Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội đang bàn về dự án sân bay Long Thành

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình.

Sân bay Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia cần phải được Quốc hội phê duyệt.

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cũng sẽ giải trình ý kiến các đại biểu về dự án này.

Trước đó, tại phiên họp ngày 24/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã báo cáo Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo báo cáo, tổng mức đầu tư dự án khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.

Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có.

quoc hoi thao luan du an san bay long thanh anh 1
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: ACV.

Bộ GTVT cho rằng việc giao cho ACV đầu tư, khai thác là hợp lý, đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.

Cho ý kiến trong buổi họp tổ trong ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại một số vấn đề như diện tích thu hồi đất, số vốn mà ACV huy động ảnh hưởng đến nợ công, tiến độ thực hiện và giải ngân dự án…

Đại biểu Phạm Phú Quốc bày tỏ băn khoăn về phương án tài chính trong báo cáo của Chính phủ đặt ra. Theo đó, ACV cho biết vốn dự có là 1,57 tỷ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Muốn như vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 2,6 tỷ USD.

Đại biểu băn khoăn việc Chính phủ bảo lãnh cho ACV vay lượng lớn tiền như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nợ công.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đây là dự án thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ nên các khoản vay sẽ được tính vào nợ công. Mặt khác, ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào, Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn tại doanh nghiệp.

Một số đại biểu khác đặt vấn đề về diện tích đất tăng thêm được tính vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1. Theo đó, quy hoạch ban đầu thì 5.000 ha đất dành cho dự án. Nay Chính phủ cho rằng cần thu hồi thêm 136 ha đất để làm thêm đường kết nối với sân bay, lại nằm ngoài ranh 5.000 ha. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho việc giải phóng mặt bằng.

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lo lắng tiến độ thực hiện dự án. Ông nhấn mạnh từ giờ đến hết nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ (giữa năm 2021) lại là cao điểm của việc giải phóng mặt bằng, tái định cư vùng dự án.

“Vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa 2 nhiệm kỳ, bộ máy công quyền dễ thu mình, đóng băng, bất động, bởi sự trì trệ bắt nguồn từ mục tiêu an toàn, để giữ vững hoặc cải thiện vị thế trong bộ máy quyền lực. Điều đó làm phương hại đối với việc chỉ đạo, dịch vụ công liên quan đến dự án, người dân”, ông Quốc nói.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Chính phủ, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng (4,779 tỷ USD). Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh dài 4.000 m; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Chính phủ dự kiến giao VATM xây dựng khu bay, còn ACV xây dựng cảng và các công trình phụ trợ.

Theo báo cáo, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD , tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu mà ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt trước ngày 31/12/2018 là 24.268 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Số vốn còn lại ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.




Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm