Bệnh viện Iskenderun Devlet Hastanesi trước và sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BBC. |
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường ước tính có khoảng 300 người, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà, đã ở bệnh viện Iskenderun Devlet Hastanesi khi động đất xảy ra ngày 6/2. Hiện họ không chắc còn bao nhiêu người sống sót.
Sự phẫn nộ trong công chúng với phía quản lý bệnh viện đang tăng lên, đặc biệt sau khi có thông tin rằng vào năm 2012, website Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải báo cáo cho biết bệnh viện này không vượt qua bài kiểm tra chống động đất.
Hiện chưa rõ vấn đề ấy đã được khắc phục sau năm 2012 hay chưa, song nó đã trở thành câu chuyện được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội.
Những người bất bình vì bị ngó lơ
Alican Kenar kể mình có người bà đang nằm viện Iskenderun Devlet Hastanesi khi thảm họa ập đến. Thi thể của người bà chỉ được tìm thấy vào tối 14/2, một tuần sau trận động đất hủy diệt.
"Đây là lỗi của con người. Ai cũng thấy điều đó. Nó không phải định mệnh", ông Kenar nói.
Trong khi đó, nhiều gia đình vẫn chực chờ tại hiện trường, đợi những máy xúc làm việc, với hi vọng có thể tìm thấy thi thể, hay kỳ diệu hơn là tìm thấy người sống sót, BBC cho hay.
Một vài gia đình cho biết họ đã bỏ tiền để thuê máy xúc, nhiên liệu nhằm tìm kiếm người mất tích.
Lực lượng cứu hộ chuyển người phụ nữ tìm thấy trong đống đổ nát ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/2. Ảnh: Reuters. |
Lại có người nói rằng họ chỉ nhìn thấy đội cứu hộ và những tình nguyện viên, thay vì lực lượng của chính phủ. Ông Kenar cho biết chỉ thấy một số ít quan chức ở những ngày đầu tiên, nhưng họ cũng không mang theo thiết bị cứu hộ.
“Tòa nhà này đã không được đụng đến trong 2-3 ngày. Mọi chuyện có thể khác nếu chúng ta chuẩn bị. Đáng lẽ chúng ta phải có được bài học trước đó.
Cơ quan Ứng phó Thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đã đến hiện trường đống đổ nát tại bệnh viện Iskenderun Devlet Hastanesi, nhưng đã gặp phải sự tức giận.
“Chúng tôi đã chờ ở đây trong 9 ngày”, một phụ nữ hét lớn. Thành viên AFAD sau đó đã rời hiện trường và không trở lại trong vài giờ.
Nỗ lực giải cứu
Một bé gái tên Miray đã được cứu sống sau 178 giờ mắc kẹt trong đống đổ nát của một căn hộ. Một số người khác cũng được cứu vào hôm 13/2, bao gồm một bé trai 13 tuổi mắc kẹt hơn 182 giờ.
Tin tức về những người sống sót như một tia hy vọng để cầu nguyện, trong bối cảnh số người chết sau thảm họa động đất đã hơn 41.000 người, theo Guardian.
Một phần số ca tử vong tăng vì cơ thể con người không thể sống nếu thiếu nước trong vài ngày. Ngoài ra, việc thiếu không khí và những chấn thương khác nhau cũng là nhân tố khiến nhiều người thiệt mạng.
Khu lều tạm của AFAD được dựng trong sân vận động ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Giáo sư y học Tony Redmond của Đại học Manchester nói rằng nhiệt độ lạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể là “con dao hai lưỡi”.
“Một mặt, nếu bạn lạnh, các mạch máu sẽ co lại và giúp bạn chịu được những chấn thương. Nhưng cơ thể quá lạnh cũng sẽ gây hại”, ông Redmond nói.
Số người chết sau trận động đất tiếp tục tăng nhanh. Quan chức tổ chức nhân đạo Liên Hợp Quốc ước tính có thể hơn 50.000 người thiệt mạng do trận động đất, Reuters cho hay.
Lực lượng tình nguyện viên và cứu hộ từ nhiều quốc gia đã dành nhiều ngày phối hợp tìm kiếm cứu hộ những nạn nhân mắc kẹt.
“Phần lớn thời gian công việc sẽ không có nhiều trường hợp tìm được người sống sót”, tình nguyện viên Dan Cooke nói. “Nó vẫn là công việc của chúng tôi, tìm kiếm trong đống đổ nát, dù rất buồn khi chỉ có thể xác nhận có nhiều mất mát và bi kịch”.
Liên Hợp Quốc cho biết công tác tìm kiếm cứu hộ “sắp kết thúc”, khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ dần chuyển sự tập trung sang cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm và chăm sóc y tế cho người sống sót.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.