Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quỹ đầu cơ vô danh thổi bay hàng trăm tỷ USD tại Phố Wall

Là một quỹ đầu tư vô danh nhưng Archegos khiến cả Phố Wall chao đảo, hàng trăm tỷ USD bay hơi khỏi thị trường và các ngân hàng tên tuổi lỗ nặng.

Be boi Archegos anh 1

Theo CNN, mới đây Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren kêu gọi chính phủ Mỹ tìm cách "đối phó với những rủi ro của hệ thống tài chính", sau khi vụ vỡ nợ của quỹ đầu cơ Archegos Capital Management gây chấn động Phố Wall.

"Chúng ta cần sự minh bạch và hệ thống giám sát chặt chẽ để đảm bảo nền kinh tế thực không bị ảnh hưởng bởi những đợt bán tháo cổ phiếu của các quỹ phòng hộ", thượng nghị sĩ đảng Dân chủ nhấn mạnh.

Bà Warren - thành viên Ủy ban Ngân hàng Tài chính Thượng viện Mỹ - là một trong những nghị sĩ Mỹ đầu tiên lên tiếng bình luận về vụ bê bối của Archegos Capital Management, tâm điểm của sự chú ý tại Phố Wall trong những ngày qua.

Quỹ đầu tư Archegos Capital Management - do nhà giao dịch Mỹ gốc Á Bill Hwang sáng lập - vay những khoản tiền lớn để đầu tư vào nhiều công ty. Các ngân hàng và công ty tài chính lớn như Nomura (Nhật Bản) hay Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho Archegos vay hàng tỷ USD để mua cổ phiếu và các tài sản khác.

Be boi Archegos anh 2

Nomura cung cấp dịch vụ môi giới, cho Archegos vay tiền để mua cổ phiếu và những tài sản khác. Ảnh: Reuters.

Hàng trăm tỷ USD bay hơi

Khi những cổ phiếu được Archegos nắm giữ giảm giá xuống dưới ngưỡng an toàn (so với tài sản đảm bảo của công ty), các nhà môi giới có thể kích hoạt lệnh tăng tài sản ký quỹ (margin call), yêu cầu công ty nạp thêm tiền hoặc tài sản thế chấp vào tài khoản.

Nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu, các nhà môi giới sẽ bán cổ phiếu hoặc tài sản mà công ty nắm giữ. Kịch bản này khiến Archegos vỡ nợ và kích hoạt đà giảm giá mạnh của các cổ phiếu được Archegos đầu tư. Sau sự cố, giá cổ phiếu của Tập đoàn truyền thông ViacomCBS (Mỹ) lao dốc không phanh.

Cổ phiếu của một số công ty truyền thông Mỹ và công nghệ Trung Quốc khác mà Archegos nắm cổ phần cũng đồng loạt lao dốc. Các ngân hàng làm ăn với Archegos cũng đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ. Công ty được cho là đã sử dụng những công cụ phái sinh để che giấu quy mô của các đợt đầu tư lớn.

Theo Bloomberg, các ngân hàng ước tính giá trị các khoản đầu tư của Archegos tăng thần tốc từ 10 tỷ USD, 50 tỷ USD đến hơn 100 tỷ USD. Đáng nói, tài sản của công ty chỉ khoảng 10 tỷ USD. Giá cổ phiếu lao dốc đồng nghĩa với việc giá trị hàng trăm tỷ USD bay hơi chỉ trong vài ngày.

Be boi Archegos anh 3

Từ một quỹ đầu tư vô danh, Archegos bất ngờ gây chấn động Phố Wall và ảnh hưởng đến hàng loạt ngân hàng lớn. Ảnh: Reuters.

Ngay cả khoản đầu tư của ông Hwang vào hai tập toàn ViacomCBS và Discovery cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Hãng Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho biết hai tập đoàn không có mức tăng trưởng cao, trái ngược với những cổ phiếu truyền thông khác, vốn hoạt động tốt hơn trong bối cảnh đại dịch.

CNN nhận định sự sụp đổ của Archegos là lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các "đòn bẩy tài chính cực đoan" (đòn bẩy là thuật ngữ để chỉ hiện tượng sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản). Archegos sử dụng hàng tỷ USD tiền đi vay từ các tổ chức tài chính để đầu tư chứng khoán.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất ở mức gần 0% đã tạo điều kiện cho các giao dịch kiểu này. Vụ việc cũng làm dấy lên câu hỏi rằng Archegos đã làm cách nào để che giấu những ván cược trị giá hàng trăm tỷ USD, nhất là với quá khứ tai tiếng của nhà sáng lập Hwang.

Nhà sáng lập tai tiếng

Archegos được thành lập bởi nhà giao dịch Bill Hwang, người đứng sau vụ bê bối giao dịch nội gián tại quỹ đầu cơ Tiger Asia Management. Hồi năm 2012, ông Hwang nhận tội gian lận, bị kết án một năm quản chế và phải nộp lại 16 triệu USD.

Cùng năm đó, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) buộc tội ông, Tiger Asia Management và Tiger Asia Partners lũng đoạn cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc để thu lợi bất hợp pháp gần 17 triệu USD. Ông và các công ty sau đó phải trả 44 triệu USD để dàn xếp vụ kiện.

Ngân hàng Goldman Sachs ngừng làm ăn với ông Hwang trong khoảng thời gian đó, theo nguồn tin của CNN. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh doanh giữa nhà băng và công ty của ông sớm được nối lại.

Hôm 30/3, Archegos thừa nhận đây là "quãng thời gian thử thách" đối với công ty, các đối tác và nhân viên. "Ông Hwang và đội ngũ công ty đang thảo luận để có hướng giải quyết tốt nhất", người phát ngôn của quỹ đầu tư khẳng định.

Ngày 29/3, người phát ngôn của SEC cho biết cơ quan này đã "theo dõi tình hình và liên lạc với các bên liên quan kể từ tuần trước". Trong khi đó, các ngân hàng làm ăn với Archegos phải đối mặt khoản lỗ khổng lồ. Hôm 30/3, công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) thừa nhận dự kiến lỗ khoảng 300 triệu USD do "liên quan đến một khách hàng Mỹ".

Be boi Archegos anh 4

Nhà sáng lập người Mỹ gốc Á Bill Hwang của quỹ đầu tư Archegos Capital Management. Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Wells Fargo - nhà môi giới lớn của Archegos - khẳng định hãng sẽ không lỗ. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của ngân hàng đã lao dốc 3% hôm 29/3. Trong khi đó, Nomura (Nhật Bản) cho biết có thể lỗ tới 2 tỷ USD do bị ảnh hưởng bởi "các giao dịch với một khách hàng Mỹ".

Credit Suisse (Thụy Sĩ) cũng tiết lộ "thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể" sau khi một khách hàng vỡ nợ vì hàng loạt lệnh margin call. Nguồn tin của CNN khẳng định khách hàng được Credit Suisse đề cập tới là Archegos. Reuters dẫn một số ước tính chỉ ra các ngân hàng đầu tư có thể chịu thiệt hại 10 tỷ USD.

Các ngân hàng lớn cũng bị rơi vào tầm ngắm sau bê bối của Archegos. Theo đó, Goldman Sachs, Wells Fargo, Morgan Stanley, Nomura và Credit Suisse có thể đã bàn bạc trước với ông Hwang để lần lượt bán những khoản đầu tư của Archegos, nhằm đảm bảo các tài sản mà họ muốn bán không bị giảm giá quá sâu.

Kẽ hở quy định

Theo The Guardian, SEC và Cơ quan Quản lý tài chính Anh (FCA) đã yêu cầu các ngân hàng này cung cấp thêm thông tin về cuộc họp với ông Hwang.

Theo các chuyên gia, bê bối Archegos khơi lại những ký ức đen tối về vụ bê bối của Long-Term Capital Management. Quỹ đầu cơ khổng lồ này sụp đổ vào năm 1998, đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ và buộc chính quyền liên bang phải can thiệp.

"Cú sốc Archegos đã phơi bày một thực trạng nguy hiểm. Phần lớn quỹ đầu cơ không được kiểm soát, sử dụng các công cụ phái sinh mập mờ, thực hiện những giao dịch 'trong bóng tối' và dựa vào 'đòn bẩy tài chính cực đoan'. Nhà giao dịch có thể dễ dàng lách luật", Thượng nghị sĩ Warren khẳng định.

Nói cách khác, các cơ quan quản lý Mỹ đã lơ là những rủi ro trên, cho đến khi một vụ bê bối khiến Phố Wall rung chuyển.

Cú sốc Archegos đã phơi bày một thực trạng nguy hiểm. Phần lớn quỹ đầu cơ không được kiểm soát, các công cụ phái sinh mập mờ, những giao dịch 'trong bóng tối' và đòn bẩy cao

Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren

Vụ bê bối đặt ra một câu hỏi lớn. Đó là Archegos đã làm cách nào để che giấu những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD, và được các nhà băng hàng đầu rót khoản vốn lớn. Câu trả lời có thể nằm ở cấu trúc của công ty.

Archegos hoạt động như một văn phòng gia đình - công ty tư nhân giúp quản lý tài sản của các cá nhân giàu có. Có ít nhất khoảng 10.000 văn phòng gia đình trên toàn thế giới.

Những công ty này quản lý số tiền nhiều hơn tổng vốn cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm cộng lại, theo Ernst & Young. Điều đáng nói là bất chấp quy mô và sức ảnh hưởng khổng lồ, các văn phòng gia đình không bị cơ quan quản lý Mỹ giám sát chặt chẽ. Những văn phòng này không phải nộp báo cáo thường xuyên cho SEC về hoạt động và các khoản đầu tư.

Trên trang web của SEC, những quỹ đầu cơ như Soros Capital Management và Pershing Square của Bill Ackman có đầy đủ báo cáo hàng quý về danh mục đầu tư. Còn trang thông tin của Archegos chỉ vỏn vẹn một thông báo: "Archegos Capital Management đã không nộp bất kỳ tài liệu nào cho SEC ngoài việc đăng ký công ty ban đầu".

Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc nhờ gói kích thích 1.900 tỷ USD

Mỹ có thể trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ vượt mặt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng.

Mỹ muốn chi 100 tỷ USD để chiếm ưu thế trước Trung Quốc

Sau khi bơm 1.900 tỷ USD vào nền kinh tế, chính quyền Mỹ đã nghĩ đến một kế hoạch chi tiêu lớn khác. Mục đích là giành ưu thế trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc. 

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm