Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Ngoại giao động đất' của Thổ Nhĩ Kỳ có bền lâu?

Hậu quả của trận động đất hôm 6/2 đã tạo động lực thúc đẩy quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia mà nước này có mâu thuẫn. Song, tác động dài hạn vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Khi trận động đất hủy diệt tấn công miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đêm 6/2, các quốc gia từ khắp khu vực trên thế giới đã nhanh chóng hợp sức, gạt bỏ khác biệt và căng thẳng chính trị sang một bên để hỗ trợ nước này.

Nhân viên y tế, binh lính, chó nghiệp vụ và số lượng lớn thiết bị đã được chuyển đến khu vực thảm họa. Theo Tổng vụ Bảo vệ Dân sự và Hoạt động Hỗ trợ Nhân đạo của Ủy ban châu Âu, 20 quốc gia EU đã đề nghị hỗ trợ với 29 đội tìm kiếm cứu nạn và 5 đội y tế.

dong dat Tho Nhi Ky anh 1

Tiến sĩ Yonatan Freeman, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hebrew (Jerusalem). Ảnh: Times of Israel.

“Ngay từ đầu, hậu quả của trận động đất đã thực sự tạo ra động lực thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU)”, tiến sĩ Yonatan Freeman, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hebrew (Jerusalem), nói với Zing.

Trong khi đó, xem xét động thái của các quốc gia có mâu thuẫn lâu năm với Thổ Nhĩ Kỳ như Hy Lạp, Israel và Armenia, ông Freeman cho rằng các bên đều hiểu “họ cần hỗ trợ lẫn nhau khi đứng trước thiên nhiên”.

Theo tiến sĩ Freeman, điều này sẽ tạo cơ hội cải thiện quan hệ giữa các nước, đặc biệt là trong hợp tác ứng phó các tình huống khẩn cấp. Song, hiệu quả dài hạn vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hợp sức trước thiên nhiên

Theo tiến sĩ Freeman, trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì cách tiếp cận độc lập hơn nhằm duy trì bản sắc dân tộc và lựa chọn con đường riêng so với châu Âu.

Nhưng “gần như chắc chắn quốc gia này sẽ cần tìm đến các đối tác châu Âu trong giai đoạn tái thiết và nỗ lực tăng cường khả năng ứng phó động đất”, ông Freeman nhận định.

“Điều quan trọng là châu Âu cũng quan tâm đến việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng lại cơ sở hạ tầng và ổn định tình hình, nhằm giảm khả năng bất ổn ở nước này dẫn đến làn sóng nhập cư mới tại châu Âu”, ông nhấn mạnh.

Thụy Điển - nước đang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ quanh vấn đề gia nhập NATO - đã tức tốc hỗ trợ sau tin tức về trận động đất hủy diệt.

"Thật đau buồn với thiệt hại về người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất lớn", Guardian trích bài đăng ngày 7/2 trên Twitter của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. "Là đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ và là nước giữ chức chủ tịch luân phiên EU, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ".

dong dat Tho Nhi Ky anh 2

Lực lượng Israel đến Thổ Nhĩ Kỳ để cứu trợ động đất. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Freeman nhận định “sự hỗ trợ của Thụy Điển có thể cải thiện hình ảnh của nước này trong mắt chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, trong bối cảnh Ankara đang từ chối thông qua đơn gia nhập NATO của Stockholm.

“Tuy nhiên, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên của Thụy Điển phức tạp và sâu sắc hơn nhiều”, ông nói.

“Ankara cho rằng Thụy Điển là nơi chào đón các cá nhân có liên quan đến lực lượng người Kurd và âm mưu đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016. Gần đây cũng có những sự kiện khác ở Thụy Điển ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước”, vị chuyên gia giải thích.

Hy Lạp và Israel - 2 quốc gia có mâu thuẫn từ lâu với Thổ Nhĩ Kỳ - cũng đã hỗ trợ nước này sau trận động đất.

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 12/2. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã điện đàm về thảm họa với Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou và Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis - những người ông từng tuyên bố sẽ không bao giờ nói chuyện.

“Trong quá khứ, Hy Lạp từng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau các trận động đất. Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi hỗ trợ tới Hy Lạp khi Athens chịu thiên tai tương tự. Tôi nghĩ cả hai bên đều nhận ra rằng họ có thể hỗ trợ lẫn nhau khi đứng trước thiên nhiên”, ông Freeman cho hay.

Do vậy, vị chuyên gia cho rằng việc hai nước điện đàm hay ngoại trưởng Hy Lạp đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất gần đây cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

“Cả người dân Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều hiểu rằng trong những lúc cần hỗ trợ nhân đạo, các nước láng giềng nên sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau”, ông nói thêm.

Đối với Israel, tiến sĩ Freeman nhận định quan hệ của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cải thiện sau trận động đất.

“Đội ngũ cứu hộ của Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ có quy mô lớn thứ hai. Trong thời gian gần đây, hai nước cũng đã tăng cường hợp tác an ninh, ngoại giao, thậm chí ngăn chặn các mối đe dọa chung”, ông lý giải.

“Israel có bí quyết chuẩn bị và ứng phó nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp, và điều này có thể dẫn đến các thỏa thuận hợp tác mới giữa hai bên”, vị chuyên gia nói thêm.

Hiệu quả dài hạn còn chưa rõ

“Trước trận động đất, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Hy Lạp và Israel, dựa trên hợp tác kinh tế và an ninh. Xu hướng này sẽ được củng cố nhờ viện trợ nhân đạo”, Giáo sư Gerald Steinberg, giảng dạy Khoa học Chính trị tại Đại học Bar Ilan (Israel), nói với Zing.

Tuy nhiên, dù cho hậu quả của trận động đất đã tạo động lực cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia có mâu thuẫn lâu năm, giáo sư Gerald nhận định về dài hạn, nó sẽ không làm thay đổi chính sách đối ngoại của Ankara.

dong dat Tho Nhi Ky anh 3

Giáo sư Gerald Steinberg, giảng dạy Khoa học Chính trị tại Đại học Bar Ilan (Israel). Ảnh: ICT.

“Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm ơn các quốc gia đang gửi viện trợ, nhưng khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, tình hình sẽ trở lại như cũ”, ông nói.

Theo nhận định của vị chuyên gia, với tư cách một quốc gia Hồi giáo, sự xung đột về bản sắc - văn hóa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu sẽ tiếp diễn.

Trong khi đó, tiến sĩ Freeman nhận định vẫn cần phải chờ xem trận động đất sẽ tác động như thế nào đến quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia như Hy Lạp và Armenia.

“Chúng ta đã chứng kiến ​​sự hỗ trợ to lớn khi chính phủ nhiều nước gửi các đội cứu hộ và chuyên gia đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các cá nhân ở nhiều quốc gia đang tổ chức quyên góp và hỗ trợ”, ông nói.

Chẳng hạn, chỉ 6 tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao, các tình nguyện viên Israel là một trong những người đầu tiên hạ cánh tại sân bay Gaziantep để hỗ trợ nước này tìm kiếm và cứu hộ sau trận động đất thảm khốc.

dong dat Tho Nhi Ky anh 4

Hậu quả của trận động đất ở thành phố Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Ankara đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới chung với Armenia kể từ những năm 1990. Hai nước chủ yếu mâu thuẫn về các vấn đề liên quan vụ thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) vào năm 1915.

Tuy nhiên, cửa khẩu biên giới Alican giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia cũng mở lại sau 35 năm nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ các nạn nhân động đất.

Dẫu vậy, ông Freeman nhận định vẫn cần chờ xem liệu “ngoại giao động đất” có hiệu quả trong dài hạn hay không, và điều đó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ cải cách trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị tốt hơn cho trận động đất tiếp theo.

“Một mặt, nó có thể mang lại những cơ hội kinh doanh mới và sự hợp tác trong các lĩnh vực nhân đạo. Tuy nhiên, vẫn có những căng thẳng sâu sắc và cố hữu vượt xa nỗ lực hàn gắn qua trận động đất”, ông cho biết.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Khoảnh khắc y tá ôm chặt lồng ấp trẻ sơ sinh giữa động đất Thổ Nhĩ Kỳ Hình ảnh thu được từ camera cho thấy khoảnh khắc hai y tá tại một bệnh viện ở thành phố Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ cố bảo vệ các em bé sơ sinh giữa trận động đất 7,7 độ.

Vực thẳm tách đôi rừng ô liu sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Một khu rừng ô liu xanh tươi đã bị tách làm đôi trong trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra một vực thẳm dài khoảng 300 m chia cắt khu vực này.

Đến bệnh viện chữa trị, chết trong đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ

Bệnh viện Iskenderun Devlet Hastanesi vẫn thường là nơi bệnh nhân tìm đến để được chữa lành. Nhưng trong phút chốc, nó chỉ còn là đống đổ nát sau trận động đất hủy diệt.

Hải Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm