Bức tượng dự kiến cao khoảng 19 m và được hoàn thành trong năm 2022. Đây sẽ là bức tượng Phật bằng cẩm thạch lớn nhất thế giới, Nikkei Asia ngày 11/5 đưa tin.
Bức tượng được hợp thành từ nhiều phần đá cẩm thạch nhỏ hơn đã được chạm khắc sẵn. Chúng sẽ được vận chuyển từ mỏ đá ở Mandalay tới thủ đô Naypyitaw để lắp ráp.
Hồi cuối tháng 4, Thống tướng Min Aung Hlaing - chỉ huy quân đội Myanmar - đã tham dự một buổi lễ khởi công bức tượng.
Quân đội Myanmar đang xây tượng Phật bằng cẩm thạch lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Tham dự buổi lễ cùng Thống tướng Min Aung Hlaing còn có các tướng lĩnh và thành viên khác của Hội đồng Hành chính nhà nước, cơ quan cấp cao nhất của quân đội.
Truyền thông nhà nước do quân đội kiểm soát cho biết tượng Phật sẽ là nơi để người dân cầu khấn cho hòa bình và ổn định đất nước.
"Dưới chế độ quân sự thiết lập năm 1988, các lãnh đạo quân đội cũng từng đẩy mạnh xây dựng đền chùa và tặng cho các nhà sư có tiếng nói", Yoshihiro Nakanishi, chuyên gia về Myanmar từ Đại học Kyoto, cho biết.
Việc xây dựng tượng Phật khổng lồ, trong bối cảnh nền kinh tế Myanmar lao dốc, được cho là động thái của quân đội nhằm xoa dịu người dân và lấy lòng Phật tử.
Khoảng 90% dân số Myanmar là người theo đạo Phật. Hôm 2/2, tức một ngày sau cuộc binh biến, Thống tướng Min Aung Hlaing đã tới chào xã giao một nhà sư nổi tiếng ở Naypyitaw.
Sau vụ chính biến ngày 1/2, Thống tướng Min Aung Hlaing tuyên bố các ngôi chùa sẽ mở cửa trở lại cho người dân tới cầu khấn, đồng thời dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế đề phòng dịch bệnh.
Hơn 700 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối binh biến nổ ra. 250.000 người Myanmar đã mất nơi ở, trong khi nhiều lãnh đạo dân cử bị quản thúc tại gia hoặc phải đi trốn.