Năm 2019, trong một cuộc thám hiểm trên đảo Fernandina, Ecuador, các nhà khoa học tìm thấy một cá thể rùa lạ. Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học California, Mỹ kết hợp với chính phủ Ecuador vừa xác nhận rằng cá thể rùa lạ chính là loài rùa Chelonoidis phantasticus được cho là đã tuyệt chủng một thế kỷ trước, Guardian đưa tin.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Yale, bang Connecticut, Mỹ cũng xác nhận cá thể đó chính là loài rùa Chelonoidis phantasticus.
Công viên quốc gia Galapagos cho biết đang chuẩn bị cuộc thám hiểm để tìm kiếm xem còn cá thể rùa Chelonoidis nào khác, ngoài con cái đã được tìm thấy 2 năm trước hay không. Đồng thời, họ cũng đã lên kế hoạch phục hồi loài rùa đã tuyệt chủng.
Cá thể rùa khổng lồ được phát hiện năm 2019 đã tuyệt chủng một thế kỷ trước. Ảnh: Getty. |
Đại diện Công viên Galapagos cho biết Đại học Yale đã tiết lộ kết quả phân tích ADN của cá thể rùa mới phát hiện dựa trên mẫu vật được lấy năm 1906 và cho kết quả trùng khớp.
Quần đảo Galapagos, nơi từng là cơ sở cho lý thuyết tiến hóa của Charles Darwin trong thế kỷ 19, quy tụ loài rùa sống cùng với hồng hạc, chim điên, hải âu và chim cốc. Quần đảo này là nơi sinh sống của nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
“Người ta tin rằng loài rùa Chelonoidis đã tuyệt chủng một thế kỷ trước, nhưng giờ đây chúng tôi đã xác nhận lại sự tồn tại của nó”, Gustavo Manrique, Bộ trưởng Môi trường Ecuador viết trên tài khoản Twitter của mình.
Theo số liệu từ Công viên Galapagos, quần đảo này có quần thể rùa khoảng 60.000 con, trong đó có nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Năm 2012, một cá thể rùa tên Lonesome George, một con rùa đực đảo Pinta, con cuối cùng trong loài đã chết.