Đây là thông tin nằm trong báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 11/4.
Với 72,95 điểm trên thang 100, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh năm thứ 6 liên tiếp. Theo khảo sát đối với các doanh nghiệp, tỉnh này tiếp tục ghi điểm nhờ những sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
Trong khảo sát PCI 2022, 93% ý kiến đánh giá “cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.
Đặc biệt, 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt”.
Top 10 PCI 2022 | ||||||||||||
Dữ liệu: Báo cáo PCI 2022 | ||||||||||||
Nhãn | Quảng Ninh | Bắc Giang | Hải Phòng | Bà Rịa - Vũng Tàu | Đồng Tháp | TT-Huế | Bắc Ninh | Vĩnh Phúc | Đà Nẵng | Long An | ||
điểm | 72.95 | 72.8 | 70.76 | 70.26 | 69.68 | 69.36 | 69.08 | 68.91 | 68.52 | 68.45 | 0 |
Đáng chú ý, Bắc Giang lần đầu đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng sau khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Tỉnh này đạt 72,8 điểm trên thang điểm 100 trong PCI năm ngoái.
Các doanh nghiệp đánh giá cao địa phương này nhờ những hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Bắc Giang cũng ghi điểm ở chỉ số tính minh bạch (góp 6,3 điểm) và thiết chế pháp lý (8,6 điểm).
Đứng thứ 3 là Hải Phòng với 70,76 điểm, tụt một bậc so với năm 2021. 89% doanh nghiệp tại thành phố đánh giá "UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh". 92% doanh nghiệp cho biết "những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh".
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu lọt vào top 5 với 70,26 điểm, đứng ở vị trí thứ 4. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011.
Bà Rịa - Vũng Tàu được ghi nhận với nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao.
Đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành kinh tế.
Điểm số PCI theo thời gian của Bắc Giang | ||||||||
Dữ liệu: Báo cáo PCI 2022 | ||||||||
Nhãn | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
điểm | 58.2 | 62.2 | 63.01 | 64.47 | 63.98 | 64.74 | 72.8 |
Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế (6), Bắc Ninh (7), Vĩnh Phúc (8), Đà Nẵng (9) và Long An (10).
Hà Nội đứng thứ 20, TP.HCM đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng PCI 2022. Cả 2 đều bị hạ bậc so với PCI 2021, khi Hà Nội đứng thứ 10 và TP.HCM ở vị trí 14/63.
Đây cũng là lần xếp hạng thấp nhất của hà Nội kể từ năm 2015 (đứng thứ 24), với điểm số thấp nhất kể từ năm 2018. So với năm ngoái, Hà Nội bị giảm điểm trong chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm từ 7,39 xuống 6,24); tính năng động (từ 7,74 xuống 7,49); chi phí thời gian (từ 8,52 xuống 7,89); gia nhập thị trường (từ 7,98 xuống 7,16)...
Năm nay cũng ghi nhận điểm số PCI thấp nhất của TP.HCM kể từ năm 2016. So với năm 2021, chỉ số về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố giảm từ 8,54 điểm xuống 7,04 điểm.
Điểm số CPI theo giời gian của Hà Nội và TP.HCM | ||||||
Dữ liệu: Báo cáo CPI 2022 | ||||||
Nhãn | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
Hà Nội | điểm | 65.4 | 68.8 | 66.93 | 68.6 | 66.74 |
TP.HCM | 65.34 | 67.16 | 65.7 | 67.5 | 65.86 |
Đối với nhóm địa phương có điểm thấp, Cao Bằng tiếp tục ở vị trí thấp nhất, đứng thứ 63 nếu xếp hạng, với 59,58 điểm; Điện Biên đứng thứ 62, đạt 59,85 điểm và Bạc Liêu xếp vị trí 61, 60,36 điểm.
Theo VCCI, điều tra PCI năm 2022 các doanh nghiệp trong và nước ngoài tiếp tục có sự trải nghiệm tích cực về thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của các chính quyền địa phương Việt Nam.
Bối cảnh kinh tế khó khăn cũng được phản ánh rõ trong điều tra PCI 2022 khi mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn còn thấp, cảm nhận về cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại, bản thân các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn từ vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi bộ máy chính quyền cấp cơ sở.
Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...