Được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh với mức sống cao ngất ngưởng, đáng lẽ Phần Lan phải là nơi thu hút người di cư.
Trong các đánh giá quốc tế, Phần Lan luôn nằm trong nhóm đầu bảng về chất lượng cuộc sống, tự do và bình đẳng giới. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ tham nhũng và tội phạm thấp, ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.
Tuy nhiên, quốc gia này thực tế đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Chi phí thuê nhân công rất cao khiến Phần Lan mất đi lợi thế cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong Liên minh châu Âu, theo AFP.
Khách du lịch cưỡi xe chó kéo tại Phần Lan. Ảnh: AFP. |
Tỷ lệ già hóa dân số rất cao
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Phần Lan chỉ đứng sau Nhật Bản về tỷ lệ dân số già. Cứ 100 người đang trong độ tuổi lao động thì sẽ có 39,2 người trên 65 tuổi.
Dự báo đến năm 2030, tỷ số phụ thuộc tuổi già của quốc gia Bắc Âu này có thể tăng lên đến 47,5.
Phần Lan có hệ thống phúc lợi xã hội hào phóng nhưng cũng tốn kém ngân sách nhất thế giới. Quốc gia này miễn phí hoàn toàn chi phí chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, người thất nghiệp, người khuyết tật và chăm sóc trẻ em cũng được hưởng khoản tiền trợ cấp rất lớn. Giáo dục Phần Lan miễn phí hoàn toàn ở các cấp học.
Một khu mua sắm ngoài trời tại Phần Lan. Ảnh: Reuters. |
Số người ở độ tuổi lao động giảm đi khiến mô hình phúc lợi xã hội của Phần Lan trở nên thiếu bền vững do nguồn thu từ thuế giảm, gánh nặng lương hưu và chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.
Chính phủ Phần Lan cho rằng đất nước cần lên 20.000 đến 30.000 người nhập cư mỗi năm để duy trì các dịch vụ công cộng và giảm thâm hụt lương hưu.
“Bây giờ người ta phải thừa nhận rằng Phần Lan cần một lượng người di cư rất lớn. Những người lao động từ bên ngoài sẽ giúp đất nước trang trải chi phí cho thế hệ đang già đi”, Saku Tihverainen, nhà tuyển dụng của Talented Solutions, nói.
Nỗ lực tìm kiếm nhân tài
“Sau nhiều năm trì trệ, các doanh nghiệp và chính phủ Phần Lan hiện đã nhận ra mấu chốt vấn đề là do già hóa dân số”, Charles Mathies, một nhà nghiên cứu tại Học viện Phần Lan, cho biết.
Phần Lan đã xây dựng chương trình “Talent Boost” để cải thiện hình ảnh đất nước đối với người dân thế giới. Các chính sách tuyển dụng với chế độ đãi ngộ tốt được giới thiệu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những mục tiêu được chính phủ Phần Lan hướng đến bao gồm nhân viên y tế tại Tây Ban Nha, công nhân gia công kim loại từ Slovakia, chuyên gia công nghệ và hàng hải từ Nga, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Thời tiết lạnh giá là một trở ngại lớn đối với những người muốn nhập cư vào Phần Lan. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, những nỗ lực của Phần Lan không phải lúc nào cũng thành công. Năm 2013, năm trong số tám y tá Tây Ban Nha được tuyển dụng đến thị trấn phía tây Vaasa đã rời đi sau vài tháng. Giá hàng hóa cắt cổ, thời tiết lạnh giá khắc nghiệt và ngôn ngữ phức tạp khiến họ không thể chịu nổi.
Trong suốt một thập kỷ qua, tỷ lệ người nhập cư vào Phần Lan luôn tăng. Nhưng một thống kê chính thức cho thấy rằng những người rời khỏi Phần Lan là lực lượng có trình độ học vấn cao hơn.
Trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Phần Lan là quốc gia có tỷ lệ thiếu lao động lành nghề cao nhất. Một số công ty khởi nghiệp của Phần Lan phải tạo ra trang web tuyển dụng chung để thu hút nhân tài nước ngoài.
Vấn đề hệ thống
“Các công ty khởi nghiệp đã nói với tôi rằng họ có thể khiến bất kỳ ai trên thế giới đến làm việc tại Helsinki, miễn là còn độc thân. Nếu đã kết hôn, vợ hoặc chồng của họ sẽ gặp phải vấn đề rất lớn khi tìm kiếm một công việc tử tế”, Jan Vapaavuori, Thị trưởng thành phố Helsinki, nói.
Tâm lý chống người nhập cư và miễn cưỡng tuyển dụng người nước ngoài cực kỳ phổ biến tại Phần Lan. Đảng Phần Lan cực hữu thường xuyên nhận được tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc bầu cử.
Rất nhiều người phàn nàn về sự miễn cưỡng của các công ty Phần Lan trong việc công nhận kinh nghiệm hoặc bằng cấp từ các quốc gia khác. Nhà tuyển dụng cũng có định kiến đối với các ứng viên không phải là người Phần Lan.
Ahmed, một chuyên gia người Anh với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng sản phẩm kỹ thuật số, cũng gặp phải nhiều khó khăn tại Helsinki. Vì một số lý do gia đình, anh phải chuyển đến thành phố này. Tuy nhiên, sáu tháng tìm kiếm công việc vẫn không có kết quả.
“Một nhà tuyển dụng thậm chí còn từ chối bắt tay tôi. Đó là một khoảnh khắc khó quên”, anh nói. Ahmed đã nhận được lời mời từ các công ty lớn ở Na Uy, Qatar và Anh. Cuối cùng, anh chọn một công việc tại thành phố Dusseldorf của Đức.
Nhà tuyển dụng Saku Tihverainen cho biết tình trạng thiếu hụt lao động đã khiến nhiều công ty Phần Lan phải nới lỏng chính sách ưu tiên lao động bản địa.
“Tuy nhiên, nhiều công ty và tổ chức của Phần Lan vẫn rất kiên quyết trong việc yêu cầu sử dụng tiếng Phần Lan, thậm chí phải thông thạo”, ông nói.
Đối với thị trưởng thủ đô Helsinki, bốn năm Phần Lan được bầu chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới chưa giúp được nhiều như ông kỳ vọng.
“Nếu hỏi ai đó trên đường phố Paris, London, Rome hay New York, tôi nghĩ không phải ai cũng biết về thủ đô Phần Lan”, ông nhận định. Vì vậy, chính quyền thành phố Helsinki đang hợp tác với nhiều công ty truyền thông quốc tế để nâng cao vị thế của thành phố.
Ông Vapaavuori rất lạc quan về khả năng thu hút nhân tài từ châu Á. Ông tin rằng lực lượng trình độ cao sẽ tới thành phố khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.