Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ và một số chuyên gia đang giận dữ với cách phản ứng của AFAD trong trận động đất hôm 6/2, đồng thời đổ lỗi cho xu hướng tập trung hóa dưới thời đảng cầm quyền.

dong dat anh 1

Kevser có thể nghe thấy tiếng hai đứa con trai mình mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa chung cư ở thành phố Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ). Thế nhưng, suốt hai ngày, cô không thể tìm thấy chỉ huy đơn vị phản ứng khẩn cấp để yêu cầu giải cứu con.

"Mọi người đều nói họ không chịu trách nhiệm. Chúng tôi không thể tìm ra ai là người chịu trách nhiệm", Kevser cho biết hôm 7/2, khi đứng trên một con phố trung tâm nơi có ít nhất hàng chục tòa nhà sụp đổ.

"Tôi đã cầu xin. Chỉ cần một cái cần cẩu để nâng bê tông lên. Không còn nhiều thời gian nữa”, cô nói trong tuyệt vọng.

Khi phóng viên của Reuters trở lại địa điểm này một ngày sau đó, những người hàng xóm cho biết không có thêm người sống sót nào được kéo ra khỏi đống đổ nát.

Nhiều người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng thương vong sau trận động đất mạnh 7,8 độ ở miền Nam nước này có thể đã không lớn đến vậy, nếu hoạt động ứng phó khẩn cấp nhanh hơn và có tổ chức hơn.

Reuters đã trò chuyện với hàng chục cư dân và các đội cứu hộ đầu tiên. Họ hoang mang trước tình trạng thiếu nước, thực phẩm, thuốc men, túi đựng xác và cần cẩu trong vùng thảm họa những ngày sau động đất, buộc hàng trăm nghìn người phải tự sinh tồn trong cái lạnh mùa đông.

Số người chết ở cả hai quốc gia tính đến ngày 14/2 đã vượt quá 37.000 người, khiến trận động đất đêm 6/2 trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất thế giới trong thế kỷ này, theo CNN.

Đổ lỗi

"Vấn đề chung ở đây là khâu tổ chức, đặc biệt trong bộ phận y tế", Onur Naci Karahanci, bác sĩ làm việc tại thành phố Adiyaman, cho biết.

Ông Karahanci nói rằng không có đủ túi đựng xác cho người chết, đặc biệt trong hai ngày đầu sau trận động đất.

Tại các thành phố Antakya và Kahramanmaras, gần tâm chấn động đất, phóng viên Reuters cũng thấy rất ít đội cứu hộ trong 48 giờ đầu tiên.

Một số người sống sót cho biết họ đã cố liên lạc với Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) nhưng không thành công, và cuối cùng phải cầu xin các đơn vị địa phương giải cứu người thân của họ.

Tuy nhiên, họ nhận được câu trả lời rằng những yêu cầu này cần thông qua các trung tâm điều phối của AFAD, nhân chứng của Reuters cho biết.

dong dat anh 2

Người đàn ông phản ứng khi mẹ anh được giải cứu sau 177 giờ tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/2. Ảnh: Reuters/Umit Bektas.

Khi được hỏi về nỗ lực cứu hộ, bộ phận báo chí của AFAD đã chuyển hướng tới Bộ Nội vụ, lấy lý do đội ngũ của họ đang bận rộn tại hiện trường. Song Bộ Nội vụ không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

AFAD được giao nhiệm điều phối các nỗ lực ứng phó thảm họa và viện trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009, với 7.300 nhân viên và hơn 600.000 tình nguyện viên.

Trong cuộc họp giao ban thường kỳ hôm 12/2, AFAD cho biết hơn 218.000 nhân viên phản ứng nhanh, cảnh sát, hiến binh, binh lính, tình nguyện viên và các nhân viên khác của AFAD đã được triển khai trong khu vực động đất.

Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của AFAD không công khai giải quyết những lời chỉ trích của một số người dân về phản ứng chậm chạp của họ.

Hai chuyên gia trao đổi với Reuters đổ lỗi sự chậm trễ là do chính phủ Tổng thống Tayyip Erdogan đã tập trung hóa quyền lực cho AFAD. Điều đó có nghĩa quân đội bị hạn chế quyền tự do triển khai khi không có chỉ thị trực tiếp từ chính quyền dân sự, đồng thời các nhóm phản ứng đầu tiên khác, chẳng hạn Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, Nhóm tìm kiếm và Cứu nạn AKUT, cũng bị bỏ qua.

Hetav Rojan, cố vấn an ninh cho chính quyền Đan Mạch và chuyên gia khu vực, cho biết dưới thời đảng AK cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn "hướng về sự tập trung hóa" .

"Nhưng tập trung hóa là điều tồi tệ trong ứng phó thảm họa", ông nói. "Việc triển khai từ trên xuống cản trở hiệu quả ứng phó. Các đơn vị địa phương nên được giao nhiệm vụ hành động theo nhu cầu của từng địa phương. Điều này không diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ".

Trong khi đó, một quan chức cấp cao yêu cầu giấu tên cho biết các nhà chức trách có thể đã chuẩn bị tốt hơn bằng cách dự trữ thêm đồ sơ cứu, thuốc men và chăn mền trong các nhà kho ở khu vực thường xuyên xảy ra động đất.

Thất bại

Hôm 8/2, Tổng thống Erdogan thừa nhận hoạt động tìm kiếm, cứu hộ còn những "thiếu sót" và không nhanh như chính phủ mong muốn, một phần do thời tiết xấu và đường xá bị hư hỏng cản trở việc di chuyển, theo AP.

Song một số chính trị gia đối lập ngày càng chỉ trích AFAD thiếu sự chuẩn bị. Đây cũng không phải lần đầu tiên AFAD cho thấy tình trạng này.

Một báo cáo của AFAD về cách phản ứng với trận động đất 5,9 độ ở phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2022 thừa nhận họ không có đủ phương tiện và nguồn lực giải quyết một thảm họa lớn hơn.

dong dat anh 3

Adile Isik chờ đợi con trai được giải cứu khỏi một tòa nhà bị sập ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/2. Ảnh: Reuters/Sertac Kayar.

Báo cáo cho thấy AFAD đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những người phù hợp để ứng phó với trận động đất ngày 23/11/2022 và sự phối hợp tại địa phương của cơ quan này rất kém, do các nhà quản lý không được thông báo đầy đủ về kế hoạch khẩn cấp.

“Các nhóm ứng phó thảm họa không được chuẩn bị sẵn sàng, các trung tâm AFAD được lựa chọn sai và không có đủ sự phối hợp giữa các tổ chức”, báo cáo cho biết, lưu ý thêm cần có nhiều cuộc diễn tập hơn.

Ngân sách của AFAD cho năm 2023 đã bị cắt giảm 1/3 xuống còn 8,08 tỷ lira (tương đương 429 triệu USD). Tuy nhiên, ngân sách của các cơ quan mà AFAD điều phối, bao gồm cả cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển, đã được tăng cường.

Trong khi đó, Nasuh Mahruki, người sáng lập tổ chức AKUT, cho biết quân đội đã không phản ứng kịp thời với thảm họa hôm 6/2 vì họ cần sự cho phép của chính quyền dân sự để huy động nhân lực.

Năm 2010, trong nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Tổng thống Erdogan đã hủy bỏ quy định cho phép quân đội tự tiến hành các hoạt động trong nước với điều kiện nhất định.

“Trong những sự kiện lớn như vậy, nỗ lực tập thể là điều cần thiết. Trách nhiệm hiện nay dường như thuộc về AFAD, nhưng rõ ràng (cơ quan này) không được chuẩn bị", ông Mahruki nói.

Một y tá yêu cầu giấu tên cho biết cô đã sẵn sàng đến vùng động đất hôm 6/2 nhưng phải đợi lệnh từ AFAD. Và 40 giờ sau, cô mới đặt chân đến khu vực thảm họa.

Khi đến Hatay, cô làm việc trong một bệnh viện dã chiến không có nước, điện hay nhà vệ sinh di động và cách thành phố Antakya quá xa.

Trong 25 năm qua, y tá này luôn tức tốc đến cứu trợ mọi thảm họa lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả trận động đất năm 1999 khiến hơn 17.000 người thiệt mạng, nhưng cô bị sốc trước cách phản ứng với thảm họa lần này.

“Tôi không hiểu tại sao AFAD lại thất bại như vậy”, cô nói.

Vết nứt lớn từ góc nhìn trên cao sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Sau trận động đất 7,8 độ rạng sáng 6/2, một vết nứt lớn đã xuất hiện tại tỉnh Kahramanmaraş, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu do động đất.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, tôn giáo, dầu mỏ, khí đốt,…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Cơn ác mộng Fukushima 'trỗi dậy' trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản có thể giúp nhiều người hình dung về những gì Thổ Nhĩ Kỳ và Syria phải đối mặt trong nhiều năm tới sau trận động đất hôm 6/2.

Người giấu tên ở Pakistan góp 30 triệu USD ủng hộ nạn nhân động đất

Một doanh nhân Pakistan sống ở Mỹ đã quyên góp 30 triệu USD hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Người này không công khai danh tính.

Bà Nikki Haley tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, CNN ngày 14/2 đưa tin.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm