Con rùa bạch tạng là một trong hai con rùa được sinh ra vào tháng trước tại Tropiquarium ở phía tây thị trấn Servion trong khuôn khổ chương trình bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Con còn lại có màu đen bình thường, Reuters đưa tin.
Giới tính của chúng vẫn chưa được xác định.
"Đây là lần đầu tiên trên thế giới một con rùa Galapagos bạch tạng được sinh ra và nuôi nhốt. Không có cá thể bạch tạng nào được quan sát thấy trong tự nhiên", vườn thú cho biết trong một tuyên bố.
Rùa mẹ, nặng hơn 100 kg, đẻ năm quả trứng vào ngày 11/2 và con rùa bị bạch tạng nở vào ngày 1/5. Con còn lại nở vào ngày 5/5 sau khi trải qua hai tháng rưỡi được ấp trong máy ấp trứng.
Con đực nặng khoảng 180 kg. Cặp đôi rùa khoảng 30 tuổi và vừa đến tuổi sinh sản.
Tỷ lệ giao phối thành công chỉ khoảng 2% đến 3% đối với loài này. Rùa con lúc mới sinh nặng khoảng 50 g, nằm gọn trong lòng bàn tay.
Rùa khổng lồ Galapagos bạch tạng đầu tiên trên thế giới tại vườn thú Tropiquarium, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters. |
Rùa khổng lồ Galapagos xuất hiện cách đây 2-3 triệu năm ở lục địa Nam Mỹ, nơi chúng trải qua quá trình đa dạng hóa thành 14 loài, khác nhau về hình thái và sự phân bố, theo Galapagos Conservation Trust.
Rùa khổng lồ Galapagos dành trung bình 16 giờ mỗi ngày để nghỉ ngơi. Chúng có thể tồn tại đến một năm mà không cần nước hoặc thức ăn.
Sinh sản chủ yếu diễn ra vào mùa nóng dù chúng có thể giao phối vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Thời gian giao phối có thể kéo dài trong vài giờ. Con cái sẽ đẻ từ 2 đến 16 quả trứng, mỗi quả có kích thước bằng một quả bóng tennis. Rùa non sẽ nở sau khoảng 130 ngày.