, vì còn phụ thuộc vào việc họ phát triển khả năng huấn luyện như thế nào. Nhưng cả Giggs và Scholes đều thông minh. Họ thấu hiểu tinh thần Man United và cũng là những cầu thủ vĩ đại. Vì vậy, họ có tất cả yếu tố phù hợp để thành huấn luyện viên của Man United.
Giggs hoàn toàn có thể thành một huấn luyện viên giỏi vì cậu ấy thông minh, được các cầu thủ luôn tôn trọng. Sự trầm lặng của Giggs không phải là rào cản. Có rất nhiều huấn luyện viên ít nói. Tuy nhiên, bạn phải có cá tính mạnh mẽ. Để làm việc được ở câu lạc bộ như Man United, cá tính của bạn phải mạnh mẽ hơn các cầu thủ để kiểm soát toàn bộ cục diện.
Bạn sẽ có những cầu thủ lớn, những cầu thủ giàu có, những ngôi sao nổi tiếng thế giới và bạn phải mạnh mẽ hơn họ, kiểm soát họ. Ở Man United chỉ có một ông chủ và người đó là huấn luyện viên. Giggs sẽ cần phải trau dồi tính cách đó. Nhưng tôi cũng đã từng phải làm như thế, từ năm 32 tuổi.
Ở trường, chúng tôi sẽ được hỏi: “Lớn lên bạn muốn làm nghề gì?”. Tôi trả lời: “Làm cầu thủ bóng đá”. Trong khi đó “lính cứu hỏa” là câu trả lời phổ biến hơn. Trả lời “làm cầu thủ bóng đá” ngụ ý không có khát khao được biết đến trên toàn thế giới, đây đơn thuần là một nghề để kiếm sống bằng cách thi đấu. Giggs là mẫu người kiểu đó.