Vào cuối tháng 2, Alli Ottarsson sẽ tới sống ở Helsinki trong 90 ngày để trải nghiệm cuộc sống ở đây. Đi cùng vợ chưa cưới và con gái 4 tuổi, ông Ottarsson và 14 chuyên gia khác đã được chọn vào một chương trình thí điểm nhằm thu hút nhân lực ngành công nghệ tới làm việc.
Khoảng 5.330 người trên thế giới nộp đơn ứng tuyển chương trình làm việc thử 90 ngày ở Helsinki, do Helsinki Business Hub, một cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức.
Alli Ottarsson sẽ tới sống ở Helsinki trong 90 ngày để trải nghiệm cuộc sống ở đây. Ảnh: Colin Young-Wolff. |
Sống thử ở Phần Lan trong 90 ngày
Sau khi tuyển chọn 15 người, cơ quan này sẽ sắp xếp khóa hướng dẫn về văn hóa, sắp xếp đưa đón ở sân bay, giúp mở rộng mối quan hệ công việc, và hỗ trợ về mặt giấy tờ cho ba tháng họ ở Phần Lan. Cơ quan này cũng sẽ hỗ trợ về nhà ở, trường học nếu các ứng viên có con cái đi cùng.
Ottarsson, một nhà đầu tư vào lĩnh vực game, nói ông không hài lòng với số ca nhiễm virus tăng cao ở Los Angeles, nơi ông sinh sống. Ông hy vọng qua chương trình này sẽ tìm hiểu được cơ hội đầu tư mới trong ngành game đang lên ở Helsinki - một trong những thành phố chịu ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch.
“Vợ chưa cưới của tôi cũng làm kinh doanh. Do vậy chúng tôi coi đây là cơ hội mở rộng mạng lưới của mình trong khu vực”, ông nói với BBC. “Cũng đáng giá khi được bước ra khỏi cộng đồng của mình và gặp những người mới”.
Chương trình thí điểm 90 ngày này đặt Helsinki một cách ấn tượng lên bản đồ toàn cầu, trong cuộc đua thu hút nhân tài.
Dù chỉ 15 ứng viên được nhận và đến Helsinki, thành phố này hy vọng danh tiếng của chương trình sẽ có tác dụng, khiến thêm nhiều người cân nhắc Helsinki; qua đó giúp giải quyết sự thiếu hụt nhân tài và thúc đẩy ngành công nghệ đang lên ở thủ đô Phần Lan.
Phần Lan tạo ra cho thế giới hệ điều hành nguồn mở như Linux, tập đoàn viễn thông Nokia và công nghệ nhắn tin SMS, nhưng nước này đang gặp khó khăn trong việc xây dựng lực lượng lao động có thể theo kịp nhu cầu.
“Chúng tôi có hệ thống trường học tốt và đào tạo ra nhiều kỹ sư và lập trình viên. Nhưng nhu cầu lớn đến mức số lượng nhân lực đó không đủ”, Johanna Huurre, từ Helsinki Business Hub, nói với BBC. “Đồng thời chúng tôi nghĩ trí tuệ không chỉ tập trung ở Phần Lan. Vì vậy, các nhân tài từ quốc tế sẽ giúp các ý tưởng của chúng tôi bay đi toàn cầu”.
Dù có khí hậu khá lạnh, Helsinki thường được xếp hạng là thành phố hạnh phúc nhất trên thế giới. Ảnh: Getty Images. |
Liệu chương trình có tác động lâu dài?
Quy mô thành phố nhỏ có thể khiến Helsinki gặp bất lợi. Thủ đô Phần Lan chỉ có dưới 1 triệu dân trong một đất nước có dưới 6 triệu người, dù có hệ sinh thái khởi nghiệp được định giá 5,8 tỷ USD.
Bảng xếp hạng Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu xếp Helsinki ở vị trí thứ 31, thấp hơn các thành phố “láng giềng” như Stockholm (Thụy Điển) và Copenhagen (Đan Mạch). Helsinki xếp hạng thấp hơn vì là thành phố nhỏ hơn, có ít ảnh hưởng toàn cầu hơn, ít khách du lịch hơn và ít trụ sở công ty đa quốc gia hơn.
Joonas Halla, chuyên gia về tuyển dụng, nói với BBC rằng các ngành đang cần nhân lực vào lúc này bao gồm an ninh mạng, công nghệ vũ trụ, công nghệ y tế, game và điện toán lượng tử. Những người tìm kiếm việc làm trong mảng phân tích dữ liệu hoặc kỹ sư phần mềm có thể nhận lương lên tới 4.960 USD mỗi tháng, mà không vấp phải nhiều cạnh tranh.
Helsinki Business Club, cơ quan đang thực hiện chương trình thí điểm 90 ngày, lập một cơ sở dữ liệu riêng dành cho các ứng viên không được nhận.
Họ có thể để lại hồ sơ của mình, và các nhà tuyển dụng ở đây có thể tìm kiếm nhân lực. Sau cùng, mục tiêu không chỉ là đưa 15 người tới đây, mà là khiến nhiều nhân tài nhất có thể chuyển tới Helsinki.
Chương trình thí điểm này đặt mục tiêu khá rõ là muốn nhắm đến các nhân viên công nghệ ở bờ Tây của Mỹ - những người có thể đang cảm thấy bất mãn vì cách xử lý dịch bệnh thất bại của chính quyền Trump, cũng như chính trị đầy chia rẽ sau bốn năm ông Trump làm tổng thống.
Các chuyên gia cho rằng chương trình thí điểm là một tín hiệu tốt, cho thấy Helsinki là một thành phố tương đối linh hoạt. Ngoài ý nghĩa marketing, thành phố này cũng có thể có những bài học từ dữ liệu thu được, là những ai ứng tuyển, họ muốn theo những lĩnh vực nào, những ai đến và những ai rời đi.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tiếng vang tạo được cho Helsinki thực sự có tác động lâu dài hay không, vì chuyển đến và ở lại lâu dài là hai chuyện khác hẳn nhau.
Bản thân Ottarsson, nhà đầu tư lĩnh vực game, cũng chưa quyết định sẽ định cư ở đây. “Tôi nghĩ đây như là thử nghiệm cho chúng tôi, xem việc chuyển đến một nơi mà chúng tôi không quen biết ai sẽ như thế nào”, ông nói.