Chùa Trấn Quốc là một danh thắng mang vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội. Ảnh: Treveloka |
Những khi mệt mỏi và buồn chán tôi thường ngồi cửa sổ trông ra, Hà Nội trước mắt tôi lúc này là cái cổng cổ kính làng Đại Từ, ngôi chùa xanh rêu nằm khuất lấp dưới tàng cây cổ thụ, hồ Linh Đàm xanh trong thi thoảng có những đàn cò bay về đỗ trắng bờ hồ.
Mùa thu nước lên có những chiếc thuyền thúng câu cá bập bềnh trên mặt hồ và những chiếc vó bè bờ bên kia thấp thoáng trong sương mù. Mùa hè nước rặc mặt hồ có nhiều người đi bắt cua, nơm cá. Đôi khi nghe được tiếng hát chìm nổi trong sương khói những buổi chiều yên ắng.
Gốc si già lối rẽ vào đường đôi ra phố có quán nghèo người thương binh già bán chè chén, dăm bảy anh xe ôm, thợ xây, thợ mộc ngồi thong thả nhả khói thuốc lào. Phía sau đó là chợ làng Đại Từ khi đông nghịt khi thưa thớt dân quê lẫn dân thành thị . Và trên cao bao giờ cũng có những chiếc diều no gió giữa trời xanh.
Nếu không có tiếng còi tàu hú lên khẩn thiết, tiếng còi xe réo gắt đuổi theo nhau và tiếng loa thuyền thanh phường vẫn bền bỉ nói những điều không ai buồn để ý, thì tôi sẽ đinh ninh đây chính là miền quê thanh vắng của tôi hoặc Hà Nội nghìn năm trước.
Tập tản văn Nhớ mùa sim chín của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Hà Nội nghìn năm trước thế nào làm sao tôi biết được thế nào làm sao tôi biết, tôi chỉ đoán chừng nó cũng na ná Hà Nội qua cửa sổ nhà tôi. Và tôi yêu Hà Nội như thế hơn rất nhiều lần Hà Nội của cao ốc, của xe cộ, của nhà hàng, của những đường phố nghìn nghịt người qua lại, dẫu biết rằng sự phát triển là tất yếu, không ai có thể cưỡng lại được và cũng không ai muốn cưỡng.
Tôi yêu Hà Nội có Lý Thường Kiệt, một người Hà Nội gốc ở phường Thái Hòa - phố Bưởi ngày nay, cưỡi ngựa trắng vượt sông Như Nguyệt, với bài thơ Nam quốc sơn hà như một khúc ca yêu nước vang vọng mãi về sau.
Tôi yêu Hà Nội có chùa Diên Hựu, có hồ Dâm Đàm, có chùa Trấn Quốc, có hồ Lục Thủy nơi rùa vàng đã nổi lên dâng gươm thần cho Lê Thái Tổ cứu nước trừ gian. Khi đất nước đã thái bình rùa vàng lại nổi lên đòi gươm thần và nhà vua đã nhẹ nhàng trả lại như không, cho hay binh đao nước Nam chỉ để trấn quốc không bao giờ để hại nhau.
Tôi yêu Hà Nội có điện Diên Hồng, nơi vua Trần Thái Tông hỏi muôn dân “hòa hay đánh”. Việc thiên tử cúi xuống hỏi dân đen làm cảm động cả đất trời. Thế mới biết một triều đình thực bụng coi dân làm gốc, chứ không phải chỉ đầu môi chót lưỡi, thì không có việc khó nào trên đời lại không thể vượt qua.
Rất nhiều lần đi trên đường Hoàng Diệu có những cây xà cừ cao vút, tán lá sum sê tôi cứ có cảm tưởng hương hồn vị tổng đốc Hà Ninh (năm 1880, Hoàng Diệu được giao chức Tổng đốc Hà Ninh nay là Hà Nội và Ninh Bình) quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vẫn còn trên những tàng cây kia, tỏa bóng mát xuống tâm hồn những người yêu Hà Nội.
[…]