Tại Olympic Tokyo năm nay, đoàn thể thao Qatar mang đến 16 vận động viên, 13 nam và 3 nữ, phần lớn là những vận động viên nhập tịch, trong số này có những người đến từ Mauritania, Ai Cập, Sudan hay Morocco.
Để đại diện cho Qatar thi đấu, các vận động viên này đã từ bỏ tên họ cha sinh mẹ đẻ, để lấy cho mình những cái tên tiếng Arab. Đổi lại, các vận động viên kiếm được thù lao khổng lồ và cơ hội khẳng định bản thân, thứ gần như không thể ở nơi họ sinh ra.
"Đội quân nhập tịch"
"Qatar là một trong những nước hỗ trợ cho thể thao tốt nhất thế giới, chính phủ giúp đỡ chúng tôi giành chiến thắng", Abderrahman Samba, vận động viên 400 m vượt rào nam của Qatar tranh tài tại Olympic Tokyo, cho biết.
Samba trước đây thi đấu cho Mauritania. Năm 2015, vận động viên này đầu quân cho Qatar, và bắt đầu tham dự các cuộc thi đấu quốc tế cho quốc gia Trung Đông từ 2016.
"Qatar giúp tôi theo đuổi giấc mơ của mình. Họ cho tôi mọi thứ", Samba nói.
Tại Tokyo năm nay, Fares Elbakh là một trong hai vận động viên mang về huy chương vàng cho đoàn thể thao Qatar trong môn cử tạ. Elbakh cũng là người giúp Qatar lần đầu tiên giành huy chương vàng tại một kỳ Olympic.
Vận động viên cử tạ Fares Elbakh. Ảnh: Reuters. |
Cha của Elbakh cũng từng là một vận động viên cử tạ, tuy nhiên ông thi đấu cho quê hương Ai Cập.
Qatar không phải quốc gia duy nhất sử dụng các tài năng nhập tịch để củng cố sức mạnh cho đội Olympic nước nhà. Hai nước láng giềng của Qatar là Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất hay Bahrain cũng theo đuổi chính sách tương tự.
Nhiều năm trở lại đây, hàng chục tay vợt bóng bàn người Hoa đã đầu quân cho các đoàn thể thao nước ngoài và tranh tài ở Olympic. Tại Tokyo năm nay, các vận động viên gốc Hoa thi đấu cho cả Australia, Nhật Bản và Canada.
Một trường hợp hy hữu là Ni Xialian, nữ vận động viên bóng bàn từng chơi cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc trong thập niên 1980. Năm nay đã ở tuổi 58, bà Ni vẫn tham dự Olympic, nhưng lần này dưới màu áo Luxembourg.
Tuần qua, vận động viên điền kinh Emre Zafer Barnes thi đấu cho đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại nội dung 100 m. 6 năm trước, anh này từng là vận động viên Jamaica với cái tên Winston Barnes. Barnes cho biết thành tích thể thao là công cụ kiếm sống của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ở Jamaica, có rất nhiều vận động viện điền kinh chạy rất nhanh, không còn nhiều không gian phát triển cho những người khác như tôi", Barnes nói.
Tại Olympic Rio 2016, gần 50 vận động viên sinh ra ở nước ngoài thi đấu cho đoàn thể thao Mỹ, và 8 người trong số họ mang về huy chương. Trong số này, 4 vận động viên Kenya được chiêu mộ thông qua chương trình trao đổi của quân đội Mỹ.
Cơ hội đổi đời
Qatar là nước thuộc nhóm có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Nước này bắt đầu chiêu mộ vận động viên nhập tịch từ hàng chục năm trước.
Năm 1992, Qatar có huy chương Olympic đầu tiên, đó là huy chương đồng của vận động viên điền kinh Mohammed Suleiman ở nội dung 1.500 m. Suleiman sinh ra ở Somalia. Hai em trai của Suleiman cũng được Qatar nhập tịch.
8 năm sau đó, Qatar giành được chiếc huy chương tiếp theo, thuộc về một vận động viên cử tạ gốc Bulgaria.
Năm 2008, chính phủ Qatar đầu tư thành lập Học viện Thể thao Aspire, với mục tiêu trở thành "học viện thể thao hàng đầu thế giới về phát triển vận động viên trẻ".
Mutaz Essa Barshim là một trong các ngôi sao của Học viện Aspire. Ảnh: Reuters. |
Một trong các ngôi sao của Học viện Aspire là Mutaz Essa Barshim. Tại Olympic Tokyo năm nay, Barshim giành huy chương vàng nội dung nhảy cao, với trận chung kết nghẹt thở cảm xúc. Cha của Barshim vốn là vận động viên điền kinh của Sudan.
Tại các nước vùng Vịnh, cha mẹ trong những gia đình giàu có ít khi cho phép con trẻ theo đuổi sự nghiệp vận động viên. Ngược lại, thể thao là một trong những con đường hiếm hoi giúp trẻ em châu Phi thoát khỏi đói nghèo.
Hiển nhiên, cơ sở vật chất hiện đại và cơ hội làm việc với những huấn luyện viên đẳng cấp thế giới là lợi thế cạnh tranh của Qatar.
Cherif Younousse và Ahmed Tijan là cặp vận động viên của Qatar tham dự trận tranh huy chương đồng môn bóng chuyền bãi biển tại Olympic Tokyo.
Younousse sinh ra và lớn lên ở Senegal. Trong khi đó Tijan là người gốc Gambian. Cả hai được tuyển trạch viên Qatar phát hiện trên bãi biển ở Dakar, thủ đô của Senegal.
Younousse chơi thể thao từ năm lên 8. Vận động viên này cho biết sự hỗ trợ của chính phủ Qatar là thứ duy nhất giúp anh trở thành ngôi sao hàng đầu trong bộ môn bóng chuyền bãi biển.
"Tất cả là nhờ có Qatar mà tôi có mặt ở đây hôm nay", Younousse chia sẻ.
Nhưng trong quá khứ, không ít lần các vận động viên nhập tịch của Qatar bị đặt dấu hỏi về sự trong sạch.
Năm 2016, huấn luyện viên đội điền kinh Qatar là Jama Aden bị bắt tại Tây Ban Nha cùng chất doping trong phòng khách sạn. Aden sau đó bị điều tra hình sự. Một vận động viên điền kinh gốc Sudan của Qatar cũng bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ.
Vài tháng trước đó, một vận động viên chạy nước rút của Qatar bị hủy kết quả thi đấu tại Olympic Bắc Kinh 2008 sau khi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Năm 2012, một vận động viên điền kinh gốc Nigeria của Qatar bị đình chỉ thi đấu 2 năm vì có xét nghiệm dương tính với chất bị cấm có tên Clenbuterol.