Ảnh minh họa: ALAMY |
Liên đoàn Người lao động trong ngành vận tải quốc tế (ITF) tố cáo một số hãng hàng không tại Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất "lạm dụng người lao động và vi phạm luật lao động một cách trắng trợn".
ITF khẳng định Qatar Airways - hãng đang sử dụng hơn 31.000 người lao động và là hãng hàng không lớn thứ 10 trên thế giới với hơn 100 phi cơ hiện đại - là doanh nghiệp ngược đãi người lao động nghiêm trọng nhất. Theo ITF, hiện tại Qatar Airways buộc người lao động phải tuân thủ các quy định:
- Tiếp viên hàng không phải xin phép cấp trên trước khi kết hôn.
- Hãng chỉ tuyển những phụ nữ độc thân vào vị trí tiếp viên hàng không và họ sẽ phải duy trì tình trạng độc thân trong ít nhất 5 năm.
- Nữ tiếp viên hàng không phải thông báo với cấp trên ngay lập tức nếu họ mang thai.
- Tình trạng mang thai là một trong những yếu tố vi phạm hợp đồng và có thể dẫn tới quyết định sa thải.
Phóng viên của Daily Mail đã liên lạc với Qatar Airways để hỏi phản ứng của họ trước những cáo buộc của ITF, nhưng hãng không phản hồi. Tuy nhiên, năm ngoái tổng giám đốc của hãng, ông Akbar al Baker, bảo vệ những quy định đối với nữ tiếp viên hàng không. Akbar khẳng định luật pháp Qatar cấm những người mang thai phục vụ hành khách trên chuyến bay và hãng không thể thu xếp công việc dưới mặt đất cho họ.
Một ủy ban chống phân biệt đối xử đối với người lao động của Na Uy từng chỉ trích Qatar Airways vào năm 2014 sau khi hãng yêu cầu những phụ nữ tham dự ngày hội tuyển dụng ở thành phố Oslo mặc váy ngắn. ITF dẫn lời nhiều cựu tiếp viên hàng không và phi công của hãng để khẳng định rằng ban lãnh đạo sa thải những nữ nhân viên mặc bikini hay để lộ hình xăm trong những tấm ảnh mà họ công bố trên mạng xã hội Facebook.
Một nữ tiếp viên kể rằng cấp trên sa thải cô sau khi ai đó nói rằng cô đã hôn một nam giới trong một hộp đêm ở Doha.
Nhưng có lẽ thông tin chấn động nhất là việc một phi công của hãng Qatar Airways phàn nàn rằng các nhà quản lý của Qatar Airways tìm cách ngăn cản các nữ tiếp viên tiếp xúc với phi công nam.
"Các nhà quản lý thường nói những câu khiếm nhã về mối quan hệ giữa tiếp viên và phi công. Chẳng hạn như họ nói: Bọn phi công giống những gã tài xế. Họ chỉ muốn tán tỉnh để đưa các cô lên giường", viên phi công nói với phóng viên của báo Expressen tại Thụy Điển.
Nữ tiếp viên hàng không của hãng Emirates sẽ mất việc nếu họ sinh con trong 3 năm đầu tiên kể từ khi làm việc cho hãng. Ảnh: ALAMY |
Qatar Airways không phải là hãng hàng không duy nhất đối mặt với cáo buộc về phân biệt đối xử với người lao động nữ.
Emirates, một trong hai hãng hàng không lớn nhất của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - cũng đang áp dụng một chính sách mà theo đó những nữ tiếp viên hàng không mang thai trong 3 năm đầu tiên sau khi bắt đầu làm việc sẽ phải rời khỏi hãng.
Trong một tuyên bố vào năm ngoái, ông Thierry Antinori - giám đốc tài chính của Emirates - bảo vệ chính sách cấm sinh con của hãng.
"Nếu Emirates thuê bạn để làm tiếp viên hàng không, trong 3 năm đầu tiên chúng tôi muốn bạn bay liên tục", ông giải thích.
Gabriel Mocho, thư ký phụ trách Hàng không dân sự của ITF, khẳng định rằng những quy định của Qatar Airways đã vượt ra ngoài khuôn khổ văn hóa.
"Đó là những quy định tồi tệ nhất đối với quyền phụ nữ của các hãng hàng không. Chúng ta chỉ thấy những quy định kiểu như thế trong thập niên 60", Gabriel bình luận.
Vào thập niên 60, hãng hàng không Pan Am của Mỹ quy định rằng nữ tiếp viên hàng không phải chưa kết hôn, có chiều cao tối thiểu 155 cm, trọng lượng không quá 60 kg, không có con và phải nghỉ hưu ở độ tuổi 32.
Mãi tới tận thập niên 80, Pan Am mới bỏ quy định về kết hôn, song trọng lượng cơ thể vẫn còn hiệu lực tới tận thập niên 90.
"Bạn có thể thấy sự phân biệt đối xử về giới tính thể hiện rõ rệt nhất ở Qatar Airways và Emirates ở vùng Vịnh", Gabriel lập luận.