Khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại sáng 22/12/2024, hàng chục nghìn người đã đổ về ga ngầm Bến Thành, nơi diễn ra lễ công bố chính thức và cũng là nhà ga trung tâm kết nối 4 tuyến metro trong tương lai của TP.HCM.
Đây có lẽ cũng là kỳ vọng của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khi định hướng phát triển khu vực trước chợ Bến Thành (quận 1) thành một không gian tương tự Quảng trường Thời đại New York (Mỹ).
Khu vực này sẽ không chỉ diễn ra các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội... trọng điểm của TP, mà còn gắn kết chặt chẽ với ga ngầm metro Bến Thành để tạo nên một hình ảnh mới mẻ, đặc sắc cho TP.HCM - đô thị toàn cầu của tương lai.
Người dân đổ về ga metro Bến Thành sáng 22/12/2024 chào đón công trình giao thông được kỳ vọng của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Động lực từ quảng trường gắn với metro
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết Quảng trường Thời đại ở New York, Quảng trường Trocadéro ở Paris, hay Quảng trường Shibuya ở Tokyo là những minh chứng rõ nhất cho tiềm năng phát triển kinh tế của mô hình quảng trường gắn với metro.
New York từng chi 250 triệu USD để nâng cấp các dịch vụ giao thông công cộng vào năm 2023. Nay khu vực Quảng trường Thời đại kết nối trực tiếp với 11 tuyến metro, các tuyến xe buýt, cùng hệ thống taxi và những dịch vụ di chuyển khác của thành phố này.
Với quy hoạch đồng bộ và bài bản, khu vực này chỉ chiếm 0,1% tổng diện tích đất của New York nhưng tạo ra 10% việc làm và 15% sản lượng kinh tế cho cả thành phố.
Nơi đây tập trung gần 2,9 triệu m2 diện tích văn phòng, trong đó có sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới - Nasdaq, tòa soạn The New York Times, trụ sở Morgan Stanley, Coca Cola, Disney, Spotify..., bên cạnh hơn 19.000 phòng khách sạn để phục vụ khách du lịch và công tác.
Tiềm năng kinh tế kéo theo sự gia tăng giá trị các tài sản bất động sản trong khu vực. Bà Trang Bùi cho biết với sự phát triển của mô hình quảng trường cùng metro, các tài sản quanh Quảng trường Thời đại New York đã tăng hơn 30% giá trị trong vòng 5 năm sau khi cải tạo.
Những tài sản này, theo bà Trang, không đơn thuần là bất động sản nhà ở, mà còn là các dự án khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, thậm chí là các nhóm chuyên dụng như trung tâm y tế, trung tâm giáo dục.
Tại Tokyo, mỗi khi một tuyến metro mới đi vào khai thác, các khu vực trước đây được coi là ngoại ô đột nhiên trở thành trung tâm của sự phát triển, bởi sự tiện lợi của metro đã tái định hình vị thế của khu vực, tích hợp vào lõi đô thị và nâng tầm trên thị trường bất động sản của thành phố.
Quảng trường Thời đại ở New York với quy hoạch bài bản, là minh chứng rõ nhất cho tiềm năng phát triển kinh tế của mô hình quảng trường gắn với metro. Ảnh: Brittany Petronella. |
Với ý tưởng mới của TP.HCM, bà Trang Bùi cho rằng đây là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh. Trong khi chợ Bến Thành sở hữu vị trí đắc địa ngay trung tâm quận 1, ga ngầm metro Bến Thành cũng được quy hoạch là nhà ga trung tâm của 4 tuyến đường sắt đô thị, giúp kết nối các khu vực quan trọng của TP.HCM một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Việc phát triển quảng trường gắn với metro sẽ càng thu hút thêm nhiều người dân sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ và du lịch, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm mới.
Chỉ riêng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sau hơn một tuần khai thác đã đón hơn 1,1 triệu lượt khách, gần gấp 4 lần kế hoạch ban đầu của TP. Trong đó, ngày thấp nhất có khoảng 39.000 lượt khách, còn ngày cao điểm vượt mốc 200.000 lượt người.
Hiện tại, nhà ga chưa được khai thác các dịch vụ tiện ích để phục vụ người dân, tuy nhiên các mặt bằng nhà phố quanh ga như trên đường Lê Lợi đã chứng kiến sự trở lại của nhiều thương hiệu F&B, cửa hàng tiện lợi...
"Khu vực quảng trường trung tâm và chợ Bến Thành, với sự kết nối metro, sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Điều này sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, tăng cường doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương và góp phần vào sự phát triển kinh tế của TP", bà nêu ý kiến.
Ngoài ra, việc phát triển các dịch vụ và tiện ích xung quanh khu vực này, như nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm và các khu vui chơi giải trí, sẽ tạo ra một không gian sống động và sôi động, thu hút cả người dân địa phương và du khách.
Phát triển các dự án quanh chợ Bến Thành
Hiện tại, bà Trang Bùi đánh giá các tài sản bất động sản như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng quanh khu vực chợ Bến Thành đang có giá trị cao và thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả hơn, TP.HCM có thể xem xét quy hoạch lại và tái cấu trúc các khu vực này để tối ưu hóa không gian và tăng cường tiện ích, đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua những chính sách hỗ trợ và ưu đãi.
Điều quan trọng hơn hết là việc mở rộng quỹ đất dành cho thương mại dịch vụ tại khu vực này, cũng như việc tháo gỡ những nút thắt về các vấn đề pháp lý.
TP.HCM nên tạo điều kiện tái khởi động các dự án quanh chợ Bến Thành, cũng như mặt bằng nhà phố cho thuê trong khu vực để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cùng quan điểm, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM nên tận dụng sự quan tâm của người dân đối với tuyến metro số 1 và ga ngầm Bến Thành để khai thác hiệu quả hơn các tuyến đường xung quanh chợ Bến Thành.
"Đặc biệt là đường Lê Lợi đoạn đến Nhà hát Thành phố, nên được tạo điều kiện để hoạt động sầm uất trở lại, trở thành khu vực dịch vụ, thương mại sôi động như trước đây", TS Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị.
Đồng thời, dự án tháp đôi ở khu vực tứ giác Bến Thành (tên thương mại là Saigon Glory) cũng nên được tạo điều kiện để tiếp tục xây dựng. Siêu dự án này vốn dĩ được quy hoạch thành 2 tòa tháp cao 55 và 48 tầng, bao gồm khối đế bán lẻ cùng tổ hợp khách sạn, văn phòng hạng A và căn hộ hạng sang.
Nơi đây (quảng trường trước chợ Bến Thành - PV) sẽ trở thành khu vực sầm uất, đông đúc, hấp dẫn nhất của TP.HCM - một siêu đô thị 10 triệu dân của châu Á
Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
"Nếu quy hoạch tốt để khai thác đồng bộ, tận dụng được toàn bộ tiềm năng, nơi đây sẽ trở thành khu vực sầm uất, đông đúc, hấp dẫn nhất của TP.HCM - một siêu đô thị 10 triệu dân của châu Á", TS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh
Theo ông Sơn, sau quy hoạch, khu vực quảng trường trước chợ Bến Thành nên là nơi diễn ra các sự kiện lớn của TP.HCM cũng như Việt Nam. Điều này có thể giúp quảng trường trở thành khu trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính sôi động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế TP.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.