Nhà văn Abdulrazak Gurnah. Ảnh: Neil Hall/EPA. |
Trả lời phỏng vấn của The Guardian, Abdulrazak Gurnah, tác giả đoạt Nobel Văn chương 2021 đã chia sẻ nhiều chi tiết thú vị về gu đọc sách của mình. Ông thành thật trả lời những câu hỏi về những tác phẩm đã để lại ấn tượng trong đời mình và định hình nên cây viết được Nobel vinh danh ngày nay. Dưới đây là phần chia sẻ của Abdulrazak Gurnah.
Trải nghiệm đọc sách đầu tiên
Không nghi ngờ gì nữa, Qur’an (hay Kinh Koran - văn bản tôn giáo quan trọng nhất của đạo Hồi). Lớn lên ở Zanzibar, tôi bắt đầu học ở chuoni - trường học Qur’an - khi mới 5 tuổi. Đến năm 6 tuổi đi học trường công thì tôi khá chắc mình đã đọc mấy cuốn kinh sura ngắn rồi.
Từ rất sớm, ở trường công, một trong những đoạn trích chúng tôi được đọc trên lớp là bản dịch tiếng Swahili của Truyện ngụ ngôn Aesop, với những hình minh họa con cáo dưới chùm nho và con thỏ thơ thẩn bên vệ đường khi con rùa chạy ngang qua. Tôi vẫn có thể hình dung ra những hình ảnh đó.
Cuốn sách yêu thích nhất trong tuổi trưởng thành
Bốn tuyển tập rút gọn của Nghìn lẻ một đêm dịch sang tiếng Swahili. Kể từ lần đầu tiên tôi đọc được câu chuyện Kamar Zaman và Công chúa Badoura, tôi không bao giờ quên nó. Dù dịch giả và những người đứng sau cuốn sách đều là các quan chức thuộc địa, nội dung và ngôn ngữ trong bản dịch rất hài hòa, nên tôi nghĩ chắc hẳn phải có một hoặc hai người bản xứ đã hỗ trợ đối chiếu.
Cho tới năm tôi lên 10, những cuốn sách viết bằng tiếng Anh duy nhất tôi đọc là truyện tranh và một tác phẩm đoạt giải của trường. Tác phẩm mang tên People of the World và tôi đã đọc đi đọc lại suốt 1-2 năm liền. Nhưng mà cũng chắc thấy bóng dáng Zanzibar đâu.
Cuốn sách đã thay đổi tôi trong những năm thiếu niên
Đây là một câu hỏi khó trả lời. Tôi nhớ mình hay nằm trên một cái chiếu trong căn nhà khiêm tốn của chú mình ở Mombasa, đọc cuốn Anna Karenina nhàu nát. Tôi chẳng biết tại sao lại có một cuốn Anna Karenina ở đó, chú tôi chẳng phải là một người ham đọc. Khi ấy tôi 13 tuổi thì phải và tôi đọc cũng không hiểu được cặn kẽ, nhưng tôi vẫn khóc nức nở suốt lúc đọc.
Tôi đọc rất ngẫu nhiên, thư viện có gì thì đọc cái nấy. Hầu hết sách trong thư viện là đồ quyên góp từ các quan chức thuộc địa khi họ chuyển đi.
Năm 15 tuổi thì tôi đọc Another Country của James Baldwin. Trong ký ức của tôi, cuốn sách rất ly kỳ. Giáo viên trên lớp cũng cho tôi mượn của The Mystic Masseur của VS Naipaul và tôi nghĩ đó chính là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tôi thấy hình bóng những người quanh tôi ở ngoài đời thực trong ấy.
Tác giả đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ
Năm 18 tuổi, tôi đọc tác phẩm The daring young man on the flying trapeze của William Saroyan và tác phẩm đó đã có tác động lớn đến tôi. Tôi rất thích cảm giác tự do và gợi mở mà tác phẩm mang lại. Tôi không tìm lại được cảm giác ấy trong các tác phẩm khác của ông.
Cuốn sách khiến tôi muốn trở thành nhà văn
Vào thời điểm tôi có ý tưởng muốn trở thành nhà văn, tôi đang đọc sách của Saul Bellow, Bernard Malamud và trên hết là Baldwin. Tôi vẫn còn giữ cuốn The Fire Next Time phiên bản bìa mềm cũ sờn của Penguin. Khi ấy tôi cũng đọc nhiều từ Joseph Conrad, DH Lawrence, Nadine Gordimer và Wole Soyinka, nên tôi cũng không chắc mình biết cuốn nào trong số những cuốn đã đọc khi ấy khiến tôi muốn trở thành nhà văn.
Tác giả mà tôi trao cơ hội thứ hai
Khi còn là một cậu học sinh, tôi đã phải học thuộc lòng và tập đọc đi đọc lại một đoạn trích từ cuốn Little Dorrit - đoạn Văn phòng Circumlocution. Hiệu trưởng đã mời tôi tham gia một cuộc thi đọc thuộc lòng. Tôi thì chẳng biết đoạn văn nói về cái gì hay trích từ đâu. Và suốt một thời gian dài, tôi không thể chịu nổi khi thấy một cuốn sách của Dickens. Vậy mà rồi tôi lại bắt đầu có cảm tình và còn dạy phân tích tiểu thuyết của Dickens nữa chứ.
Abdulrazak Gurnah cho biết ông thích đọc lại Đợi bọn mọi của John Maxwell Coetzee. Ảnh: BV. |
Cuốn sách tôi đọc đi đọc lại
Đợi bọn mọi của JM Coetzee, vì ngôn từ chính xác và sự rõ ràng trong lối miêu tả vẻ tàn ác của con người.
Cuốn sách tôi không bao giờ có thể đọc lại
Bà Bovary của Gustave Flaubert. Tôi đã ngưỡng mộ ngôn ngữ hoàn hảo của cuốn sách nhưng giờ tôi chỉ thấy rùng mình. Tôi nghĩ mình thấy xấu hổ thay cho những người mà sự phù phiếm của họ bị phơi bày ra một cách tàn nhẫn.
Cuốn sách tôi khám phá ra khi đã trải đời
Mỗi ngày tôi đều khám phá ra những điều mới. Tôi muốn chúc tụng thành tựu vĩ đại của những nhà văn châu Phi hiện nay. Trong khi những cây bút như Soyinka, Nuruddin Farah và Ngũgĩ wa Thiong'o đã liên tục giữ vững phong độ trong nhiều thập kỷ, các tác giả đương đại như Damon Galgut, Maaza Mengiste, Yvonne Adhiambo Owuor, NoViolet Bulawayo và Nadifa Mohamed cũng xuất sắc không kém.
Cuốn sách tôi đang đọc
Mysteries của Knut Hamsun.
Sách đọc giải khuây
Các báo cáo và ký sự của môn Cricket, ngay cả khi tôi đọc phải tin đội Australia giành chiến thắng.