Bên ngoài hiệu sách RJ Julia Booksellers ở Connecticut, Mỹ. Hiệu sách này đã tổ chức một số chương trình giao lưu tác giả nhằm thu hút khách hàng. Ảnh: rjjulia. |
Theo đánh giá của tờ Publishers Weekly, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh những thay đổi trong ngành kinh doanh sách, bao gồm cả cách mọi người mua sắm.
Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử trong ngành sách
Bà Janet Webster Jones, chủ sở hữu và người sáng lập của hiệu sách Source Booksellers ở Detroit, Mỹ cho biết: “Việc chỉ dựa vào mở cửa hiệu và mọi người đến xem rồi mua sắm sẽ không duy trì hoạt động kinh doanh đến tận bây giờ”.
Giống nhiều hiệu sách khác, Source Booksellers, chuyên về sách phi hư cấu, đã phải chuyển đổi để vừa là một hiệu sách và vừa nhận đặt hàng trên thị trường điện tử. Con gái của Jones kiêm đối tác kinh doanh của bà, Alyson Jones Turner, đã phát triển trang web của cửa hàng thành một trang thương mại điện tử về sách. Họ cũng đưa các tác phẩm cửa hiệu có lên các trang bán sách trực tuyến Bookshop.org và Libro.fm.
Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh trên mạng Internet đã giúp hiệu sách nhận được tỷ lệ đơn đặt hàng trước lớn hơn, chẳng hạn như kỷ lục 800.000 bản cuốn It Starts with Us của Colleen Hoover vào tháng trước.
Source Booksellers đã tìm thêm cách để thích nghi với môi trường phát triển mới. Ảnh: Detroit Metro Times. |
Tại hiệu sách Blue Willow ở West Houston, Texas, đơn đặt hàng cho sách người lớn và trẻ em cũng đã tăng đáng kể. “Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để trở thành trung tâm vận chuyển sách. Cửa hiệu hiện rất sôi động khi vừa phục vụ mua sắm và vừa đóng gói hàng hóa", bà chủ Valerie Koehler chia sẻ và cho biết thêm rằng giờ bà biết cách chuyển hàng đến Dubai.
Roland Bates, nhân viên hiệu sách Kirkdale ở Sydenham, London cũng cho rằng sự phát triển của công nghệ trong ngành sách đang rất hữu ích. Công nghệ đã giúp cho nhiều hiệu sách như Kirkdale và Chener có thể đặt sách cho khách và nhận hàng vào ngày hôm sau.
Theo Newstatesman, bên cạnh đó, cũng có nhiều trang web được phát triển để hỗ trợ cho các hiệu sách độc lập như Hive và Bookshop.org. Họ cung cấp dịch vụ ngang ngửa với Amazon Books nhưng lại cho phép người mua hàng chọn một cửa hàng sách độc lập để gửi thêm doanh thu. Theo Bates, cách làm này rất hữu ích vì giúp các hiệu sách độc lập gia tăng thêm được thu nhập trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19.
Linh hoạt chuyển đổi hình thức tổ chức sự kiện
Là một hiệu sách tổng hợp với thế mạnh là các tác phẩm dành cho trẻ em, hiệu sách Blue Willow gần đây cũng vừa kết hợp việc bán sách cho các trường học với việc tổ chức các chuyến thăm của tác giả tới trường trực tiếp hoặc trực tuyến.
Sau khi trải qua đại dịch Covid-19, sự kiện của các tác giả cũng đã ghi nhận nhiều sự thay đổi. Lori Fazio, Chủ tịch kiêm COO của hiệu sách RJ Julia Booksellers ở Madison, Connecticut, đã gọi các sự kiện này là “một quá trình học hỏi liên tục”. Các sự kiện đã chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và lúc này lại quay về trực tiếp một lần nữa. Một số hiệu sách cũng đang tổ chức các sự kiện kết hợp thành công cả hai định dạng này.
Mặc dù RJ Julia tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến, Fazio thích các cuộc gặp gỡ trực tiếp, như một sự kiện mà cửa hiệu này đã tổ chức vào tháng trước với hai tác giả Jodi Picoult và Jennifer Finney Boylan của cuốn Mad Honey, thu hút 450 người.
Để thu hút khách hàng đến với các sự kiện lớn và tạo không khí gần gũi hơn, cửa hiệu này cũng đã triển khai chương trình khách hàng thường xuyên trong tháng 9. Những người tham gia sự kiện sẽ nhận được tem và thẻ quà tặng cho mỗi sự kiện mà họ trực tiếp tham dự.
Đối với Peter Glassman, người sáng lập và chủ sở hữu hiệu sách dành cho trẻ em Books of Wonder ở New York, một lợi thế của sự kiện trực tuyến là “nó mở ra cơ hội tuyệt vời để thu hút các tác giả từ khắp nơi trên thế giới”.
Giống Source, Books of Wonder cũng đã trải qua sự sụt giảm đáng kể về lượng người ghé cửa hàng trong thời gian đại dịch. Để cải thiện tình hình, Glassman đã tung ra một trang web mới ngay trước đại dịch. Không chỉ giới thiệu các tác phẩm, trang web này cũng được sử dụng để quảng bá các sự kiện trực tuyến.
Tại hiệu sách Politics and Prose ở Washington, số lượng đơn đặt hàng trực tuyến đã tăng gấp bốn hoặc năm lần kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo nhà đồng sáng lập Bradley Graham. Dù "bây giờ các đơn đặt hàng đã chững lại, số lượng đơn vẫn tương đối nhiều, hiện gấp đôi hồi tháng 3/2020”, ông Glassman cho biết.
Để nối lại các sự kiện họ thường tổ chức, Politics and Prose cũng đang phát trực tiếp nhiều chương trình để kết nối với các khách hàng ở xa, cũng như triển khai nhiều chương trình trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Các hiệu sách độc lập đang kết hợp nhiều chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Ảnh: Getty Images. |
Nhận được sự tương trợ từ cộng đồng
Giữa sự khó khăn của đại dịch, dù đã xoay xở nhiều cách để tồn tại, các hiệu sách độc lập vẫn bị sụt giảm lớn doanh thu và thậm chí đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Vào lúc này, sự trợ giúp lớn từ cộng đồng đã trở thành nguồn lực giúp nhiều hiệu sách độc lập đứng vững.
Việc nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng thông qua trang web GoFundMe đã giúp hiệu sách dành cho trẻ em người Mỹ gốc Phi EyeSeeMe vượt qua đại dịch. Khi các trường học đóng cửa để học trực tuyến vào mùa xuân năm 2020, EyeSeeMe đã mất một phần ba doanh thu, trước đó là thông qua các hội chợ sách, đồng chủ sở hữu Jeffrey Blair cho biết. May mắn thay, cửa hiệu đã nhận được một vài “cái ôm lớn” từ cộng đồng.
EyeSeeMe đã nhận được sự giúp đỡ lớn từ cộng đồng. Ảnh: shelf-awareness. |
Sau khi được cựu COO Facebook Sheryl Sandberg kêu gọi giúp trên tờ USA Today, chiến dịch gây quỹ ủng hộ EyeSeeMe đã nhận được nhiều sự giúp đỡ. Họ đã huy động được gần 41.000 USD để trang trải tiền thuê nhà và tiền lương. Ông Blair nói: “Chúng tôi rất vui vì điều đó. Mọi người quyên góp hoặc ghé qua cửa hàng và mua sách.
Tại Vương quốc Anh, hiệu sách New Beacon Books ở Công viên Finsbury cũng từng phải thông báo đóng cửa vào ngày 29/1/2021 vì áp lực tài chính. Nhưng chỉ vài ngày sau, một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng đã mang về 50.000 bảng Anh để giúp họ chuyển đến cơ sở mới.
Các chiến dịch gây quỹ cũng đã giúp hiệu Book-ish ở Crickhowell, xứ Wales huy động được tiền để mua được cửa hiệu cho riêng mình, trong khi Afrori Books, cửa hàng sách đầu tiên thuộc sở hữu của người da màu ở Brighton, cũng được tiếp tục duy trì sau khi quyên góp được hơn 12.000 bảng Anh.