Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Rooney gãy xương bàn chân và một thập kỷ đau buồn của bóng đá Anh

Viết cho Zing, nhà báo Nicolas Atkin của SCMP chỉ ra nguyên nhân khiến thế hệ vàng của tuyển Anh thường xuyên thất bại trong quá khứ.

BÌNH LUẬN

Wayne Rooney anh 1

Tuyển Anh chuẩn bị bước vào trận bán kết Euro 2020 gặp Đan Mạch. Thầy trò HLV Gareth Southgate được giới chuyên môn đánh giá cao và có thể lên ngôi vô địch.

Nhưng nhìn tuyển Anh hiện tại, chúng ta có phần tiếc nuối khi nhớ về thế hệ vàng của họ trong quá khứ.

Một thế hệ cầu thủ xuất xắc

David Beckham, Frank Lampard hay Wayne Rooney đều là những cầu thủ thú vị. Họ có thể ghi được các bàn thắng ngoạn mục. Tất cả đều sắm vai cầu thủ đẳng cấp thế giới.

Đó là những cái tên đáng để theo dõi. Nhưng vì một số lý do họ không bao giờ kết hợp hiệu quả cùng nhau khi khoác lên mình chiếc áo đấu của tuyển Anh.

Tất cả để lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong màu áo "Tam sư". Beckham với pha đá phạt vào lưới Hy Lạp, quả phạt đền trước Argentina. Màn trình diễn đột phá của Rooney khi mới 18 tuổi tại Euro 2004, ghi bàn vào lưới Thụy Sĩ và Croatia.

Đổi lại thế hệ này cũng mang tới một số kỷ niệm đáng buồn nhất. Beckham đá hỏng quả phạt đền trước Bồ Đào Nha và nhận thẻ đỏ trước Argentina. Rooney bị đuổi khỏi sân trong trận đấu với Bồ Đào Nha (World Cup 2006 - PV), hay bàn thắng không được công nhận của Lampard trước Đức (World Cup 2010 - PV).

Wayne Rooney anh 2

Những cầu thủ xuất sắc nhưng luôn thất bại ở giải đấu lớn. Ảnh: Reuters.

Những kỳ vọng lớn lao gây ra khó khăn cho thế hệ vàng tuyển Anh. Cả nước và giới truyền thông muốn họ vô địch World Cup 2002, Euro 2004, World Cup 2006. Áp lực quá lớn và có lẽ cầu thủ không cảm nhận được tình yêu thương và sự ủng hộ đong đầy từ người hâm mộ.

Hàng loạt phương tiện truyền thông và người hâm mộ cũng nhanh chóng quay lưng lại với cầu thủ. Họ bị chỉ trích sau một màn trình diễn tệ hại hoặc sai lầm, chẳng hạn như bỏ lỡ quả phạt đền, nhận thẻ đỏ. Dẫn dắt tuyển Anh dần trở thành công việc khó khăn nhất thế giới.

Tuyển Anh thường không may mắn ở các loạt sút luân lưu? Không có gì chắc chắn về điều đó.

Nhưng tuyển Anh hay gặp xui xẻo ngay trước khi loạt luân lưu diễn ra, Rooney gãy xương bàn chân trong trận gặp Bồ Đào Nha ở Euro 2004 là một ví dụ. Tuyển Anh đã có thể vô địch nếu cậu ấy không dính chấn thương.

Những cái tôi lớn là một yếu tố khác ảnh hưởng tới thành tích của "Tam sư". Đội hình 11 cầu thủ trên sân hầu hết là siêu sao đẳng cấp thế giới, vì vậy họ có sự cạnh tranh và kiêu ngạo.

Nhiều cầu thủ Anh bây giờ kém tài năng hơn về mặt cá nhân nhưng chơi tập thể hơn và hy sinh vì nhau. Họ không bao giờ cho thấy mình là những người giỏi nhất, giống như thế hệ vàng.

Khi xưa, nhiều cầu thủ khoác áo đội tuyển trong thời kỳ mà các cuộc đối đầu ở Anh giữa Man United, Arsenal, Chelsea và Liverpool khốc liệt hơn nhiều. Rio Ferdinand từng thổ lộ không nói chuyện với Frank Lampard khi người đồng đội chuyển tới Chelsea.

Còn những cuộc tranh đua giờ không còn gay gắt. Các cầu thủ đều thân thiện với nhau hơn, và điều đó đang tạo ra kết quả tốt trên sân.

Nỗi đau khôn nguôi

Nỗi thất vọng lớn nhất trong tôi luôn là Euro 2004. Anh lẽ ra phải vô địch giải đấu đó. Nếu "Tam sư" giành chiến thắng trước Bồ Đào Nha, và Rooney không gãy xương bàn chân, tuyển Anh có thể đánh bại Hà Lan và sau đó là Hy Lạp.

Tuyển Anh sở hữu hàng thủ xuất sắc (Gary Neville, John Terry, Sol Campbell, Joe Cole) và một số tiền vệ hàng đầu (Paul Scholes, Frank Lampard, Steven Gerrard, David Beckham). Thêm vào đó, Rooney nổi lên như một tài năng sáng chói ở tuổi 18 suốt giải đấu, và Michael Owen có lẽ tiền đạo đẳng cấp thế giới thời bấy giờ.

Wayne Rooney anh 3

Những cá nhân này chưa bao giờ chạm tay vào vinh quang. Ảnh: Reuters.

Vấn đề là tuyến giữa "Tam sư" không cân bằng. Tuyển Anh thiếu tiền vệ trụ, một kiểu cầu thủ như Declan Rice hiện giờ. Lampard và Gerrard chơi bóng khá tương đồng, họ luôn cố gắng ghi bàn. Scholes buộc phải dạt sang cánh trái, điều anh không thích và tuyên bố chia tay đội tuyển Anh sau giải đấu.

Beckham chơi không tốt, tuyển Anh cũng không có cầu thủ chạy cánh trái bẩm sinh nào. Nicky Butt có thể đảm đương vai trò tiền vệ phòng ngự nếu anh không chấn thương.

Lẽ ra Lampard hoặc Gerrard phải bị loại. Scholes có thể chơi như một số 10 sau Rooney. Nhưng nhìn chung tuyển Anh vẫn đủ mạnh để vô địch giải đấu. Chỉ là đội hình "Tam sư" chưa đủ chiều sâu. Còn hiện tại, Gareth Southgate có nhiều lựa chọn hơn.

Với người Anh, cụm từ "thế hệ vàng" giống với một lời nguyền. Tương tự như với bất kỳ đội tuyển lớn nào trên thế giới, khi sở hữu một nhóm cầu thủ xuất sắc nhưng không thể giành chiến thắng.

Bóng đá ở nhiều giải đấu quốc tế là sự may rủi, và không phải lúc nào đội mạnh nhất cũng giành được chức vô địch. Italy của năm 2006, Hy Lạp tại 2004, Bồ Đào Nha ở năm 2016 là những ví dụ. Đức lẽ ra đã giành được nhiều danh hiệu hơn trong 12 năm qua, Bỉ cũng nên chạm tới vinh quang.

Khi chứng kiến ​​những thất bại cay đắng của tuyển Anh, không dễ để chế ngự cảm xúc. Đó là khi bạn khóc với bạn bè trong quán rượu, hoặc khu vườn sau nhà.

Tất cả là một phần của thanh xuân khi xem tuyển Anh thi đấu. Sự thống khổ trong quá khứ càng khiến cho vinh quang trở nên huy hoàng hơn.

Nếu "bóng đá có thể trở về nhà" (khẩu hiệu bày tỏ sự lạc quan của tuyển Anh về việc giành cúp - PV), thì tất cả nỗi đau của thế hệ vàng sẽ sớm xóa nhòa. Thật khó để trải qua nỗi đau vào thời điểm đó, bởi lẽ chúng tôi nghĩ rằng những cầu thủ này quá giỏi. Vậy tại sao họ không chiến thắng chứ?

Nhưng giờ đây tuyển Anh hiểu nhiều hơn về cách thành công tại giải đấu quốc tế. Để gặt hái vinh quang, "Tam sư" cần sự nỗ lực toàn đội, không chỉ những cá nhân xuất sắc. Bạn cần 26 cầu thủ và một người quản lý để tin tưởng và tôn trọng, như Gareth Southgate.

Tuyển Anh thất bại quá nhiều trong hai thập niên qua. Sự thất vọng của người hâm mộ dường như chạm đáy sau trận thua Iceland tại Euro 2016. Dù vậy, tuyển Anh chơi không tốt xuyên suốt giải đấu.

Hình ảnh của "Tam sư" khi ấy là một sự xáo trộn. Đội tuyển không có bất kỳ phương hướng, mục đích nào. Tuyển Anh thiếu chiến lược để phát triển.

Sau trận thua trước Iceland, Hodgson rời đội tuyển. Nhưng "bình minh" thực sự là khi Sam Allardyce bị sa thải chỉ sau một trận đấu với tư cách là HLV tuyển Anh vào năm 2016. Bởi nếu không, sẽ không có tuyển Anh bây giờ.

Trong thời gian ấy, một số cầu thủ mới xuất hiện và chơi tốt ở cấp độ trẻ cho tuyển Anh. Họ bắt đầu nổi lên vào khoảng mùa giải 2018/19. Gareth Southgate cũng được chọn làm HLV và thay đổi mọi thứ. Ông là người mang đến một thế hệ trẻ tài năng và giúp nuôi dưỡng họ không chỉ trở thành một đội bóng vĩ đại mà còn là những con người tuyệt vời.

Nick Atkin là nhà báo người Anh, đang viết cho SCMP. Trước đó, cây viết này làm việc cho trang thể thao nổi tiếng ESPN.

Lúc 2h sáng 8/7 (giờ Hà Nội), tuyển Anh sẽ đối đầu Đan Mạch ở vòng bán kết Euro 2020. Trước trận đấu, nhà báo Atkin gửi đến Zing những cảm xúc về thế hệ vàng của tuyển Anh.

Evra: 'Lần cuối tuyển Anh vô địch, khủng long vẫn còn sống' Cựu danh thủ người Pháp cổ vũ tuyển Anh vô địch Euro 2020, đồng thời trêu chọc quãng thời gian khô hạn danh hiệu của "Tam sư".

Lý do tuyển Anh có thể vô địch Euro 2020

Viết cho Zing, cựu huấn luyện viên người Anh Dylan Kerr khẳng định "Tam sư" đang đứng trước cơ hội lớn để lên ngôi vô địch tại Euro 2020.

Quá khó để đánh bại tuyển Anh

Viết cho Zing, nhà báo Nicolas Atkin của SCMP nhận định tuyển Anh dưới thời Gareth Southgate hoàn toàn "lột xác" và có thể làm nên chuyện tại Euro 2020.

Trong tai mat viec vi gai goi hinh anh

Trọng tài mất việc vì gái gọi

0

Trọng tài Rosario Cardenas bị sa thải sau khi không xuất hiện tại một trận đấu được giao nhiệm vụ. Vị này được cho là bị một người phụ nữ đánh thuốc mê và tấn công đêm trước đó.

Nicolas Atkin

Bạn có thể quan tâm