Trao đổi với VietNamNet, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) cho biết, trong hôm nay, lực lượng chức năng đã di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của lũ sông Hồng ở phường Phúc Xá đến nơi an toàn.
Người dân ở phường Phúc Xá được di dời đến nơi an toàn để tránh lũ sông Hồng. Ảnh: Nam Chiến. |
Cụ thể, lực lượng chức năng của quận Ba Đình đã tổ chức di dời 276 hộ dân, với 1.059 nhân khẩu đến tòa nhà 67 Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch) trước khi mực nước sông Hồng lên cao.
“Đến 22h ngày 10/9, sở chỉ huy tiền phương của quận Ba Đình và các lực lượng của phường Phúc Xá đã di dời dân ở 6 điểm có nguy cơ ngập úng đến nơi an toàn”, ông Tạ Nam Chiến cho biết.
Cũng trong hôm nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã di dời 270 hộ dân thuộc 2 phường Chương Dương và Phúc Tân đến nơi an toàn.
“Trong đó, phường Chương Dương di dời 176 hộ, phường Phúc Tân di dời 98 hộ”, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết.
Trong ngày 10/9, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã lệnh báo động 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Đến khoảng 23h ngày 10/9, mực nước sông Hồng vẫn tiếp tục dâng cao, nhiều địa bàn của TP Hà Nội đã lên phương án di dời các hộ dân ở ven đê đến nơi an toàn.
Trong chiều nay, khi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai hiện tại cần được xem như hoạt động phòng thủ dân sự chính thức.
Người dân ngõ 823 Hồng Hà (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm) hối hả chạy đồ đạc khi nước sông Hồng tràn vào. Ảnh: Quang Phong. |
Do đó, cần huy động tổng lực các lực lượng của quận Bắc Từ Liêm cũng như các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; tổ chức phân công cụ thể nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; bảo đảm hậu cần, huy động phương tiện, vật lực xử lý kịp thời các tình huống.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu nơi nào cần di chuyển người dân thì phải di chuyển triệt để cả người và tài sản; chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống, nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân.
“Quyết tâm không để xảy ra thiệt hại cho người dân, sau đó cố gắng bảo vệ an toàn tài sản, an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.