Thi đấu bóng đá giữa hai đội Công an Hà Nội và Công an Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) chiều 4/2/1973. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN. |
Xem bóng đá bây giờ, đến sân vận động đẹp như mơ, được hò hét phấn khích cùng đám bạn hữu ủng hộ đội bóng mình yêu, không khí trên sân cứ như ngày hội. Nếu xem ở nhà, ngồi trong phòng máy lạnh, đồ uống và cả đồ ăn bày ra ê hề, thật tiện ích và sảng khoái, chả bù cho những ngày xưa.
Dù Đài Tiếng nói Việt Nam đã có buổi phát hình đầu tiên trên sóng viba tối 7/9/1970, do chiến tranh và những khó khăn thời hậu chiến khiến mười năm sau, ngày 19/8/1980, Ban biên tập Vô tuyến truyền hình mới tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam để trở thành Đài Truyền hình Trung ương.
Nhưng cũng phải hơn chục năm nữa, tháng 6/1984, World Cup 1994 mới được phát sóng phục vụ người hâm mộ Việt Nam. Đến tận những năm đó, nhân dân cả nước vẫn chỉ lắng nghe tường thuật các trận đấu bóng đá qua Đài Tiếng nói Việt Nam là chính.
Đoạn dây kim loại (dây đồng là chủ yếu) được căng giữa 2 sào tre, càng cao càng dài càng tốt để cung cấp tín hiệu âm thanh cho chiếc ga-len, loại radio dân Việt Nam tự tạo có cuộn dây đồng, chiếc nam châm, miếng kim loại thật mỏng để tạo âm thanh đẩy ra chiếc loa hình nón phát ra âm thanh.
Tiếng bình luận viên chập chờn, lúc to lúc nhỏ nên khi trận bóng đang diễn ra, chó mèo cũng không được kêu. Nếu gây ồn, chúng sẽ bị xử lý bằng cách lôi ra bụi tre ngoài vườn để buộc vào đấy.
Ở Hà Nội thì sướng hơn. Phố nào cũng được lắp loa công suất lớn, tiếng các bình luận viên Hoài Sơn, Đình Khải, Huy Hinh nghe rõ mồn một. Quanh Hồ Hoàn Kiếm còn lắp loa dày đặc hơn. Người đứng xúm đông xúm đỏ quanh những cột loa, nghe như nuốt từng lời người tường thuật trận đấu.
Bình luận viên hồi ấy kiêm người tường thuật, tả cho khán giả nghe đài quang cảnh trên sân, diễn biến trận đấu. Đôi lúc BLV vận dụng những hiểu biết riêng của mình về từng sở trường sở đoản của cầu thủ để bình phẩm những pha bóng hay khiến đám đông quanh chiếc loa trầm trồ tán thưởng.
Trước cửa tòa soạn báo Hà Nội Mới ở phố Lý Thái Tổ có một bảng để dán báo xuất bản hàng ngày. Người vòng trong vòng ngoài bu vào xem các bài viết về bóng đá trong nước hoặc quốc tế.
Nắm bắt thị hiếu người hâm mộ, các báo và cả tập san, tạp chí cũng đua nhau ra tờ Tin nhanh theo mỗi kỳ bóng đá thế giới khai hội. Số lượng (tiara) bản Tin nhanh nhiều khi át cả tờ báo chính thống của mình.
Để xem bóng đá trực tiếp tại Hà Nội, từ hồi Pháp thuộc, khi sân SEPTO (Hàng Đẫy bây giờ) còn nhỏ, chỉ có khoảng 400 chỗ ngồi bên khán đài A. Xung quanh sân khi ấy là những ruộng rau của làng Bích Câu, An Trạch. Mỗi khi có trận đấu chính thức, người Pháp chủ yếu tổ chức tại sân Mandin, sân của quân đội Pháp trong thành Hà Nội.
Sân Mandin lúc đó chứa được hàng nghìn người, hơn sân SEPTO là có dãy nhà vệ sinh và nhà cho cầu thủ vào thay áo quần. Người đến xem ai cũng mang theo ghế gỗ để ngồi hoặc đứng trèo lên. Bên dãy đường Nguyễn Tri Phương bây giờ, khi ấy là khu gia binh, luôn bị đám thanh niên và trẻ con trèo lên mái để xem trận đấu.
Những cây to bên đường Hoàng Diệu, phía trước khu nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được trẻ trèo lên để nhìn xuống sân. Những trận bóng đá hồi ấy phải có cảnh binh đi dẹp những người ngồi tràn ra cả sân cỏ thì trận đấu mới được bắt đầu.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, sân SEPTO được làm lại. Khởi công ngày 16/2/1957 đến chiều tối 24/8/1958 sân được cắt băng khánh thành với trận đấu Thanh niên Hải Phòng gặp Thanh niên PhnomPenh.
Sân được đổi thành Hàng Đẫy, có sức chứa 20 nghìn người với các bệ ngồi được đổ bê tông, có 2 mái che bên khán đài A và B. Hôm đó sau lời khai mạc của Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Trần Duy Hưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống sân đá quả giao bóng cho trận đấu.
Những năm cuối thế kỷ trước, có tấm vé vào sân Hàng Đẫy xem bóng đá là mơ ước của nhiều người. Những ngày đầu tuần, trong công sở hoặc những nơi tụ hội, mọi người kể nhau nghe về trận đấu hôm chủ nhật, chủ yếu để những người không vào được sân hôm đó nghe đỡ thèm.
Từ thứ năm là bắt đầu cho chiến dịch săn lùng vé. Vé hồi đấy bán chủ yếu qua khối cơ quan. Ngoài sân cũng có phe vé nhưng chỉ những ai giàu có hoặc người ở xa về, muốn xem một lần để biết mới dám mua vé của họ.
Hồi đấy có người không đủ tiền đành cởi chiếc áo ấm đang mặc hoặc chiếc đồng hồ trên tay để đổi lấy vé vào xem.
Hồi chưa lắp dàn đèn, nhiều người đã phải vào sân từ buổi trưa để giữ chỗ. Dù khi bắt đầu trận đấu sân đã đông nghịt người nhưng quanh sân, dân hâm mộ vẫn đứng vây quanh hóng nghe đài tường thuật. Phía tường bên phố Cát Linh thấp nhất nên là nơi để từng tốp người trèo qua. Mặc cảnh sát trật tự đứng dưới, họ vẫn trèo và lọt qua hàng rào cảnh sát mỏng manh, chạy được lên khán đài là thoát.
Năm 1984, sân Hàng Đẫy có trận đội Pác-mơ của Liên Xô đá với tuyển Việt Nam. Bên khán đài C, trông ra phố Nguyễn Thái Học có ngôi nhà 2 tầng cấp 4 bị gần trăm khán giả trèo lên xem chui bị đổ sập. Bụi bay mù mịt nhưng may không có người chết, chỉ hơn hai chục người bị thương phải đưa đến bệnh viện Xanh Pôn gần đó cấp cứu. Cũng có người nói rằng có người chết, nhưng chưa xác thực nên không dám khẳng định.
Hồi đấy người ta xem bóng đá một cách thuần khiết, không toan tính. Không có những cổ động viên cá cược cay cú chửi bới nhau hoặc cục bộ địa phương chửi bới đội bạn.
Việc hâm mộ thái quá bây giờ đôi lúc diễn ra như phim hài, khi người hâm mộ bắt các cầu thủ con cưng của mình chịu tra tấn trên xe suốt mấy tiếng đồng hồ từ sân bay để về nơi nghỉ trong nội thành.
Không lẽ bây giờ lại chép miệng như những người hoài cổ: “Ôi! Bao giờ cho đến ngày xưa!”.