Nhiều người sống sót sau động đất tập trung bên ngoài các tòa nhà đổ nát, quyết không rời đi. Ảnh: AP. |
Từ ngày 6/2 đến nay, Hamid Yakisikli luôn túc trực bên ngoài đống đổ nát từng là nhà của ông ở thành phố Antakya. Ông cùng 2 người anh em khác mặc áo khoác và đội mũ len để chống chọi với thời tiết lạnh giá, chờ đợi đội cứu hộ tới đưa xác của mẹ ra khỏi đống đổ nát.
Theo AP, nhà Yakisikli chỉ là một trong số nhiều người sống sót tập trung bên ngoài nhiều căn hộ và ngôi nhà đã đổ sập, không chịu rời đi kể từ khi động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây là trận động đất chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo số liệu từ chính phủ, hơn 2 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đã rời khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi động đất. Tuy nhiên, tại Antakya, hàng trăm người vẫn đang chờ đợi. Ở mỗi góc, một số người nhìn vào đống đổ nát, cầu nguyện cho vợ, em gái, con trai hoặc bạn bè.
“Tôi không thể an lòng nếu chưa chôn cất mẹ”
Tính đến ngày 16/2, số trường hợp được xác nhận thiệt mạng do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 36.187 người. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại Syria là khoảng 5.800 người, Reuters cho biết.
Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa và Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), hơn 4.300 cơn dư chấn đã được ghi nhận sau trận động đất ban đầu, vốn có độ lớn 7,8.
Ông Yakisikli - một đầu bếp đã nghỉ hưu - rất gần gũi với mẹ. Bà sống ở căn hộ tầng dưới. Ban đầu, 3 anh em trèo lên đống đổ nát và tìm kiếm bà. Một người nhìn thấy đầu của mẹ qua đống bê tông. Nhưng cơ thể bà không còn sự sống, và nằm ngửa.
Một gia đình ngồi quanh đống lửa trong lúc đội cứu hộ tìm kiếm các thành viên còn lại dưới đống đổ nát ở Antakya hôm 15/2. Ảnh: AP. |
Do không thể tự mình kéo cơ thể bà ra khỏi đống bê tông, họ bắt đầu chờ đợi.
“Tôi không thể an lòng nếu như chưa chôn cất mẹ”, ông Yakisikli nói, nhìn vào chiếc máy xúc đang đào phần còn lại của tòa nhà phía sau căn hộ của ông.
Nhà Yakisikli chỉ ngủ khi máy xúc tắt động cơ, trong chiếc lều dựng ở ngôi trường bỏ hoang gần nhà cũ. Không có nước, không có điện hay nhà vệ sinh trong lều. “Đưa thi thể mẹ ra ngoài, chôn cất, rồi chúng tôi mới tính đến kế hoạch tiếp theo”, ông chia sẻ.
Anh em nhà Yakisikli tìm thấy niềm an ủi khi bầu bạn với những người còn sống sót và thỉnh thoảng cười sảng khoái, khi họ dành cả ngày trao đổi những câu chuyện về trải nghiệm du lịch.
"Không còn sự sống ở đây nữa"
Một số người khác chờ đợi vào một phép màu.
Hôm 15/2, Abdulrizak Dagli và vợ đã đọc kinh Koran và giơ tay lên trời, trong khi chờ lực lượng cứu hộ đến tìm kiếm vợ chồng người con trai cùng cháu gái. Em bé một tuổi đã sống sót, sau 5 ngày xảy ra trận động đất.
Nhiều người khác từ chối rời đi để bảo vệ những đồ đạc có giá trị và nhà cửa. Một số người tìm kiếm những tài liệu quan trọng với hy vọng có thể xây dựng lại cuộc sống cũ. Có người chỉ đơn giản là tìm kiếm những kỷ niệm.
Gulsen Donmez - 46 tuổi - dựa lưng vào chiếc ghế nhựa trong công viên đối diện ngôi nhà cũ của bà. Bà đã rời đi trong vài ngày, nhưng sau đó vội vã trở về.
“Chúng tôi không thể rời khỏi nhà mình. Có trộm đang lấy hết đồ đạc trong nhà. Chúng tôi quyết định ở gần đây để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào”, bà chia sẻ.
Bà Donmez cùng chồng cô, ba người con và một con chó ngủ trong công viên. Ban đầu, họ trú tại một quầy thức ăn nhỏ, sau đó tìm đến ki-ốt trống. Do không có nhà vệ sinh công cộng, bà buộc phải đi vệ sinh ngoài trời.
Bà nói mình sẽ đợi cho đến khi được vào nhà và lấy những gì còn sót lại. Trong khi chờ đợi, bà nộp đơn xin một chiếc lều do chính phủ cấp, giúp bà dễ dàng tiếp cận viện trợ từ các tổ chức và tìm cách nhận đền bù.
Tuy nhiên, quá trình chờ đợi có thể kéo dài khi Thổ Nhĩ Kỳ vật lộn cung cấp nơi ở mới cho hàng trăm nghìn người vô gia cư mới.
Hôm 15/2, các tình nguyện viên đã phân phát thức ăn và bộ dụng cụ vệ sinh. Một số người mang hoa đến tặng như một cách giải tỏa bầu không khí buồn và ảm đạm của thành phố. Các công nhân bắt đầu dọn dẹp đường phố, để lộ ra một số vết nứt lớn trên mặt đường.
Một người đàn ông ngủ trước tòa nhà bị phá hủy ở Kahramanmaras hôm 13/2. Ảnh: AP. |
Mọi người cũng dựng lều trong không gian mở, công viên hoặc trường học. Một số cư dân ngủ trong ôtô đỗ gần nhà.
Enise Karaali (69 tuổi) và con trai Haydar trải qua vài đêm trong ôtô đỗ bên ngoài văn phòng bất động sản cũ của họ. Họ cũng dựng một căn lều cạnh nhà cũ của mình.
“Tôi từng có cuộc sống rất tốt. Bây giờ, cuộc sống ấy đã biến mất. Tôi phải ở trong ôtô và lều”, bà Karaali nói, tay cầm bát mì ống do các tình nguyện viên cung cấp, hồi tưởng về chiếc bàn trong phòng ăn và ngôi nhà có vườn.
Trong khi đó, anh Haydar Karaali có giấy tờ chứng minh nhiều người nợ anh 100.000 USD. Anh sẽ không rời cho đến khi lấy được chúng từ dưới đống đổ nát.
Cách đó vài dãy nhà, thợ bạc Jan Estefan và vợ dùng chĩa làm vườn và tay đào đống đổ nát. Ông và gia đình không bị thương, nhưng công việc kinh doanh - gồm bạc và bộ sưu tập tiền cổ - đã bị chôn vùi. Ông đã yêu cầu lực lượng cứu hộ xúc và đặt đống đổ nát này tại nơi ông có thể đào bới mà không làm gián đoạn công việc của họ.
“Chúng tôi phải làm điều này nếu muốn sống mà không dựa dẫm vào ai”, ông Estefan nói, cúi xuống kiểm tra một vật sáng lấp lánh trong đất. Ông nhặt một đồng xu Syria cũ và bỏ nó vào chiếc túi giấy nhỏ người vợ đang cầm.
Đối với nhà Yakisikli, sau gần 230 giờ chờ đợi, cuối cùng thi thể bà Fatma Yakisikli cũng được kéo ra khỏi đống đổ nát. Giờ đây, họ đã có thể chôn cất mẹ và đang nỗ lực sống tiếp.
“Không còn sự sống ở đây nữa. Antakya đã bị phá hủy. Có thể có tới 100.000 đám tang”, ông nói.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.