Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý giải mối đe dọa mà hội kín Illuminati có thể gây ra

Dựa trên những nghiên cứu hiện đại tốt nhất hiện nay, Niall Ferguson tìm cách giải cứu lịch sử các mạng lưới khỏi nanh vuốt của những kẻ theo thuyết âm mưu.

Hình ảnh trong phim "Eyes wide shut" của Stanley Kubrick. Nguồn: anothermag.

...nghịch lý đầu tiên của giáo điều Illuminati là: đây là một mạng lưới khao khát một cấu trúc thứ bậc phức tạp, ngay cả khi nó công kích các hệ thống thứ bậc đương thời. Trong bài phát biểu năm 1782 “với các Illuminati cao cấp mới được thăng cấp”, Weishaupt đã đưa ra thế giới quan của mình.

Ở trạng thái tự nhiên, con người vốn tự do, bình đẳng và hạnh phúc; việc phân chia thứ bậc, tài sản tư hữu, tham vọng cá nhân và sự hình thành nhà nước về sau mới có, trở thành “những động lực báng bổ và nguyên nhân chính của bất hạnh của chúng ta”. Nhân loại đã không còn là “một gia đình vĩ đại, một đế chế duy nhất” vì “con người muốn tách mình khỏi đồng loại”.

Nhưng Phong trào Khai sáng, được lan truyền bởi hoạt động của các hội kín, có thể vượt qua sự phân tầng xã hội này. Và khi đó “các quân vương và các quốc gia sẽ biến mất khỏi Trái đất mà không cần bạo lực, loài người sẽ (lại) trở thành một gia đình và thế giới sẽ trở thành nơi cư ngụ của những sinh mệnh duy lý”. Điều này không dễ dàng hòa hợp với chiến dịch thành công của Knigge là chiêu mộ các hội viên Tam điểm quý tộc và quân vương vào Hội.

[...] Do đó, mục tiêu cuối cùng của Illuminati là một giả tôn giáo “Cải cách thế giới” trên cơ sở lý tưởng của Phong trào Khai sáng.

Hội Illuminati được sáng lập dựa trên chính trên những nền tảng này - cả về tổ chức lẫn tôn giáo. Knigge phàn nàn về “đặc điểm Dòng Tên” của Weishaupt. Hai hội viên Illuminati xuất chúng ở Göttingen là Johann Georg Heinrich Feder và Christoph Meiners, lên án việc ông nghiêng về các lý thuyết chính trị cấp tiến của Jean-Jacques Rousseau. Một hội viên Illuminati khác, Franz Carl von Eckartshausen, đã từ chức khi nhận ra lòng ngưỡng mộ của Weishaupt dành cho Helvétius và d’Holbach.

Với vai trò là chuyên viên lưu trữ của Charles Theodore - Tuyển hầu tước Palatine, người đã kế thừa Tuyển hầu tước Bavaria sau khi Max Joseph mất vào năm 1777, Eckartshausen ở vị thế ép buộc Hội không được hoạt động.

Năm 1784, sau những cuộc tranh luận kéo dài ở Weimar (một số cuộc có sự tham gia của Goethe), Knigge bị buộc phải từ chức. Weishaupt trao quyền lãnh đạo cho Bá tước Johann Martin zu Stolberg-Rossla, người được cho là đã giải tán Hội vào tháng 4 năm 1785, chỉ một tháng sau sắc lệnh thứ hai của Bavaria chống lại các hội kín, mặc dù có một số bằng chứng rằng Hội vẫn tiếp tục hoạt động đến giữa năm 1787 và Johann Joachim Christoph Bode không từ bỏ ý tưởng phục hồi Hội ở Weimar cho đến năm 1788.

Có vẻ rõ ràng là Illuminati gần như đã tự giải thể hai năm trước khi Cách mạng Pháp bắt đầu. Bản thân Weishaupt dành phần còn lại của cuộc đời mình dưới sự bảo trợ của Ernest Đệ 2, công tước xứ Saxe-Gotha-Altenburg, đầu tiên ở Regensburg rồi sau đó ở chính Gotha, tung ra hàng loạt tác phẩm khoa trương tự biện minh như Toàn bộ lịch sử về các cuộc khủng bố Illuminati ở Bavaria (A Complete History of the Persecutions of the Illuminati in Barvaria, năm 1785), Bức tranh về giáo điều Illuminati (A Picture of Illuminati in Barvaria, năm 1785) và Biện hộ cho Illuminati (An Apology for the Illuminati, năm 1786). Dù có một số tiếp nối từ Illuminati đến Liên bang Đức của Karl Friedrich Bahrdt, những điều này không nên được cường điệu hóa.

Như Knigge chỉ ra trong tác phẩm tự biện minh của mình, Lời giải thích của triết gia (Philo’s endliche Erklärung, 1788), Illuminati ngay từ đầu đã mâu thuẫn về nhiều mặt: một tổ chức phục vụ Phong trào Khai sáng nhưng ẩn trong bức màn bí mật.

Tuy nhiên những người bảo vệ Hội Tam điểm chính thống và những người phản đối Cách mạng Pháp có động cơ mạnh mẽ để phóng đại quy mô và sự nham hiểm của Illuminati.

Trong các bài tiểu luận năm 1797, cả John Robison và Cha bề trên Barruel đều phải dựa vào một số nguồn tài liệu tiếng Đức giàu tưởng tượng để khiến các cáo buộc chống lại Illuminati của họ - đặc biệt là tuyên bố rằng Hội đã gây ra Cách mạng Pháp - có vẻ đáng tin cậy. Điều gần nhất với mối liên hệ đích thực giữa Illuminati và Cách mạng Pháp là Honoré Gabriel Riqueti, bá tước Mirabeau, đã gặp Jacob Mauvillon - người bị Johann Joachim Christoph Bode xúi giục trở thành hội viên Illuminati - khi Mirabeau ghé thăm Brunswick giữa những năm 1780.

Nhưng quan điểm cho rằng các hội quán Hội Tam điểm Pháp là nơi những ý tưởng cách mạng được truyền từ Ingolstadt tới Paris không thể vượt qua một cuộc kiểm tra thông thường nhất. Xét cho cùng, những ý tưởng cách mạng bắt nguồn từ Paris. Đường truyền liên lạc thực sự đi từ các cuộc họp mặt ở thủ đô Pháp đến Bavaria, thông qua các thư viện của những người được khai sáng như Ickstatt, thầy của Weishaupt, chứ không phải theo hướng ngược lại.

Như chúng ta sẽ thấy, có một mạng lưới quốc tế kết nối các triết gia và học giả khác trên toàn châu Âu và trên thực tế nó vượt Đại Tây Dương đến Bắc Mỹ. Nhưng đây chủ yếu là một mạng lưới xuất bản, chia sẻ sách và thư tín. Các hội quán Hội Tam điểm và các hội kín giữ một số vai trò; các cuộc họp mặt, nhà xuất bản và thư viện đóng vai trò quan trọng hơn.

Do đó, Illuminati cần được hiểu không phải là một âm mưu toàn năng, được duy trì bởi các nguồn lực độc ác trong hơn hai thế kỷ, mà là một chú thích làm rõ thêm trong cuốn sách lịch sử về Phong trào Khai sáng. Là một mạng lưới nằm trong các mạng lưới lớn hơn nhiều là Hội Tam điểm và Triết học Pháp, Hội của Weishaupt là ví dụ điển hình về một thời kỳ khi việc bày tỏ những ý tưởng thách thức căn bản đối với tôn giáo và hiện trạng chính trị là rất nguy hiểm. Phải giữ bí mật là hoàn toàn hiểu được.

Tuy nhiên, cuối cùng chính tính chất bí mật lại khiến chính quyền có thể phóng đại mối đe dọa cách mạng mà Illuminati có khả năng gây ra. Thực tế là chính mạng lưới Phong trào Khai sáng rộng lớn hơn mang yếu tố cách mạng, chính bởi vì những ý tưởng đang được nhắc tới ở đây được lưu hành khá tự do qua sách báo và tạp chí - và sẽ lan truyền rất mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ dù Adam Weishaupt có tồn tại hay không.

Các nhà sử học đã phải rất vất vả mới có thể viết nên các sự kiện lịch sử này bởi vì, giống như rất nhiều mạng lưới khác, Illuminati đã không để lại một bộ hồ sơ được lưu trữ cẩn thận, ngăn nắp mà là nhiều giấy tờ tản mác: khi chưa tiếp cận được các tài liệu lưu trữ ở các hội quán Hội Tam điểm, các nhà nghiên cứu phải phụ thuộc rất nhiều vào các hồi ký và tài liệu bị tịch thu và được xuất bản bởi kẻ thù của Hội.

Trong số các tài liệu được cho là thuộc sở hữu của Franz Xaver Zwackh là vết con dấu của chính phủ được sử dụng để làm giả, bài thuyết trình để biện hộ cho việc tự tử, hướng dẫn chế tạo khí độc và mực bí mật, chỉ dẫn về an toàn đặc biệt để cất giấu các tài liệu bí mật và các hóa đơn nạo thai, cùng với một công thức pha trà gây sảy thai. Giờ đây, chúng ta biết rằng những việc đó hầu như không thể là các hoạt động của Hội.

Điển hình hơn là các thư từ trao đổi được lưu giữ cẩn thận giữa Bode và một thành viên Illuminati ở Thuringen mà ông chiêu mộ, cho thấy những căng thẳng thiết yếu vốn có trong một hội kín nhằm thúc đẩy Phong trào Khai sáng, một mạng lưới thứ bậc mong đợi sự tự khai sáng từ những người mới được chiêu mộ, nhưng chỉ cho họ biết toàn những điều khó hiểu. Đối đầu với sức mạnh của bang Bavaria, do Tuyển hầu tước Charles eodore cai trị, Illuminati dễ dàng bị nghiền nát. Tuy nhiên, thời khắc của bản thân Tuyển hầu tước cũng đã điểm. Chỉ mười năm sau khi ông ngăn cấm hội kín, đội quân cách mạng Pháp xâm chiếm Palatinate, nơi cũng nằm dưới sự cai trị của Charles eodore và tiến về Bavaria.

Từ năm 1799 cho đến trước trận chiến Leipzig năm 1813, Bavaria là một vệ tinh của lãnh thổ sau này trở thành Đế chế Napoléon. Trong khi đó, ở Gotha - nơi tàn dư của giáo điều Illuminati đã tìm thấy nơi trú ẩn - con trai và người thừa kế của công tước Ernest, Augustus, trở nên tai tiếng vì thái độ bợ đỡ trước nhà độc tài Pháp này.

Illuminati không gây ra Cách mạng Pháp và cả sự trỗi dậy của Napoléon - dù họ chắc chắn được hưởng lợi từ nó (tất cả ngoại trừ Weishaupt đều được ân xá và một số, đặc biệt là Dalberg, trở nên rất quyền lực). Khác xa với việc tiếp tục âm mưu hiện thực hóa một chính phủ thế giới cho đến tận ngày nay, thực tế họ đã ngừng hoạt động từ những năm 1780 và những cố gắng nhằm khôi phục Hội trong thế kỷ XX chủ yếu là không có thật. Tuy nhiên, câu chuyện về họ là một phần không thể thiếu của quá trình lịch sử phức tạp đã đưa châu Âu từ Phong trào Khai sáng đến Cách mạng rồi đến Đế chế - một quá trình trong đó các mạng lưới trí tuệ chắc chắn đóng vai trò quyết định.

Dựa trên những nghiên cứu hiện đại tốt nhất hiện nay, cuốn sách này tìm cách giải cứu lịch sử các mạng lưới khỏi nanh vuốt của những kẻ theo thuyết âm mưu, và nhằm chứng minh rằng thay đổi lịch sử thường có thể và nên được hiểu một cách chính xác như là các mạng lưới thách thức các trật tự thứ bậc.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

SÁCH HAY