Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rủi ro 'thương mại hóa nỗi đau' khi xuất bản hồi ký

Sau khi nhìn lại thị trường xuất bản Australia gần đây, các nhà phân tích nhận thấy xuất hiện nhiều cuốn hồi ký chia sẻ về những nỗi đau, sự khó khăn trong đời sống.

nganh sach Australia anh 1

Các tác giả phải đón nhận thêm nhiều thông điệp tiêu cực khi quảng bá sách. Ảnh: Guardian Design.

Trong tác phẩm đầu tay năm 2018 Eggshell Skull, Bri Lee kể lại việc cô bước chân vào nghề luật và phải giải quyết vụ án tấn công tình dục của chính mình. Cuốn sách đã thành công và phần nào thúc đẩy làn sóng phản hồi của độc giả khi nhiều người tiết lộ trải nghiệm đau thương của chính họ.

Lee chia sẻ trong một cuộc điện thoại: “Đó là một đặc ân lớn và tôi rất biết ơn. Việc mọi người dành thời gian, quan tâm và chia sẻ những câu chuyện đó với tôi là một nỗ lực phi thường của họ”.

Nhưng việc đón nhận phản hồi cũng đầy thử thách. Lúc đầu, Lee trả lời mọi tin nhắn nhưng khối lượng quá lớn. Đồng thời việc đọc nhiều chia sẻ cũng khiến cô nặng nề hơn về mặt tâm lý và tình cảm. Cô chỉ mới tắt tính năng nhận tin nhắn trực tiếp trên Instagram gần đây. “Mọi thứ đã đến mức tôi không thể xử lý được nữa. Thành thật mà nói, cảm xúc rất tiêu cực", cô nói.

nganh sach Australia anh 2

Eggshell Skull nhận được sự đón nhận của độc giả. Ảnh: Amazon.

Ngày càng có nhiều nhà văn Australia phải đối phó với hậu quả của việc chia sẻ câu chuyện cá nhân trong không gian công cộng.

Nhìn lại các tác phẩm nổi tiếng được phát hành trong năm nay cho thấy nhu cầu của độc giả Australia là các tác phẩm viết về nỗi đau, sự tổn thương cá nhân, như cuốn Bohemian Negligence của Bertie Blackman, Childhood của Shannon Burn, Homesickness của Janine Mikosza hay Fourteen của Shannon Molloy.

Và cũng như những tác phẩm được chuyển thể thành phim trong năm nay như Nothing Bad Ever Happens Here của Heather Rose, It’s a Shame About Ray của Jonathan Seidler, A Kind of Magic của Anna Spargo-Ryan, The Ninth Life of a Diamond Miner của Grace Tame hay Tell Me Again của Amy Thunig.

Khi độc giả chuộng đọc hồi ức về những nỗi đau

Hồi ức về những nỗi đau trong quá khứ không phải là một xu hướng mới. Giám đốc điều hành của Hiệp hội những đơn vị bán sách Australia, Robbie Egan, nói: “Mọi người không bao giờ hết nhu cầu về các tác phẩm như vậy, như cuốn Angela's Ashes của Frank McCourt's (1997) hoặc gần đây hơn, cuốn Working Class Boy của Jimmy Barnes (2016 ). Nhưng tôi nghĩ bây giờ chúng ta nói về nỗi đau theo một cách phức tạp hơn nhiều”.

Một phần của bối cảnh hiện tại có thể là ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông xã hội. Theo giảng viên dạy viết sáng tạo ở Đại học Sydney Toyah Webb, “nỗi đau đã trở thành một từ loại thông dụng”. Và những cuốn hồi ký dạng này cũng sẽ được quảng bá trên phương tiện truyền thông nhiều hơn là tiểu thuyết. Như tác giả Lee cũng nói: “không có gì đáng ngạc nhiên từ góc độ thương mại rằng cả biên tập viên và nhà xuất bản đều vui mừng khi tìm thấy những người trẻ sẵn sàng kể những câu chuyện đau thương”.

Nhưng đối với các tác giả, điều đó không dễ dàng. Madonna Duffy, giám đốc xuất bản tại nhà xuất bản UQP, chia sẻ qua email: “Nếu phải hồi tưởng lại những nỗi đau thêm một lần nữa trong quá trình biên tập và quảng bá thì các tác giả có thể sẽ tái phát sự tổn thương. Các nhà văn cũng phải tiếp nhận thêm những câu chuyện đau thương của người khác khi họ ra ngoài quảng cáo sách của mình và điều này có thể rất khó khăn”.

Và đối với các nhà văn từ các cộng đồng bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương, quá trình đó có thể còn khắc nghiệt hơn.

nganh sach Australia anh 3

Hồi ký về sự đau khổ đã trở thành xu hướng đọc của độc giả Australia. Ảnh: The Guardian.

Thương mại hóa nỗi đau của người khác

Các nguồn tin trong ngành xuất bản Australia khi chia sẻ với tờ The Guardian đều đồng tình rằng ngành công nghiệp này đang hình thành xu hướng quan tâm đến nỗi đau và những tổn thương cá nhân. Trong khi điều này thể hiện sự đa dạng về đề tài thì cũng cần làm phong phú thêm các góc độ và trải nghiệm khác.

Một cách tiếp cận hời hợt đối với “sự đa dạng” sẽ khiến các tác giả không nhận được đầy đủ sự hỗ trợ từ các biên tập viên, nhà xuất bản hoặc giám đốc điều hành. Và sự thiếu hiểu biết này có thể dẫn đến những vấn đề nguy hiểm.

Amani Haydar, người có cuốn hồi ký thành công The Mother Wound, đã may mắn được làm việc với một biên tập viên “có kiến ​​thức về bạo lực gia đình, có sự nhạy cảm và cởi mở trong suốt quá trình biên tập” và cả một người phát ngôn đồng cảm. “Điều này rất quan trọng đối với tôi vì tôi nhận thức được rằng nhiều khi những câu chuyện được viết từ góc nhìn nạn nhân có thể nhận được sự đồng tình nhưng cũng có thể bị hiểu lầm hoặc lợi dụng”, Haydar chia sẻ.

Nữ nhà văn cũng bày tỏ thêm: “Tôi tin rằng quá trình làm việc tích cực có thể định hình và cải thiện ngành xuất bản”.

Ông Egan cũng suy nghĩ về “rủi ro đạo đức” trong quá trình xuất bản các tác phẩm này. Ông nói: “Suy cho cùng, công việc của một công ty xuất bản là bán sách. Điều đó có nghĩa là bạn đang thương mại hóa một thứ gì đó cực kỳ cá nhân. Thương mại hóa nỗi đau của ai đó. Quá trình này đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ và cần có góc nhìn cân bằng".

Robert Watkins, giám đốc xuất bản của Ultimo Press cũng cho biết: “Tôi chắc chắn rằng còn rất nhiều việc phải làm để xem xét cách thức xuất bản và quảng bá các tác phẩm như vậy theo một hướng tích cực thay vì làm theo kiểu gia tăng sự mệt mỏi”.

Cả ông Watkins và bà Madonna Duffy đều đặc biệt chú ý đến vai trò của nhà xuất bản trong việc xây dựng một quy trình làm việc công khai để các tác giả cảm thấy an toàn. Ví dụ, trong trường hợp của Lee, cần phải có một người phát ngôn đại diện cho tác giả trong quá trình ký kết hợp đồng. Lee chia sẻ: “Đó là điều nhà xuất bản của tôi làm rất tốt. Tôi cảm thấy rất được ủng hộ khi không ở một mình trong quá trình làm việc”.

Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho các tác giả thấy thoải mái khi chia sẻ những câu chuyện cá nhân cũng sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực. Những tác phẩm này không chỉ kể lại khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời của họ mà còn cho thấy sự kiên cường, sức mạnh và niềm tin để giúp “những người khác cùng trải qua nỗi đau tương tự không còn thấy cô đơn”, bà Duffy nói. "Bất kỳ nhà văn nào đề cập đến nỗi đau trong tác phẩm của họ đều thể hiện sự dũng cảm phi thường", bà Duffy khẳng định.

Lý giải sức hút của dòng sách tâm lý học

Trong khoảng thời gian gần đây, các cuốn sách về lĩnh vực tâm lý học từ lý thuyết cho đến ứng dụng ngày càng được lòng độc giả trẻ.

Sách về đời sống tinh thần cho thiếu nhi là xu hướng xuất bản mới

Báo cáo của ngành xuất bản Anh ghi nhận doanh số bán các đầu sách thiếu nhi về cảm xúc của trẻ tăng gần 40% và xuất phát từ chính nhu cầu của giới trẻ.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm