Tiếp viên hàng không chẳng phải là công việc trong mơ như nhiều người vẫn nghĩ. Ảnh: Aeroflot |
“Hào nhoáng” là tính từ đầu tiên mà nhiều người nhắc đến khi miêu tả về nghề tiếp viên hàng không. Họ sở hữu gần như mọi thứ mà người khác mơ ước: những sải bước tự tin và thanh lịch ở các sân bay quốc tế, cơ hội ngắm Tháp Eiffel mỗi tuần một lần, nghỉ ngơi trong những khách sạn 5 sao trên khắp thế giới. Trên tất cả, họ hưởng mức lương rất cao để làm những việc đó.
Nhưng chính những tiếp viên hàng không đã có nhiều năm trong nghề lại có một câu trả lời hoàn toàn trái ngược về công việc của họ.
"Siêu mẫu trong bộ đồng phục ư? Trong phần lớn thời gian, chúng tôi giống như những kẻ phục vụ bàn, chỉ có điều là ở trên không", Vanessa K, một nữ tiếp viên hàng không kỳ cựu của hang Singapore Airlines, nói với thái độ mỉa mai.
Vanessa, 34 tuổi, không phải là người duy nhất có cảm giác đó. Khoảng 15 tiếp viên hàng không khác đều trả lời tương tự khi nói chuyện với Yahoo News. Sau những chuyến bay dài, sự quyến rũ và hào hứng sẽ nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho cảm giác cô đơn và nhớ nhà cùng cực.
Thêm vào đó, tình trạng suy giảm trợ cấp do áp lực từ các hãng hàng không giá rẻ cũng đang đẩy nhiều tiếp viên hàng không vào nguy cơ mất việc.
Kỳ nghỉ dài hai năm
Hai năm đầu tiên trên phi cơ cũng chính là hai năm hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của một tiếp viên hàng không.
“Khi mới bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy đây là công việc tốt nhất trên đời. Mọi người đều ghen tị với bạn”, Marie T, tiếp viên hàng không của hãng Singapore Airlines, nói. Cô mới 26 tuổi nhưng đã làm công việc tiếp viên trong 5 năm.
"Thứ nhất, mức lương rất khá. Khi làm việc ở Singapore Airlines, chúng tôi có thể dễ dàng kiếm được 4.500 USD mỗi tháng. Thứ hai, chúng tôi vi vu khắp thế giới mà không mất một xu. Đồng nghiệp đều rất cởi mở và xinh đẹp. Tất cả những yếu tố ấy khiến bạn có cảm giác như bản thân đang trong một kỳ nghỉ”, cô nói.
Với Marie, mức lương 4.500 USD cao hơn nhiều lần số tiền mà các bạn của cô kiếm được. Cô mới chỉ hoàn thành chương trình trung học và từng trải qua vài công việc bán thời gian, với tiền lương thấp hơn nhiều so với hiện tại.
“Khả năng chi trả của tôi tăng rất nhanh. Tôi có thể mời bố mẹ và bạn bè những món ăn ngon nhất và nói về những chuyến đi tới các thành phố như Rome, New York, Tokyo. Nếu không phải một tiếp viên hàng không của Singapore Airlines, chắc chắn tôi sẽ không có tiền để đến những nơi ấy. Tôi đã thực sự lột xác trong hai năm đầu tiên", Marie cho biết. Trước khi trở thành một tiếp viên hàng không, nơi xa nhất mà cô từng tới là thành phố Hong Kong.
Chỉ sau hai tháng từ khi bắt đầu làm việc, Marie đã kiếm đủ tiền để mua chiếc túi hàng hiệu đầu tiên, trị giá 3.000 USD, cùng những món quà đắt giá dành cho bố mẹ và hàng trăm USD cho nhu cầu chăm sóc sắc đẹp.
“Cảm giác kiếm tiền dễ dàng thực sự rất thú vị. Bạn tận hưởng những kỳ nghỉ đúng nghĩa, không bao giờ phải mang việc về nhà. Điều quan trọng nhất là mức lương rất khá. Nếu đang độc thân, bạn sẽ rất vui khi rong chơi cùng những cô gái xinh đẹp và du lịch khắp nơi”, Daniel, nam tiếp viên hàng không của hãng Emirates, nói. Anh đã bỏ công việc bàn giấy có mức lương lên tới 2.000 SGD để thỏa mãn đam mê bay lượn.
“Bạn gặp những người bạn mới, nhiệt tình và thân thiện trên mỗi chuyến bay, rồi cùng họ tham dự những bữa tiệc, du lịch và vui chơi ở nước ngoài. Đó là một cuộc sống tuyệt vời mà những người làm công việc bàn giấy sẽ không bao giờ có cơ hội trải nghiệm”, Daniel, 29 tuổi, nói.
Cảm thấy cơ thể lão hóa nhanh
Sau hai năm, phần lớn thành viên của phi hành đoàn nhận ra công việc của họ giống gánh nặng hơn niềm vui. Những người đã có gia đình hoặc người yêu bắt đầu cảm thấy sự căng thẳng khi phải xa người thân, trong khi số khác nhận ra sự khó khăn để duy trì tình bạn hoặc tìm kiếm một nửa đích thực với lịch trình làm việc kéo dài.
“Hồi mới bắt đầu, tôi thường rất hào hứng với việc khám phá những thành phố mới. Nhưng sau hai năm, tôi chỉ muốn ở trong phòng, nói chuyện với người yêu hoặc xem phim. Việc di chuyển ngày càng khiến tôi mệt mỏi, và tôi thấy bản thân tăng thêm 7 tuổi chỉ sau hai năm”, Jasmine Yeo, một cựu tiếp viên hàng không, nói. Người phụ nữ 34 tuổi đã bỏ công việc bay lượn và kết hôn từ 3 năm trước.
“Làm việc trong cả những kỳ nghỉ lễ như Giáng sinh hay Tết Âm lịch là điều rất tệ. Tôi từng chứng kiến rất nhiều nữ tiếp viên ngồi khóc trong phòng khách sạn bởi không kịp về tham dự bữa tối cuối năm với gia đình hoặc lỡ đám cưới người bạn thân. Việc di chuyển cũng rất vui, nhưng sau một thời gian, tôi ước tôi có thể đưa người thân cùng đi khám phá những địa danh nổi tiếng hơn là làm việc đó một mình. Tôi thực sự cảm thấy trống rỗng”, Yeo nói thêm.
“Ban đầu mọi thứ rất thú vị. Bạn sẽ tự an ủi bản thân rằng việc ở đâu trong lễ giao thừa cũng chẳng quan trọng lắm. Nhưng sau 3 năm, khi phải nằm một mình trong phòng khách sạn, giết thời gian với máy tính xách tay và thấy cả gia đình quây quần bên bữa tối cuối năm, bạn sẽ thấy rất tệ. Bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối những khoảnh khắc như vậy”, Daniel nói.
Các bữa tiệc, vốn từng rất hấp dẫn với những người mới vào nghề, sau hai năm lại trở thành gánh nặng với những người đã kết hôn, đang duy trì một mối quan hệ hoặc muốn giữ tỉnh táo. Hầu như tất cả tiếp viên đều chọn kết thúc chuyến bay bằng cách nghỉ dưỡng trong khách sạn trước khi tiếp tục cuộc hành trình.
Yêu không ràng buộc
Cảm giác cô đơn đẩy nhiều người vào những mối quan hệ ngắn hạn và không rõ ràng với các đồng nghiệp. Phần lớn các tiếp viên hàng không thừa nhận họ từng rơi vào những cuộc tình một đêm với các thành viên khác của phi hành đoàn.
“Nói chung các thành viên phi hành đoàn rất cởi mở và thường tán tỉnh lẫn nhau. Chúng tôi muốn khiến mọi thứ nhẹ nhàng hơn, bởi áp lực trên mỗi chuyến bay thường đẩy tất cả vào trạng thái căng thẳng”, Jonathan, 35 tuổi, tiếp viên của hãng Qantas, kể.
“Nếu thích ai, chúng tôi sẽ rủ họ đi chơi sau khi máy bay hạ cánh, trong trường hợp cả hai đều còn độc thân và sẵn sàng trải nghiệm những mối quan hệ mới. Yêu không ràng buộc là luật bất thành văn”, anh nói thêm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân theo nguyên tắc này, Y.L Tung, 28 tuổi, cho biết. Nữ tiếp viên của hãng hàng không Cathay Pacific từng chứng kiến những trường hợp dở khóc dở cười giữa các thành viên phi hành đoàn.
“Nhiều người chọn cách tiếp cận mọi đồng nghiệp mà anh ta thấy vừa mắt, không cần biết cô ấy đã có chồng hay người yêu hay chưa. Tôi từng thấy một nam tiếp viên bị ném ra khỏi phòng khách sạn bởi cố ý xúc phạm nữ đồng nghiệp. Còn chúng tôi cười một trận”, cô nói.
Tung tiết lộ rằng các nam tiếp viên thường tán tỉnh những cô gái trong phi hành đoàn bằng lời mời “sang phòng tôi xem phim nhé” hoặc những động chạm cơ thể "tình cờ" trên cabin máy bay.
Một tiếp viên hàng không kể rằng các thành viên phi hành đoàn rất cởi mở và thường tán tỉnh lẫn nhau. Ảnh: picphotos.net |
Nguy cơ thất nghiệp
Hồi đầu năm 2013, hãng hàng không Singapore Airlines tuyên bố họ sẽ điều chỉnh phụ cấp chuyến bay cho các tiếp viên theo tỷ giá hối đoái mới. Theo chủ trương của hãng, các khoản phụ cấp dành cho thành viên phi hành đoàn trên những chuyến bay tới châu Âu và Mỹ sẽ giảm tới 20%.
Sự thay đổi của Singapore Airlines ảnh hưởng tới thu nhập của rất nhiều tiếp viên ngay lập tức.Với những người đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành nghề khác và có học thức cao, phản ứng đầu tiên của họ là tìm việc mới.
“Nếu nghỉ việc sớm, tôi có thể bắt đầu lại mà không cảm thấy quá khó khăn. Nếu cố nán lại thêm vài ba năm nữa rồi mới nhảy, việc bắt đầu mà không có chút kinh nghiệm nào sẽ đẩy tôi vào tình thế rất đáng ngại”, Lionel, 25 tuổi, tiếp viên của hãng Air Asia, nói. Lionel bắt đầu làm tiếp viên hàng không ngay sau khi tốt nghiệp đại học 3 năm trước.
Tuy nhiên, với những người chưa tốt nghiệp đại học, tình hình lại rất nghiêm trọng.
“Tất nhiên là tôi rất lo ngại về tình trạng giảm trợ cấp. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của chúng tôi. Nhưng tôi mới chỉ tốt nghiệp trung học. Nếu nghỉ việc ở đây và đi làm ở đâu đó, lương của tôi sẽ chỉ còn một nửa. Tôi còn có một khoản nợ tín dụng hàng tháng nữa. Thực tình tôi không đủ can đảm để bỏ việc”, Marie, người đang xem xét khả năng rời khỏi Singapore Airlines nói.
Ngay cả bố, mẹ Marie cũng không muốn cô nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thời gian quay trở lại, cô sẽ tiếp tục việc học và kiếm một tấm bằng cử nhân.
"Tầm nhìn của tôi quá hạn hẹp và giờ thì tôi đang mắc kẹt trong mớ bòng bong này”, cô gái trẻ vừa nói vừa thở dài.