Một góc phố phường Hà Nội thời xưa. Ảnh: V.E Travel. |
“Dân phường nhà giáp đường quan / Không được làm gác trông ngang ra đường / Có cần làm chỗ chứa hàng / Chiều cao không được cao bằng kiệu quan”.
Câu ca dao này không phải là nói cho vui, mà đó chính là một “Huấn điều” của triều đình, được diễn Nôm để phổ biến rộng rãi trong dân, cốt để họ nghiêm chỉnh thực hiện. Nhà nào muốn cơi nới thêm tầng gác là cứ phải răm rắp tuân theo. Từ đó xuất hiện loại gác cổ diêm tùm hụp như chiếc mũ nồi đội nông trên đầu người ta.
Nó khó có thể dùng để ở, mà chỉ để chứa đồ, thích hợp với các nhà buôn nhiều hàng hóa mà thiếu chỗ chứa. Để dễ dàng đưa hàng lên xuống, người ta để chừa ra trên gác một khoảng bằng chiếc chiếu. Ở đó, họ đặt một cái tời hay còn gọi là ròng rọc. Mỗi khi có hàng cần xuất hay nhập, người ta dùng tời ròng hàng từ trên xuống hay từ dưới lên, đỡ phải mất công mất sức…
Mặt khác, câu ca dao ấy cũng phản ánh một thực tế lúc bấy giờ, là ý thức hệ phong kiến hẹp hòi đang kìm hãm nhu cầu ngày một gia tăng của người dân. Chỉ vì một mệnh quan triều đình nào đó, năm thì mười họa mới trảy qua mà bắt người dân không được làm nhà gác cao quá kiệu của ông ta!
Sách Thăng Long - Kinh Kì - Kẻ Chợ của hai tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: HNM. |
Mà từ thời Hậu Lê, nền kinh tế hàng hóa nội địa phát triển, đã tạo ra một tầng lớp công thương giàu có ở kinh kỳ. Họ giao thương, buôn bán ngược xuôi với các miền, thu mua hàng hóa rồi bán lại kiếm lời. Nhu cầu về kho bãi, nơi cất đồ, hàng ngày một cao.
Thông thường, nhà thương gia có thể có hai đến ba lớp nhà, giữa mỗi lớp lại có sân “thiên tỉnh” tức là giếng trời để lấy ánh sáng, đón nắng gió, hứng nước mưa, trồng cây cảnh… Nhà nào đất rộng còn có cả vườn, ao, giếng nước.
Lớp nhà ngoài nhìn ra đường để làm cửa hiệu, bên cạnh có ngõ đủ rộng để gánh hàng hóa hoặc cho ngựa thồ hàng vào, ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng là “nhà có điều kiện”. Nhiều nhà mặt tiền đã hẹp, lại chẳng có chiều sâu để làm kho sau, kho trước.
Cho nên người ta phải làm thêm cái “gác cổ diêm” bên trên để chứa hàng. Song đến một lúc nào đó, cái căn gác thấp tịt, lại lùi sâu vào chẳng giống ai ấy không còn đáp ứng được cả về không gian lẫn mỹ quan.
Ban đầu là các nhà Hoa kiều, rồi đến dân Kẻ Chợ cũng theo nhau “phá rào”. Họ cứ việc làm căn gác thẳng từ dưới lên, chiều cao cũng chẳng chịu sự khống chế bởi chiếc kiệu quan nữa.
Cái gọi là gác chồng diêm ấy cũng biến đổi “công năng”, thành hẳn một tầng nhà để ở, để thờ cúng. Rồi đến một khi nào đó, những cái tên “gác cổ diêm”, “gác chồng diêm” cũng biến mất theo những kiểu nhà ấy…
[…]