Theo Nikkei Asian Review, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đang gấp rút xem xét Đạo luật Biên giới Vô tận (Endless Frontier Act) - dự luật cho phép chi 100 tỷ USD trong vòng 5 năm nhằm tài trợ cho nghiên cứu trong các lĩnh vực tiên tiến của Mỹ.
Trả lời báo giới, ông Schumer cho biết đã chỉ đạo các ủy ban liên quan của Thượng viện Mỹ soạn luật giúp Mỹ dồn vốn vào những ngành công nghiệp chủ chốt. "Vì vậy, chúng ta sẽ cạnh tranh với Trung Quốc trong tất cả ngành đó", ông nhấn mạnh.
Đạo luật Biên giới Vô tận, do ông Schumer và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Todd Young giới thiệu hồi năm ngoái, là trọng tâm của kế hoạch.
Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu gần đây đã phơi bày những lỗ hổng trong các chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ và thúc đẩy kế hoạch của ông Schumer. "Chúng tôi dự định trình luật lên Thượng viện để bỏ phiếu vào mùa xuân này", ông chia sẻ.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đề xuất dự luật cho phép chi 100 tỷ USD trong vòng 5 năm nhằm tài trợ cho nghiên cứu trong các lĩnh vực tiên tiến của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Tăng chi tiêu cho nghiên cứu
Đạo luật Biên giới Vô tận hướng đến 10 lĩnh vực, bao gồm trí tuệ nhân tạo và máy học, hệ thống thông tin và điện toán lượng tử cũng như công nghệ năng lượng tiên tiến.
Dự luật có thể tạo ra các trung tâm công nghệ với nguồn vốn bổ sung. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu nằm ở việc hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, nhằm tạo nền tảng cho các công nghệ quan trọng trong tương lai. Nikkei Asian Review nhận định Washington muốn cạnh tranh lâu dài với Bắc Kinh.
"Mục đích là thành lập một tổ chức có trách nhiệm rõ ràng, nhằm đưa ra cái nhìn bao quát về nhu cầu cạnh tranh của quốc gia", Chủ tịch Viện Công nghệ Massachusetts L. Rafael Reif viết trong một bài báo hồi tháng 9.
Theo ông Reif, hệ thống nghiên cứu khoa học của Mỹ hiện chưa được tổ chức và rót vốn đầy đủ để đối phó với những thách thức mà Trung Quốc đem đến.
Chủ tịch Viện Công nghệ Massachusetts L. Rafael Reif cho rằng các nghiên cứu của Mỹ hiện thiếu cơ cấu và kinh phí để cạnh tranh với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
"Không may là các nhà hoạch định chính sách có xu hướng tập trung vào cách chà đạp Trung Quốc, thay vì củng cố nước Mỹ", ông Reif nhận xét trong bài báo có tiêu đề Để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ cần Đạo luật Biên giới Vô tận.
Nhiều quan chức Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đồng tình rằng Mỹ cần một chính sách công nghiệp của riêng mình. "Các công ty Mỹ sẽ tiếp tục mất vị thế trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc, nếu Washington tiếp tục phụ thuộc thái quá vào nghiên cứu và phát triển của khu vực tư nhân", ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và bà Jennifer Harris tại Viện Roosevelt viết trên Foreign Policy hồi năm ngoái.
Theo ông Tarun Chhabra, giám đốc công nghệ và an ninh quốc gia của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, khu vực tư nhân của Mỹ vẫn là một trong những khu vực sáng tạo nhất thế giới. "Tuy nhiên, chi tiêu của chính phủ là rất quan trọng để hỗ trợ các công nghệ đầy hứa hẹn nhưng chưa được chứng minh hoặc ứng dụng đầy đủ", ông nói thêm.
Cuộc đua dài hạn
Khi nền kinh tế và công nghệ của Trung Quốc bùng nổ, Mỹ buộc phải xem lại cách tiếp cận tự do của nước này. Theo Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, hệ thống kinh tế truyền thống của Mỹ "rất tin tưởng vào thị trường tự do với 'bàn tay vô hình'".
Cụ thể, theo tư tưởng của nhà kinh tế học Adam Smith, mỗi lực lượng thị trường theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng, và chính các hành động đó giúp thúc đẩy và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một "bàn tay vô hình".
"Những gì xảy ra trong vài năm qua buộc chúng ta phải xem xét lại. Không cần phải trở thành Trung Quốc, nhưng hãy sống đúng với bản thân và truyền thống (của nước Mỹ) một cách có chiến lược hơn, cũng như hiểu rõ những gì mà chúng ta đang chống lại", bà nói thêm.
Dĩ nhiên, những người ủng hộ thị trường tự do sẽ không tán thành ý tưởng cho rằng chính quyền liên bang nên can thiệp sâu rộng hơn vào các hoạt động kinh tế và đổi mới của Mỹ.
Không cần phải trở thành Trung Quốc, nhưng hãy sống đúng với bản thân và truyền thống một cách có chiến lược hơn, cũng như hiểu rõ những gì mà chúng ta đang chống lại
- Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai
"Lịch sử của các nền kinh tế tư bản tiên tiến cho thấy có nhiều lý do để hoài nghi về tính hiệu quả của việc lập kế hoạch từ trên xuống", ông Jim Pethokoukis, thành viên của Dewitt Wallace Fellow tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, bình luận.
Ông cho đó là nguyên nhân khiến nền kinh tế của Nhật Bản trì trệ và Pháp thất bại trong nỗ lực tạo ra một khu vực công nghệ thịnh vượng.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công khai ủng hộ chính sách công nghiệp của Mỹ, bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Ông vốn là một quan chức "diều hâu" và không đứng về phe ông Biden.
"Những nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần theo đuổi các chính sách giúp nền kinh tế năng suất hơn, thông qua cách xác định giá trị quan trọng của những lĩnh vực công nghiệp cụ thể và đẩy mạnh đầu tư vào đó", ông Rubio khẳng định trong một bài phát biểu trước sinh viên Đại học Quốc phòng hồi tháng 12/2019.
"Về lâu dài, trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, bên theo chủ nghĩa cơ bản thị trường sẽ không thể giành chiến thắng", ông nhấn mạnh.