Báo cáo này do Chính phủ trình tại kỳ họp và đã được Quốc hội thảo luận trước đó.
Việc biểu quyết được thực hiện một ngày trước khi Quốc hội bế mạc kỳ họp cuối năm 2019.
Không sử dụng bảo lãnh Chính phủ
Có 435 đại biểu tán thành thông qua dự thảo nghị quyết (chiếm 90,06% đại biểu). Số người không tán thành là 10 (chiếm 2,07% đại biểu).
Nghị quyết được thông qua không có nội dung đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án như báo cáo nghiên cứu khả thi Chính phủ trình Quốc hội trước đó.
"Việc lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; cũng như quản lý của Nhà nước về hàng không, quân sự", Nghị quyết của Quốc hội nêu.
Quốc hội cũng lưu ý, vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành phải là "vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ".
Quốc hội sẽ giám sát chặt
Trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có một số báo cáo làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm, còn tranh luận.
Ông Thanh khẳng định thẩm quyền quyết định đầu tư là của Thủ tướng.
Với dự án lớn, được Chính phủ trình Quốc hội quyết định từng giai đoạn là phù hợp. Quyết định của Thủ tướng sẽ dựa trên báo cáo của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 trị giá khoảng 4,8 tỷ USD. Ảnh: ACV. |
Ông Thanh nhấn mạnh Quốc hội sẽ giám sát trong quá trình Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định về dự án, để làm rõ hơn nữa tổng mức đầu tư, hiệu quả tài chính của dự án, sử dụng công nghệ, quản lý vận hành, các cơ chế chính sách đặc thù cho dự án.
"Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung trình Thủ tướng trước khi quyết định", ông Thanh nói.
Trước băn khoăn việc chọn doanh nghiệp Nhà nước hay tổ chức đấu thầu, đề xuất Chính phủ không cấp bảo lãnh vay vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra thêm một số giải trình.
Ông Thanh cho biết dự án sân bay Long Thành liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia. Thẩm quyền chọn nhà đầu tư là của Thủ tướng. Đây là dự án đặc thù, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm bảo quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Do đó, ông Thanh cho biết nghị quyết của Quốc hội sẽ giao Thủ tướng xem xét lựa chọn nhà đầu tư vừa có năng lực tài chính, vừa có kinh nghiệm quản lý vận hành.
Nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giải phóng mặt bằng hiện nay là khá chậm. Nguyên nhân chậm chủ yếu do áp giá bồi thường. Do đó, ông cho rằng việc đền bù cần làm công khai, minh bạch, cần có thời gian cho người dân xây dựng nhà ở, cơ sở tôn giáo, hạ tầng trước khi di dời.
"Đề nghị Chính phủ cần quyết liệt trong triển khai công việc, để bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2020", ông Thanh nói trước khi kết thúc giải trình của mình.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư khi hoàn thành là 16 tỷ USD (theo đơn giá khái toán năm 2014).
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 mà Chính phủ trình Quốc hội, tổng mức đầu tư giai đoạn này là 111.689 tỷ đồng (khoảng 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2020 đến 2025.
Chính phủ xác định quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường băng cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất đón 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích 373.000 m2, nhà ga hàng hóa tiếp nhận 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm và các hạng mục phụ trợ.
Ngoài ra còn có hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với sân bay gồm: Tuyến số 1 nối sân bay với quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe; Tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe.
Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có. Tổng đầu tư của sân bay Long Thành dự kiến lên đến 16 tỷ USD.