Sự gia tăng nhu cầu mua quốc tịch Vanuatu đem về nguồn thu bất ngờ và giúp cân bằng ngân sách quốc gia đảo quốc này sau những khoản chi khổng lồ cho tiền trợ cấp Covid-19 và phục hồi sau khi bão Harold đổ bộ hồi tháng 4, theo Guardian.
Bất chấp việc giãn cách xã hội nhằm chống Covid-19 đang làm đảo lộn hầu như mọi lĩnh vực kinh tế Vanuatu, số dư ngân sách nước này vẫn đạt mức 33,3 triệu USD trong nửa đầu 2020, phần lớn nhờ từ tiền bán quốc tịch cho các công dân nước ngoài.
Quốc đảo xinh đẹp Vanuatu thuộc châu Đại Dương. Ảnh: Getty. |
Tính đến cuối tháng 6, chỉnh phủ Vanuatu đã thu 62,7 triệu USD, gần 80% nguồn thu ngân sách dự kiến của cả năm.
Doanh số bán căn cước công dân của đảo quốc thuộc châu Đại Dương vẫn đang tăng mạnh. Người đứng đầu cơ quan tư pháp nước này là ông Ronald Warsal nói với Vanuatu Daily Post rằng doanh thu từ hoạt động bán quốc tịch đã qua ngưỡng 84,6 triệu USD vào giữa tháng 8, vượt mức dự kiến hàng năm.
Quốc tịch Vanuatu có giá 130.000 USD, trong đó 80.000 USD sẽ nộp cho chính phủ còn 50.000 USD thuộc về người trung gian, là công dân hợp pháp của Vanuatu và phải đóng thuế 15% trên doanh thu kiếm được từ hoạt động môi giới bán quốc tịch.
Các thống kê cho thấy đã có ít nhất 650 người nhận quốc tịch Vanuatu từ đầu năm đến nay.
Quốc tịch Vanuatu được săn đón là bởi nhiều nước có điều kiện nhập cảnh khắt khe như Anh, Nga, khối EU... đều miễn thị thực cho hộ chiếu của công dân Vanuatu.
Nhiều báo cáo cho thấy phần lớn những người mua quốc tịch Vanuatu không thực sự cư trú tại đảo quốc này mà chủ yếu dùng hộ chiếu nước này để di chuyển giữa các quốc gia khác nhau.
Một số đối tượng thậm chí còn lợi dụng khả năng miễn thị thực của hộ chiếu Vanuatu, như trường hợp của 4 người Trung Quốc thuộc diện truy nã của Interpol đã ngay lập tức bị tước quyền công dân.
Trước tình hình đó, đảng cầm quyền Vanua’aku của Thủ tướng Bob Loughman cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ xem xét lại chương trình quốc tịch.
Hộ chiếu Vanuatu. Ảnh: Cascade Business News. |
Trước năm 2020, nền kinh tế Vanuatu chủ yếu phụ thuộc vào các hoạt động du lịch, song ngành này gần như đóng băng kể từ khi đại dịch Covid-19 đổ bộ, tiếp đó là những tổn thất nặng nề do bão Harold gây ra, thiệt hại ước tính lên đến 100 triệu USD.
Ngay sau đó, chính phủ cấp phép cho một loạt các đại lý bán căn cước cho công dân nước ngoài, đem lại doanh thu cao bất ngờ, giúp thanh toán nhiều khoản nợ khổng lồ.
Đầu năm 2020, bộ Tài chính nước này đã trả trước hạn khoản nợ 13 triệu USD cho Trung Quốc.
Dư luận Vanuatu trước đây từng phản đối các chương trình mua bán căn cước công dân song gần đây sự phản đối đã phần nào dịu đi, chủ yếu là bởi lập luận của chính phủ rằng chính những chương trình này đã giữ cho nền kinh tế Vanuatu không rơi vào khủng hoảng.