Vấn nạn "review", tóm tắt phim trên TikTok còn chưa hạ nhiệt, điện ảnh Việt tiếp tục đối mặt với câu chuyện nan giải hơn khi nhiều bộ phim đang chiếu ngoài rạp bị một số chủ tài khoản TikTok quay lén, đăng tải tràn lan trên mạng xã hội.
Gần nhất, hai phim Việt chiếu dịp Tết là Chị chị em em 2 và Nhà bà Nữ trở thành nạn nhân của các TikToker nói trên. Đáng chú ý, bộ phim của Vũ Ngọc Đãng gần như bị quay lén nguyên tác phẩm và đăng tải trên nền tảng mạng xã hội này khi vừa ra mắt một ngày.
Giới làm phim, khán giả trong nước lo ngại khi vấn nạn này bùng lên, trở thành mối đe dọa cho điện ảnh nội địa. Trao đổi với Zing, luật sư cho biết việc quay lén, phát tán phim Việt trên mạng xã hội là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Căn cứ vào mức độ hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 15 đến 35 triệu đồng.
Khó xác định thiệt hại doanh thu khi phim bị leak
Nhà sản xuất Will Vũ cho biết bộ phim Chị chị em em 2 bị quay lén và leak (rò rỉ) trên mạng xã hội từ ngày mùng 1 Tết. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra vào ban đêm, đến sáng mùng 2, ê-kíp mới phát hiện và kịp thời triển khai nhanh một số biện pháp để xử lý.
"Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố đối với phim điện ảnh, nhưng tôi cảm thấy thất vọng vì ý thức của một bộ phận nhỏ những người đi xem phim. Họ đã khiến những công sức của cả trăm người gần như đổ sông đổ bể chỉ thông qua một vài sở thích cá nhân như thế", Will Vũ nói với Zing.
Chị chị em em 2 bị leak nhiều đoạn phim trên mạng xã hội. |
Nhà sản xuất cho biết khó xác định mức độ thiệt hại về doanh thu ở một con số cụ thể. Nhưng những đoạn phim đã bị leak đều là các phân đoạn quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ mạch câu chuyện và tác động tới cảm quan của khán giả.
"Tôi chắc chắn việc này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm thưởng thức của người xem phim. Từ đó dẫn đến những truyền miệng không tốt về bộ phim, và việc lựa chọn Chị chị em em 2 cho dịp lễ để xem sẽ đâu đó bị cân nhắc lại", nhà sản xuất bày tỏ.
Nhà sản xuất Chị chị em em 2 cho biết đang phối hợp với những bên liên quan để xử lý triệt để tình trạng leak phim, yêu cầu các chủ tài khoản TikTok gỡ bỏ theo quy định bản quyền. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía TikTok Việt Nam vẫn chưa phản hồi về sự việc với đoàn phim.
Trước những ý kiến cho rằng Chị chị em em 2 lấy vấn đề kể trên để PR cho phim, nhà sản xuất phủ nhận.
"Chúng tôi không dại dột đi chiêu trò trên sản phẩm của mình một cách không hoàn hảo như thế. Bởi bản phim leak là bản phim quay lén bằng điện thoại, chỉ thoả mãn sự tò mò về nội dung phim, không giúp người xem mãn nhãn từ âm thanh, hình ảnh, câu chuyện hay khóc cười với diễn viên ở rạp. Không ai chọn cách phương án tệ như vậy để PR cho phim", anh phản hồi.
Thực trạng phim chiếu rạp Việt bị quay lén, phát tán tràn lan trên mạng xã hội khiến giới làm phim bức xúc.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: "Quay lén, phát tán phim chiếu rạp lên mạng xã hội là hành vi bẩn thỉu và vi phạm pháp luật. Việc này không chỉ tổn hại đến doanh thu mà còn giết chết giá trị nghệ thuật của bộ phim. TikTok Việt Nam cũng không thể giúp chúng tôi giải quyết triệt để. Những lời kêu gọi xem phim có ý thức và văn minh hầu như không có tác dụng. Trong khi thiệt hại của các nhà làm phim có thể lên tới vài chục, vài trăm tỷ đồng. Tôi hoàn toàn bất lực".
Đạo diễn Quang Dũng chia sẻ anh cảm thấy đau lòng khi đến năm 2023, tình trạng khán giả leak phim chiếu rạp ra ngoài vẫn tồn tại. Nam đạo diễn đồng cảm với chia sẻ của Vũ Ngọc Đãng và hy vọng vấn nạn này được giải quyết triệt để.
Người quay lén, phát tán phim có thể bị xử phạt 35 triệu đồng
Trước Chị chị em em 2, một số phim điện ảnh Việt, có thể kể đến như Cô Ba Sài Gòn, Em chưa 18, Chạy đi rồi tính, Tấm Cám: Chuyện chưa kể... từng bị khán giả livestream, quay lén và đăng tải trên mạng xã hội.
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc một bộ phim đang chiếu rạp, bị leak ra ngoài có thể dẫn đến nhiều hệ quả. Khán giả sẽ mất đi hứng thú, động lực để mua vé ra rạp xem phim khi gần như đã nắm trong tay đầy đủ nội dung tác phẩm.
Ngoài ra, tính bất ngờ là một trong những yếu tố rất quan trọng khi trải nghiệm điện ảnh, nên việc spoil (tiết lộ tình tiết đắt giá của phim - PV) luôn được nhà làm phim hạn chế.
Luật sư cho biết quay lén, leak phim lên mạng xã hội là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. |
Ảnh hưởng lớn nhất và gây thiệt hại trực tiếp cho ê-kíp là doanh thu. Chưa kể, những đoạn leak ngắn và bình luận tiêu cực có thể khiến khán giả hiểu không đầy đủ và hiểu sai về bộ phim dẫn đến nguy cơ tẩy chay tác phẩm.
Theo luật sư, việc đo lường thiệt hại về mặt con số doanh thu phim trong trường hợp này không đơn giản. Nhà sản xuất chỉ có thể xác định thiệt hại một cách tương đối thông qua thực hiện các khảo sát và điều tra.
"Hiện nay các thiết bị công nghệ rất tinh vi nên việc ngăn chặn hành vi quay lén là khó khăn và hầu như là không thể. Các nhà rạp cũng khó có thể thực hiện các biện pháp quá chặt chẽ như kiểm tra người xem hay bắt bỏ các thiết bị công nghệ ra ngoài trước khi vào rạp, vì như vậy có thể gây mất khách và giảm khả năng cạnh tranh. Theo tôi, việc tốt nhất mà họ có thể làm là nhanh chóng yêu cầu sự can thiệp của cơ quan nhà nước để xử lý vi phạm và nhanh chóng gỡ bỏ các clip bị leak khỏi mạng xã hội", luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương trao đổi.
Ngoài ra, nhà sản xuất phim cũng có thể chủ động làm việc trực tiếp với nhà cung cấp mạng xã hội (TikTok, YouTube, Facebook…) để yêu cầu họ tạm khóa hoặc xóa các tài khoản vi phạm.
Thông thường, các nền tảng mạng xã hội này đều quy định rõ trong các điều khoản và điều kiện của mình về việc cấm vi phạm bản quyền. Bất kỳ ai đăng ký tài khoản đều phải đồng ý với các điều khoản và điều kiện đó. Do vậy, các nền tảng mạng xã hội hoàn toàn có quyền chủ động khóa, thậm chí là xóa các tài khoản vi phạm.
Theo luật sư, quay lén, leak phim lên mạng xã hội là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Người thực hiện hành vi tùy mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử phạt hành chính, căn cứ vào Điều 27, Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 35 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ bản ghi âm, ghi hình khỏi môi trường mạng.
Về xử lý hình sự, theo Điều 255 Bộ luật hình sự 2015, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Tuy nhiên, để xử lý hình sự, phải đáp ứng điều kiện là xâm phạm quyền tác giả "với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng".
"Tại Việt Nam, ý thức tôn trọng bản quyền vẫn còn rất thấp. Việc sao chép, đánh cắp, chia sẻ sản phẩm/quyền tác giả của người khác mà chưa xin phép vẫn chưa bị lên án mạnh mẽ trong xã hội. Do đó ngoài các công cụ pháp luật để ngăn chặn và răn đe, việc giáo dục tuyên truyền tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Nếu được như vậy, tôi cho rằng các hành vi quay lén và leak phim cũng như các hành vi vi phạm quyền tác giả nói chung sẽ được giảm thiểu đáng kể, tạo động lực cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo nội dung", luật sư nói thêm.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.