Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội: Chọn ai xây sân bay Long Thành thuộc thẩm quyền Chính phủ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Đấu thầu quy định rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, việc chọn ai xây sân bay Long Thành thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là việc Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc lựa chọn hình thức đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội không cần cho ý kiến về nội dung này.

Sau khi tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, ngoài bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội còn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.

Luật Đấu thầu quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư và thẩm quyền lựa chọn này thuộc Chính phủ và Thủ tướng. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án.

san bay Long Thanh anh 1
Nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu.

Trước đó, tại các phiên thảo luận tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) Vũ Hồng Thanh khẳng định việc quyết định giao dự án hoàn toàn thuộc thẩm quyền Chính phủ. Còn Quốc hội xưa nay chưa từng chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công.

Để thuyết phục Quốc hội, Chính phủ cho rằng việc này nếu được Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian tổ chức thực hiện.

Hơn nữa, với năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, do sân bay Long Thành gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước. Và như vậy khả năng cao vẫn chọn ACV nhưng thời gian sẽ bị chậm hơn 1,5 năm. Chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án vào đầu 2021.

Theo chương trình nghị sự, Nghị quyết này sẽ được Quốc hội biểu quyết vào chiều thứ ba tới (26/11).

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025.

Chính phủ xác định quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường băng cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất đón 25 triệu hành khách mỗi năm với tổng diện tích 373.000 m2, nhà ga hàng hóa tiếp nhận 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm và các hạng mục phụ trợ.

Ngoài ra còn có hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với sân bay gồm: Tuyến số 1 nối sân bay với quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe; Tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe.

Cùng công suất, vì sao sân bay Long Thành đắt hơn Đại Hưng, Istanbul?

Đại biểu cho rằng suất đầu tư sân bay Long Thành đang đắt hơn các dự án cùng loại trên thế giới. Một số khác đề xuất cần lấy ý kiến nhân dân và tổ chức họp bất thường để xem xét.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm