Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Được Lê Văn Duyệt cất nhắc, Nguyễn Công Trứ khẩn hoang thành công

Được Lê Văn Duyệt chú ý và cất nhắc, đường công danh sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ ngày càng xán lạn. Về sau, ông được vua tin tưởng giao phó nhiệm vụ đôn đốc khẩn hoang.

Năm Gia Long thứ 3 (1804), vua Gia Long ngự ra Bắc Thành, có trú tất tại Nghệ An mấy ngày. Ông Trứ đến hành cung hiến sách, tỏ bày các việc nên làm. Khi ấy ông Duyệt đi hộ giá, vốn đã biết tài ông, cho mời đến chỗ ở riêng để hỏi rõ về dân tình, nhân tiện có bàn nghĩa sách và hỏi han kinh truyện.

Ông Trứ đối đáp trôi chảy và câu nào cũng xác đáng cả. Nhân trên vách có treo bức tranh vẽ cảnh hoàng hôn, lại có người ngồi câu cá và đàn chim bay, ông Duyệt sai người lấy xuống, bảo ông Trứ nghĩ đề hai câu quốc âm. Chẳng phải nghĩ ngợi lâu la, ông cầm bút đề ngay:

Chim bay về núi, tối rồi,

Sao không lo liệu còn ngồi chi đây?

Ông Duyệt vỗ án khen hay. Sau khi ở Bắc Thành về, mỗi khi tiếp chuyện các quan đồng triều, ông Duyệt không quên nhắc đến câu chuyện hai lần gặp ông Trứ, và nói:

- Người ấy thực là bực kỳ tài, lại có chí khí lớn. Nếu triều đình biết dùng, chắc sẽ thành một bầy tôi lương đống mai sau.

Tuy họ tên và tài học đã thấu đến quân trướng, nhưng chưa thi đỗ được, vẫn chưa có đường xuất thân. Mãi đến khoa Kỷ Mão là năm Gia Long thứ 18 (1829), ông mới thi đậu giải nguyên, tức là thủ khoa, bấy giờ đã 40 tuổi.

Năm đầu đời vua Minh Mệnh, ông được bổ chức tri huyện, Quốc tử giám tư nghiệp, sau đổi ra làm chức tham hiệp Thanh Hóa. Nhân ở Nam Định có loạn giặc Phan Bá Vành, quan quân đánh mãi không được, vua Minh Mệnh biết ông am hiểu binh thư võ bị, cử làm tham tán quân vụ, đem quân đi đánh. Ông lập mưu bắt được Bá Vành ở Trà Lũ. Từ đó, tiếng tăm ông lừng lẫy, được thăng chức thị lang.

nguyen cong tru anh 1

Đền Nguyễn Công Trứ có tên là Truy Tư Từ thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ - người có công khai sinh lập ra huyện Kim Sơn năm 1829 ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình.

Cung chức ở kinh sư mấy năm, ông được bổ ra làm quan ngoài. Cai trị ở hạt nào, ông cũng lưu ý đến việc khai khẩn đất hoang để cứu dân nghèo. Công cuộc khẩn hoang của ông rất có phương pháp, không phải chỉ bàn hão suông, hay chỉ bày trò ra cho có việc. Biết ông có thể thực hành được việc lớn ấy, vua Minh Mệnh đặc cử ông làm doanh điền sứ, chuyên việc khai khẩn ruộng đất hoang ở Bắc kỳ.

Sau khi phụng mệnh, ông thân đi tìm được một bãi đất rộng lớn ở Tiền Châu, là một bãi đất bể hoang vu thuộc về tỉnh Nam Định vẽ thành bản đồ, chua rõ các nơi cao dốc, trũng thấp. Nơi nào dốc thì xẻ rãnh lấy nước vào, nơi trũng thấp thì đào ngòi tháo nước đi. Đặt định xong, chia ra từng khu, chiêu mộ dân nghèo các nơi đến. Mỗi khu đều lập nhà cửa cho các di dân ở, mỗi gia đình tùy lực và tùy số người, lượng cấp cho ruộng đất, trâu bò cùng các đồ làm ruộng. Về hoa lợi, cho được hưởng trọn trong 5 năm, rồi mới phải chịu thuế. Ông lại đặt lệ tưởng thưởng. Người nào chăm chỉ, khai khẩn được nhiều và hoa lợi gấp bội, sẽ được thưởng tiền và phẩm hàm.

Vì sự ra công đôn đốc, khuyến khích ấy, chỉ trong năm sáu năm, cái bãi bể hoang vu ngút ngàn kia đã trở nên một nơi rất phồn thịnh. Ông liền tâu về triều lập ra huyện Tiền Hải, cử quan cai trị khu ấy.

Ngay lúc đó, ông lại tìm thêm được một bãi đất bể rộng lớn nữa, thuộc phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình. Rồi cũng theo như kế hoạch đã mở mang ra huyện Tiền Hải, ông chiêu dân lập ấp. Chẳng bao lâu bãi bể ấy cũng thành những ruộng đất phì nhiêu, số dân đến khai khẩn mỗi ngày mỗi đông. Ông lại xin lập riêng khu ấy làm huyện Kim Sơn.

“Bể tiền” và “Núi vàng” quả đúng như hai cái tên tốt đẹp ông đã đặt ra: hai huyện ấy tới nay đã thành ra hai hạt trù phú. Ăn quả nhớ kẻ giồng cây, nhân dân hai hạt đều ghi nhớ công đức lớn lao của ông, không bao giờ quên. Hiện cả hai hạt đều lập đền thờ và dựng bia kỷ niệm.

Vì có công lớn ấy, ông được thăng chức tổng đốc Hải Dương. Giữ chức chủ tể cả một địa phương rộng lớn ấy, ông vẫn không sao nhãng công việc doanh điền. Mỗi tháng ông đều để riêng ra 5 ngày, cưỡi ngựa cùng mấy tay thuộc hạ sành sỏi đi xem xét ruộng đất các nơi. Mới được hơn một năm, ông lại kế tiếp làm được một công cuộc khẩn hoang rất lớn nữa. Khi đi xem xét, ông thấy hai bãi đất bể Nam Phong và Vị Dương, thuộc tỉnh Quảng Yên, đều là những bãi rộng bỏ hoang, nhưng làm thành ruộng đất cày cấy được. Công phu khai phá có phần khó khăn, vất vả hơn hai khu Tiền Hải, Kim Sơn, tất phải bỏ ra một số tiền chi phí lớn mới làm xong được. Ông liền dâng bản tâu về triều, bày tỏ rõ ràng, xin cho phép được tùy số cần dùng, trích tiền thóc trong kho để chi phí.

Thấy rõ hai nơi do ông đã làm đều có kết quả mỹ mãn, nhà vua liền ban dụ chỉ cho ông được tùy nghi tiến hành. Việc nên làm trước nhất là đắp đê ngăn nước mặn, rồi xẻ khe đào lạch, làm thành được số ruộng đất cấy lúa giồng màu rất tốt, có tới 3.500 mẫu, chia cấp cho các dân nghèo.

Doãn Kế Thiện/Nhã Nam/NXB Hồng Đức

SÁCH HAY