Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Theo đó, Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn giám sát. Các ủy viên, đại biểu và chuyên gia mời tham gia đoàn giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Mục đích giám sát là nhằm đánh giá kết quả, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Nội dung giám sát sẽ bao gồm việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023. Đồng thời giám sát tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
"Trong đó, tập trung làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản; tồn tại, hạn chế xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định...", Nghị quyết nêu rõ.
Đối với phát triển nhà ở xã hội, đoàn giám sát sẽ tập trung vào chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội...
Trước đó, Quốc hội cũng đã thành lập đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Phạm vi giám sát bao gồm việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1... từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12 theo từng dự án cụ thể.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.