Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội chốt hơn 84.000 tỷ đồng đầu tư 3 tuyến cao tốc cho phía nam

Với việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, 3 tuyến cao tốc phía nam được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khi triển khai.

Chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc trọng điểm phía nam giai đoạn 1, gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu, vừa được Quốc hội thông qua sáng 16/6.

Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ 44.691 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 30.758 tỷ đồng, ngân sách giai đoạn 2026-2030 khoảng 13.933 tỷ đồng.

Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ 21.935 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 chi cho dự án là 15.096 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 6.839 tỷ.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ 17.837 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 14.270 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 3.567 tỷ đồng.

phia nam co them 3 tuyen cao toc anh 1

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông cho quốc lộ 51. Ảnh: Ngọc Tân.

Cả 3 dự án dự kiến cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2025 đến 2027.

Theo các dự thảo nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội đồng ý cho 3 dự án áp dụng nhiều chính sách đặc biệt.

Cụ thể, nhóm dự án này được áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp.

Quốc hội cho phép giao địa phương làm chủ đầu tư những đoạn đi qua địa bàn. Ngoài ra, các dự án còn được áp dụng một số chính sách đặc thù khác như cho phép Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách Trung ương và địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh dự án trọng điểm quốc gia phải do Quốc hội quyết định).

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng/giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án thành phần được giao.

Chốt đầu tư hơn 160.000 tỷ xây 2 đường vành đai ở Hà Nội, TP.HCM

Đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội sẽ được triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, với tổng mức vốn hơn 160.000 tỷ cho 2 dự án.

Phía nam sẽ có thêm 3 tuyến cao tốc hơn 84.000 tỷ vào năm 2025

Với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 84.000 tỷ, 3 dự án cao tốc phía nam dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm