Thật khó để nhận ra "sát thủ" ghi 30 bàn thắng và có 11 kiến tạo trên mọi đấu trường mùa giải 2022/23. Rashford chỉ còn là cái bóng của chính mình, góp phần vào bộ mặt rệu rã của tập thể Manchester United mùa này. Những hy vọng vào một sự bứt phá của tuyển thủ Anh sau năm đầu tiên chơi bùng nổ dưới thời HLV Ten Hag bị dập tắt.
Khi nào thì Rashford mới trở nên ổn định, và đạt được hết tiềm năng mà giới chuyên gia cho rằng anh sở hữu? Đây đã là mùa giải thứ 9 của tiền đạo trưởng thành từ chính lò Carrington cho "Quỷ đỏ" và câu trả lời vẫn chưa sáng tỏ. Ở tuổi 26, độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp của nhiều cầu thủ, năng lực của Rashford đã chạm giới hạn?
Thiếu nhiệt huyết
MU nhận thất bại thứ 6 sau 14 vòng đấu đầu tiên tại Premier League mùa này trước Newcastle hôm 3/12. Đáng buồn thay, kết quả 0-1 có lẽ đem đến tiếng thờ phào nhẹ nhõm cho “Quỷ đỏ” thay vì nỗi thất vọng. “Thật may mắn và bất lực cùng một lúc, MU lẽ ra phải thua 4-5 bàn”, bình luận viên Gary Neville phát biểu sau trận đấu trên sân St James’ Park.
Rashford, người mới chỉ có 2 bàn thắng sau 17 lần ra sân trước đó, cũng nên cảm thấy may mắn khi vẫn được đá chính trong sơ đồ của HLV Ten Hag. Tuy nhiên, màn thể hiện của chân sút người Anh trước Newcastle để lại nỗi thất vọng khổng lồ. Lười biếng trong khâu hỗ trợ phòng ngự và hiếm khi chạm bóng khi tấn công, trước khi bị thay bởi Antony sau khoảng 60 phút góp mặt.
Không khó để nhận ra sự lép vế của MU trước Newcastle bắt nguồn từ sự yếu ớt nơi hàng công. Goal chấm Rashford 1 điểm, thấp nhất trận đấu kèm bình luận: “Màn trình diễn hời hợt, cậu ấy nên cảm thấy may mắn vì không bị thay sớm”. Trong khi đó, Anthony Martial và Alejandro Garnacho bị chấm điểm 4 cũng vì phần thể hiện vô hại.
Thái độ thi đấu thiếu nhiệt huyết và không tận tâm từ lâu gắn liền với Martial. Hầu hết CĐV MU không còn thấy sự quyết liệt trong lối đá của tiền đạo người Pháp. Song, trước Newcastle hôm 3/12, Rashford vượt mặt Martial ở khoản chậm chạp và lười biếng, gián tiếp khiến “Quỷ đỏ” bị Newcastle áp đảo trong mọi thống kê.
Mỗi khi trả lời phỏng vấn sau một trận đấu, Ten Hag luôn nhắc đến cách MU thi đấu khi không có bóng. Nhưng trước Newcastle, đội bóng của chiến lược gia 53 tuổi được dạy một bài học về lĩnh vực này. Các cầu thủ của HLV Eddie Howe chạy liên tục, áp đặt và áp đảo. Trước lối đá chóng mặt của đối phương, Martial và Rashford như mất hút.
Rashford "tàn hình" trong trận thua 0-1 của MU trước Newcastle hôm 3/12. Ảnh: Sky Sports. |
Màn trình diễn của Rashford thể hiện sự tương phản với tiền đạo cánh trái bên phía Newcastle, Anthony Gordon. Dưới sự chỉ đạo của HLV Howe, tài năng trưởng thành từ Everton cho thấy sự nguy hiểm cả khi có bóng với bàn thắng kết liễu trận đấu, lẫn khi không có bóng với nguồn năng lượng dồi dào.
“Tôi muốn trở thành mẫu tiền đạo cánh có thể tấn công lẫn phòng ngự. Không nhiều cầu thủ làm được điều đó”, Gordon phát biểu sau màn thể hiện chói sáng trước MU tại vòng 14 Premier League. Hiện khó có thể phủ nhận rằng Gordon sẽ mang lại sự hiệu quả cao hơn ở cánh trái của đội tuyển Anh so với Rashford.
Telegraph đánh giá: “Nếu HLV Gareth Southgate gọi cầu thủ lên tuyển dựa trên phong độ thay vì sở thích, Gordon vượt trội so với Rashford”. Trong khi đó, cây bút Jim White buông lời chế giễu trên Guardian: “Trước Newcastle, Rashford chơi tệ đến mức MU chơi khởi sắc hơn khi Antony (thương vụ bị đánh giá là thất bại của Ten Hag - PV) vào sân”.
Giới hạn của Rashford?
Không cần có bằng tiến sĩ về ngôn ngữ cơ thể để thấy rằng Rashford đang gặp khó khăn, sự tự tin của anh giảm sút. Một cái tung tay khi chậm chạp lùi về hỗ trợ phòng ngự, một cú ngã vô nghĩa khi anh mất bóng ở giữa sân. Tuyển thủ Anh luôn trông như thể sắp sửa đầu hàng trước Newcastle.
Khi Antony vào sân, “Quỷ đỏ” mới bắt đầu thật sự cầm bóng. Chân sút người Brazil sau đó thậm chí đưa bóng vào lưới để gỡ hòa, tuy nhiên, nó nhanh chóng bị hủy bỏ khi Harry Maguire, người tham gia vào pha bóng, mắc lỗi việt vị. Khi Antony hiệu quả hơn bản thân, thật khó để Rashford bào chữa.
Tại sao HLV Ten Hag không loại bỏ Rashford sớm hơn, sau màn trình diễn thảm hoạ từ đầu mùa? Vì suy cho cùng, đây vẫn là cầu thủ đã vượt qua cột mốc 30 bàn thắng lần đầu tiên trong sự nghiệp để giành giải thưởng Cầu thủ của năm Sir Matt Busby trong mùa 2022/23. Đáng chú ý hơn, những pha lập công ấy đóng vai trò quan trọng giúp MU vô địch Carabao Cup và giành vé dự Champions League mùa này.
Song, có lẽ các “Manucians” không còn xa lạ với phong độ lúc lên lúc xuống của Rashford. Đây đã là mùa giải thứ 9 liên tiếp tại đội chủ sân Old Trafford của "cậu bé địa phương" trưởng thành từ lò Carrington. Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, từng được định giá trên 100 triệu euro trong nhiều năm, chân sút người Anh vẫn chưa thể vươn tầm đẳng cấp.
Đã vậy, khi đã trở thành thành phần cốt cán của MU, Rashford lại thể hiện thái độ thi đấu hời hợt ở mùa này. Điều đáng thất vọng hơn là cầu thủ 26 tuổi hiện nhận lương cao nhất “Quỷ đỏ” (375.000 bảng/tuần - PV) sau khi gia hạn hợp đồng 5 năm với CLB hồi hè nhờ vào màn trình diễn ấn tượng mùa trước.
"Manucians" có quyền đòi hỏi cao hơn ở Rashford, vì anh là trụ cột của MU và hưởng lương cao nhất đội. Ảnh: ESPN. |
Trên Sky Sports, Roy Keane phê bình Rashford: “Cậu ấy mang dòng máu MU và vừa được thưởng mức lương khủng. Cậu ấy đã nỗ lực và xứng đáng với sự yêu thương của CĐV. Song, tôi muốn thấy nhiều quyết tâm hơn. Bạn phải chạy nhiều hơn và hỗ trợ đồng đội thay vì ích kỷ chờ bóng ở trên. Cậu ấy 26 tuổi rồi, không còn trẻ nữa. Cậu ấy phải bắt đầu tập làm gương cho các cầu thủ khác”.
Tháng 12/1999, đội trưởng MU khi đó, Keane, doạ sẽ huỷ hợp đồng với MU nếu không được tăng lương. Sau đó, huyền thoại này trở thành cầu thủ Vương quốc Anh đầu tiên hưởng lương 50.000 bảng/tuần.
Vài giờ sau khi thông tin về vụ gia hạn hợp đồng trên được lan truyền, Keane lập công vào lưới Valencia giúp MU giành thắng lợi 3-0. Cuối mùa giải đó, cựu đội trưởng “Quỷ đỏ” còn lọt vào danh sách đề cử Cầu thủ hay nhất mùa của PFA.
Người hâm mộ có quyền đòi hỏi cao hơn ở Rashford, vì anh là trụ cột của MU và vì anh hưởng lương cao nhất đội. Tuy nhiên, thái độ thi đấu và phong độ của chân sút người Anh mùa này đang chạm đáy. Có lẽ đã đến lúc Rashford phải bứt lên khỏi cái mác “cậu bé địa phương” để trở thành điểm tựa của đội chủ sân Old Trafford, thay vì trở thành cơn đau đầu của HLV Ten Hag.
Cuốn sách “Leading: Learning from Life and My Years at Manchester United” được Sir Alex Ferguson viết chung với Michael Moritz xuất bản năm 2015 đem tới kinh nghiệm sống quý báu cho bất kỳ ai.