Theo kế hoạch, trước ngày 15/8, người lao động tại quốc đảo nằm trên Thái Bình Dương này sẽ phải nghỉ phép nếu chưa tiêm mũi đầu tiên, bị sa thải nếu không chủng ngừa mũi thứ hai trước ngày 1/11, AFP đưa tin ngày 9/7.
“Không chấp nhận tiêm vaccine thì sẽ mất việc. Tiêm vaccine là liệu pháp an toàn đã được khoa học chứng minh. Do đó, đây là chính sách của quốc gia và sẽ sử dụng pháp luật để thi hành”, Thủ tướng Frank Bainimarama phát biểu trong bài diễn văn quốc gia cuối ngày 8/7.
Cá nhân sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng nếu không tuân thủ nguyên tắc trên, trong khi đó các công ty với người lao động vi phạm sẽ đứng trên bờ vực đóng cửa.
Fiji đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, ông Bainimarama cho biết sẽ áp dụng phạt tiền tại chỗ với “người liều lĩnh vi phạm quy tắc”, bao gồm những ai không đeo khẩu trang, tụ tập đông người vi phạm lệnh cách ly.
"Hỡi công dân Fiji, những lệnh hạn chế này rồi sẽ đến lúc kết thúc”, thủ tướng nói. “Tuy nhiên, cho đến lúc đó, chúng ta hãy duy trì cảnh giác để mọi người xung quanh cũng được bảo vệ - hãy tiêm phòng, đeo khẩu trang, duy trì giãn cách”.
Chính sách cứng rắn trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Fiji thất vọng trước tỷ lệ người dân chấp hành các biện pháp phòng chống dịch chưa cao, bao gồm giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm tăng đột biến tại đảo quốc này trong thời gian qua.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, cho đến tháng 4, Fiji không ghi nhận trường hợp lây nhiễm nào trong cộng đồng. Tuy nhiên, một vụ vi phạm quy định cách ly đã khiến biến thể Delta nhanh chóng lây lan. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận trung bình 700 ca mắc mới mỗi ngày.
Hệ thống y tế thiếu thốn nguồn lực tại đây hoạt động hết công suất. Bệnh viện lớn nhất cả nước tại thủ đô Suva trong tuần này thông báo nhà xác đã kín chỗ, kêu gọi gia đình nạn nhân Covid-19 đến đưa xác người thân về.
Thủ tướng hiện phản đối lời kêu gọi phong tỏa toàn quốc với lo ngại tác động kinh tế, cùng với sự thiếu khả thi khi áp đặt lệnh này tại những khu dân cư đông đúc.
Thay vào đó, chính phủ sẽ áp dụng phong tỏa cục bộ tại các điểm nóng dịch bệnh, bao gồm thủ đô Suva, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng.
Trong khi mới chỉ có hơn 36,5% dân số được tiêm mũi đầu tiên, quốc gia này đang gặp vấn đề trong quá trình chủng ngừa bởi một số tin tức sai lệch trên truyền thông về tác dụng phụ của vaccine.