Saudi Arabia mà Tổng thống Joe Biden đến thăm trong tuần này là quốc gia đang được định hình lại bởi những ý tưởng bất chợt và tầm nhìn của một người đàn ông: Thái tử Mohammed bin Salman (MBS).
Với tư cách là người cai trị trên thực tế của chế độ quân chủ giàu dầu mỏ, vị hoàng tử 36 tuổi tự nhận mình là nhà cải cách, sau khi nới lỏng một số hạn chế của đạo Hồi cực đoan, cho phép phụ nữ lái xe và mở cửa rạp chiếu phim cùng các buổi hòa nhạc.
Nhưng quyền cai trị của ông cũng được xác định bằng chính sách thể chế hóa vũ lực - vừa để dập tắt bất đồng trong nước vừa theo đuổi đường lối đối ngoại mạnh mẽ hơn.
Vượt ra khỏi mô hình cũ của Saudi Arabia là âm thầm “vun đắp” ảnh hưởng quốc gia từ sức mạnh đồng tiền, Thái tử MBS đã chủ trương ném bom Yemen, mạnh tay giam các nhà hoạt động và nhà phê bình. Thậm chí, theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông đã điều động một biệt đội sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Chính vì những lo ngại về nhân quyền này mà ông Biden từng tuyên bố sẽ cô lập Saudi Arabia trên trường quốc tế trong chiến dịch tranh cử.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra theo cách tổng thống Mỹ mong muốn.
Chuyến thăm của ông Biden sẽ củng cố vị thế của Thái tử Mohammed. Ảnh: New York Times. |
Với việc Nga phát động “chiến dịch quân sự" vào Ukraine làm ảnh hưởng đến giá dầu và Iran được cho là đang mở rộng chương trình hạt nhân, ông Biden đột nhiên cần sự giúp đỡ của Saudi Arabia. Và cách duy nhất để đạt được điều đó là thông qua Thái tử MBS.
“Bởi MBS đã nắm giữ vị trí vững chắc trong nước, ông ấy là người đối thoại cần thiết nếu (ông Biden) muốn nói chuyện với Saudi Arabia”, Cinzia Bianco, thành viên tại Hội đồng Đối ngoại của Hội đồng châu Âu, cho biết.
Thế khó của ông Biden
Bất kể kết quả chuyến đi như thế nào, hình ảnh ông Biden gặp Thái tử Mohammed tại Saudi Arabia sẽ củng cố vị thế của vị thái tử trẻ khi lãnh đạo một trong những quốc gia hàng đầu ở Trung Đông, theo New York Times.
Nhiều người nhận định đây là động thái nguy hiểm, bởi nó chứng tỏ rằng dầu mỏ và sự giàu có vẫn là yếu tố trung tâm trong vấn đề chính trị. Hành động này cũng biến ông Biden trở thành người nói dối khi từng tuyên bố theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên nhân quyền.
Họ đặt câu hỏi làm thế nào Mỹ có thể phản đối những nhà lãnh đạo chuyên quyền, trong khi bỏ qua hành vi của Thái tử Mohammed với hy vọng ông có thể hạ giá khí đốt?
Tuy nhiên, một số đã lập luận rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai bên có thể giúp Washington khuyến khích chính sách tốt, trong khi kiềm chế những hành động mà nước này không mong muốn trong cách Thái tử MBS nắm giữ khối tài sản và quyền lực to lớn.
Tổng thống Biden đã lên đường tới Trung Đông hôm 12/7. Ảnh: New York Times. |
Thái tử Mohammed đột ngột xuất hiện vào khoảng 7 năm trước, khi người cha lớn tuổi của ông, Vua Salman, lên ngôi và bắt đầu giao quyền cho con trai.
Khi củng cố quyền lực, MBS cho biết ông có những kế hoạch lớn đối với Saudi Arabia. Đó là khẳng định vị thế quốc gia trên toàn cầu, không chỉ được biết đến với dầu mỏ và đạo Hồi, mà còn với một nền kinh tế năng động, đa dạng, có thể tự sản xuất vũ khí, phát minh ra công nghệ mới và thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên, những người chỉ trích Thái tử MBS cáo buộc ông sử dụng các khoản đầu tư nước ngoài để đánh lạc hướng về những vụ vi phạm nhân quyền trong và ngoài nước.
Bất chấp lệnh ngừng bắn tạm thời giúp giảm mức độ bạo lực, Saudi Arabia vẫn sa lầy trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi ở Yemen, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Trong khi đó, những cuộc đàn áp người chỉ trích đã vượt ra ngoài biên giới, đáng chú ý nhất là trường hợp nhà báo Khashoggi, người đã bị giết và phi tang bởi một nhóm đặc vụ Saudi Arabia ngay bên trong Lãnh sự quán nước này ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2018.
Theo báo cáo của CIA, Thái tử MBS đã chấp thuận hoạt động này.
Vì vậy, khi ông Biden mới bước chân vào Nhà Trắng, Thái tử MBS hẳn hiểu ông sẽ có một mối quan hệ “đầy sóng gió” với tân tổng thống Mỹ, đặc biệt khi ông vẫn giữ mối quan hệ thân thiết cùng cựu Tổng thống Donald Trump và Jared Kushner, con rể, đồng thời là cố vấn của ông Trump.
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi bị thế giới lên án. Ảnh: Chris Mcgrath. |
Chiến thắng của Thái tử MBS
Ban đầu, ông Biden không mấy quan tâm đến Saudi Arabia. Thay vào đó, mục tiêu của ông là đạt được một thỏa thuận mới nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, cắt giảm nhiên liệu hóa thạch - mặt hàng chính của Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ cũng có thái độ gay gắt với Thái tử MBS, khi cam kết biến Saudi Arabia thành “bên bị ruồng bỏ” và từ chối nói chuyện với ông, nhấn mạnh rằng người đồng cấp đối thoại với tổng thống là nhà vua.
Về phần mình, Saudi Arabia cũng có những bất mãn với chính sách của Washington.
Họ bất mãn trước việc Mỹ khăng khăng đàm phán với Iran, vì cho rằng điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho “kẻ thù không đợi trời chung" trong khu vực của họ.
Không những vậy, họ lo sợ cam kết lịch sử của Mỹ với an ninh Saudi Arabia bị suy yếu, đặc biệt là khi lực lượng Houthi, được Iran hỗ trợ, đẩy nhanh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào thành phố, cơ sở dầu mỏ.
Cảm giác bị bỏ rơi ngày càng tăng sau cuộc xung đột Ukraine, khi các quan chức chính quyền hy vọng nước này sẽ tham gia kế hoạch cô lập Nga và tăng sản lượng dầu để giảm giá bán.
“Bất cứ khi nào Mỹ muốn điều gì đó từ chúng tôi, họ không ngần ngại nhấc máy và mong đợi chúng tôi phản hồi. Nhưng khi chúng tôi có việc, chúng tôi gọi và không ai trả lời”, Dennis Ross, thành viên tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, dẫn lại lời phàn nàn mà ông nghe được từ những người Saudi Arabia trong chuyến thăm gần đây.
Nhà máy dầu tại cảng biển Ras Tanura ở Saudi Arabia. Ảnh: New York Times. |
Trong một cuộc phỏng vấn với Atlantic vào tháng 4, khi được hỏi liệu ông Biden có hiểu lầm mình hay không, Thái tử MBS trả lời: “Tôi không quan tâm”.
Ông nói rằng việc bỏ qua Saudi Arabia sẽ có hại cho ông Biden và mang lại lợi ích cho quốc gia đối thủ - Trung Quốc.
“Nếu mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia là một cuộc hôn nhân, nó sẽ rất cần được tư vấn”, Brian Katulis, phó Chủ tịch phụ trách chính sách của Viện Trung Đông, nói đùa.
Trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ, Saudi Arabia thông báo rằng ông Biden và Thái tử MBS sẽ tổ chức “các cuộc hội đàm chính thức”.
Yasmine Farouk, chuyên gia của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết chủ đề có thể bao gồm việc thúc đẩy đảm bảo an ninh chính thức hoặc hợp tác trong các lĩnh vực ngoài dầu mỏ.
“Saudi Arabia muốn được đối xử như một đối tác của Mỹ và ngày nay các đối tác nói chuyện với Mỹ không chỉ về an ninh và dầu mỏ mà còn về công nghệ, khí hậu và năng lượng”, bà nói.
Dù vậy, ngay cả khi chuyến thăm diễn ra tốt đẹp, sự hợp tác như vậy cần có thời gian để phát triển. Nhưng đối với Thái tử Mohammed, việc đưa ông Biden đến Saudi Arabia đã là "một chiến thắng", bà nhấn mạnh.