Sau 21 tháng làm bartender ở Australia, Nguyễn Phú Cường (28 tuổi) trở về TP.HCM trên chuyến bay hồi hương vào tháng 8/2020.
Trong khoảng một năm vừa đắn đo vừa rục rịch chuẩn bị, Cường quyết định vận hành quầy bar mơ ước của mình.
“Không thể cứ ngồi chờ mãi đến khi thành phố cho phép kinh doanh quán bar, tôi có kế hoạch hoạt động quán vừa phù hợp với thời điểm hiện tại, vừa mang lại giá trị cho cả bản thân và nhiều người”, Cường chia sẻ.
Quán bar hoạt động giữa giãn cách xã hội
Tận dụng không gian tầng thượng của nhà mình ở quận Bình Tân, Nguyễn Phú Cường đã tự tay xây dựng một quán bar nhỏ, vừa là chủ, vừa là bartender (người pha chế đồ uống có cồn) duy nhất.
Quán bar do Cường tự tay đóng quầy, kệ, bàn ghế và trang trí, với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, gồm hơn 100 chai rượu các loại. Ảnh: NVCC. |
Do khó thuê thợ thi công mùa dịch, đồng thời muốn dành tâm huyết vào “đứa con” này, Cường đã tự tay làm quán. Anh đã kịp dựng một phần quán trước khi có chỉ thị đóng cửa. Thời gian chưa siết chặt giãn cách, anh tiếp tục hoàn thiện.
Quán của Cường dự định đón khách vào khoảng tháng 5. Không may, thành phố chỉ thị ngưng hoạt động toàn bộ cơ sở kinh doanh quán bar từ ngày 30/4.
Với Phú Cường, quán bar mở ra vì mục đích kinh doanh chỉ là một phần. Song quan trọng hơn việc bán rượu, anh muốn gửi gắm kiến thức và giá trị tinh thần vào từng ly cocktail đến người thưởng thức.
Với lý do đó, chàng bartender này quyết định thực hiện chuỗi video 365 ngày pha chế cocktail cùng Jack trên nền tảng YouTube. Đây cũng là công việc khiến quán bar của anh luôn sáng đèn và có tiếng nhạc như được hoạt động bình thường.
Qua mỗi video, Cường sẽ kể câu chuyện xung quanh từng loại cocktail, những kiến thức về các nguyên liệu và rượu, đồng thời chia sẻ trải nghiệm bản thân về quán bar sau 2 năm làm nghề bartender ở nước ngoài.
“Mục đích chính của tôi khi làm chuỗi video này là muốn góp phần hiểu biết nhỏ nhoi của mình để mang văn hóa thưởng thức rượu và cocktail đến gần hơn với mọi người", Cường cho biết.
Không phục vụ khách tại chỗ, những món cocktail vẫn được Cường thực hiện chỉn chu để khán giả "thưởng thức" qua màn hình. Ảnh: NVCC. |
Quầy bar bán "câu chuyện"
Theo chàng bartender, nhu cầu giới trẻ tìm đến quán bar và các thức uống có cồn ngày càng nhiều. Bản thân Cường thời sinh viên cũng tò mò về hình thức giải trí này, muốn tìm hiểu về các loại rượu hay cocktail.
Anh mong muốn qua những video trò chuyện của mình, mọi người không còn rụt rè ngại đến quán bar vì chưa hiểu về rượu, bên cạnh đó còn có thể đọc thực đơn và biết được trong món đồ uống có gì, vị của nó sẽ ra sao.
“Nếu bạn đã có kiến thức cơ bản về rượu hay cocktail, buổi đi bar của bạn sẽ thú vị hơn nhiều. Bạn có thể tự tìm ra loại đồ uống ưa thích, thêm chất xúc tác để trò chuyện với người mình đang hẹn hò, hoặc thể hiện bản thân chút với bạn bè”, Cường dí dỏm lý giải.
Tuy vậy, chuỗi video dạy làm cocktail của Cường nhận khá nhiều ý kiến trái chiều. Có người nói việc hướng dẫn pha chế trên mạng bị coi là lấn sân hoạt động của các cơ sở dạy nghề.
“Tôi nghĩ việc tôi làm hiện tại là cách truyền cảm hứng và kiến thức cho mọi người, từ đó người ta sẽ hứng thú và tự tin hơn khi đến quán bar. Còn nói về làm nghề, ai muốn theo thì vẫn phải tận tay học và thực hành bài bản, chứ không thể qua những video trên mạng mà biết được”, anh nêu quan điểm.
Không phải khách, chiếc điện thoại là thứ "ngồi" trước quầy bar mà Cường trò chuyện cùng trong thời gian qua. Ảnh: Ý Linh. |
Chính vì mục đích bán câu chuyện, ông chủ trẻ chưa vội kinh doanh dù đã có chỉ thị mới cho quán bar ở TP.HCM được bán mang đi.
“Khách đến quán bar ngoài thức uống còn là vì không gian, âm thanh, ánh sáng, cũng là nơi giải trí, hẹn hò. Vả lại, mỗi loại cocktail được trình bày và đựng trong loại ly khác nhau, nếu bán mang về để trong chai, coi như mất một phần linh hồn của đồ uống”, chàng bartender bày tỏ.
Gia đình ủng hộ
Thùy Trân (28 tuổi) là vợ và cũng là người đồng hành cùng Phú Cường suốt 9 năm. Về việc mở quán bar giữa mùa dịch, cô ủng hộ và hỗ trợ Cường trong thời gian qua.
Cách đây vài năm, Trân từng đắn đo về nghề bartender của chồng mình, thường bị định kiến là công việc không ổn định. Song thay vì lo lắng, cô tìm hiểu và chia sẻ với Cường về định hướng của anh.
Theo Cường chia sẻ với vợ, việc mở quán bar riêng là để hoạt động theo mục đích của mình như anh nói ở trên. Có thể quán nhỏ doanh thu không cao như các quán bar dịch vụ khác, nhưng sẽ mang lại những giá trị nhất định.
Hiểu suy nghĩ của chồng và cảm thấy bản thân có khả năng sát cánh cùng anh, Thùy Trân cho biết cô sẵn sàng bắt tay vào bất cứ việc gì có thể. Với khả năng hội họa tốt, cô vợ cùng tuổi giúp Cường đưa những ý tưởng lên bản vẽ để dễ dàng thiết kế, thi công.
Về vấn đề tài chính, hiện hai vợ chồng đang có nguồn thu nhập từ việc kinh doanh thức ăn, đồ dùng cho thú cưng. Và khoản tiết kiệm sau 2 năm Cường làm việc ở nước ngoài, sau khi xây dựng quán, đến nay cũng đủ trang trải sinh hoạt.
Nguyễn Phú Cường và đồng nghiệp ở quán bar bên Australia. Ảnh: NVCC. |
“Tôi mong quán bar nhỏ của mình sớm được khai trương, đón khách ngồi lại để cùng nhau trò chuyện. Với khách nào mà cũng nói chuyện thế này, bartender vẫn không được trả tiền thêm, nhưng khách sẽ có được cảm giác ‘chiều chuộng’ khi đến quán”, Phú Cường nói.
Quán bar của Cường sẽ phục vụ bạn bè hay những khách muốn không gian riêng bao trọn quán, như nhóm bạn, cặp đôi. Nếu tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng, sau này chàng bartender 28 tuổi dự định mở quán gần trung tâm thành phố hơn, nhưng vẫn với mô hình riêng tư và quy mô như hiện tại.