Nhà gần hết thực phẩm, các ứng dụng đặt hàng thông báo nơi bán không khả dụng hoặc không tìm được tài xế. Đó là tình cảnh của anh Mohamed Satouri (27 tuổi) đến từ Paris, hiện sống ở chung cư Kingdom 101 (quận 10, TP.HCM).
“Tôi thấy các hội nhóm thực phẩm trong quận hoạt động rất sôi nổi, nhưng tôi khó dịch hết sang tiếng Việt. Hơn nữa, tài xế hủy đơn liên tục, tôi nhìn điện thoại trong vô vọng”, anh Satouri cho biết.
Do đó, vào ngày 3/9, anh và bạn cùng nhà quyết định “đánh liều” ra ngoài tìm mua thực phẩm, dù đã biết quy định hạn chế ra đường.
Mohamed Satouri (phải) sống ở Việt Nam 2 năm. Hiện anh là chuyên viên thuộc một công ty công nghệ thông tin tại quận 12. Ảnh: NVCC. |
Lựa chọn duy nhất của hai người là cửa hàng tiện lợi trên đường Sư Vạn Hạnh, cách nhà 5 phút đi bộ.
Đi được một đoạn, điều Satouri lo ngại đã xảy đến. Anh bị một tổ cảnh sát yêu cầu dừng lại. Chàng trai Pháp kể lúc đó rất thấp thỏm vì sợ bị phạt nặng vài triệu đồng, trong khi bản thân không mang nhiều tiền.
Công an muốn biết lý do Satouri và bạn ra đường. Hai người ngoại quốc đã giải thích hoàn cảnh của họ bằng tiếng Anh.
“Tôi đang lúng túng sợ họ không hiểu, thì một chiến sĩ áo xanh đã đáp lại bằng những câu tiếng Anh lưu loát. Anh này gọi điện về chung cư giải thích với lễ tân để liên hệ chính quyền hỗ trợ thực phẩm cho trường hợp của chúng tôi”, Satouri kể lại.
Chia sẻ với Zing, anh Mohamed Satouri cho biết vị cảnh sát giúp mình tên Đức Huy thuộc lực lượng Công an quận 10. Sau đó vị công an đó còn giúp hai người dịch sang tiếng Anh các loại văn bản, quy định chưa nắm rõ.
Khi Satouri và bạn vừa về đến nhà, cũng là lúc quân đội mang đến túi thức ăn gồm trứng, mì và vài thứ khác. Vừa mừng vừa bất ngờ, Satouri nhận ra một người bạn của mình đang mặc quân phục đứng trước mặt.
Anh Mai Trung Hiếu là sĩ quan quân đội ở quận 10, cũng là bạn của chàng trai Pháp. Satouri cho hay người bạn này trùng hợp nhận được tin báo về trường hợp của anh, đã trực tiếp đến hỗ trợ.
Quân đội đi từng ngõ hẻm ở TP.HCM để hỗ trợ thực phẩm cho người dân. Ảnh: Chí Hùng. |
Satouri chia sẻ câu chuyện của mình lên nhóm của cộng đồng cư dân ngoại quốc ở TP.HCM và nhận được nhiều lời đồng cảm. Chàng trai 27 tuổi khẳng định đây là trải nghiệm thật của bản thân.
“Tôi đăng câu chuyện này như một lời nhắc nhở mọi người không nên đi ra ngoài như vi phạm của tôi. Đồng thời tôi rất cảm kích khi những công an, quân đội nói với tôi rằng sẽ không ai bị bỏ lại trong mùa dịch này”, Mohamed Satouri giãi bày.
Chàng trai Pháp cũng khuyên mọi người chủ động tìm kiếm, xung quanh sẽ có nhiều người có thể giúp đỡ. Nếu không liên hệ được chính quyền, bạn hãy gõ cửa hàng xóm, nói với lễ tân chung cư bạn, lên mạng nhờ giúp đỡ, tuy hơi mất thời gian còn hơn bị phạt.
Sau trải nghiệm khó quên này, anh Satouri cho biết mình sẽ học thêm tiếng Việt để khắc phục những sự cố ngôn ngữ ảnh hưởng đến cuộc sống của anh ở Việt Nam.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.