Từ trên máy bay hạ cánh xuống Doha, hành khách có thể nhìn thấy sân vận động 80.000 chỗ giữa sa mạc, được xây dựng phục vụ World Cup vào tháng 12. Họ cũng có thể nhìn thấy một hình ảnh đặc biệt khác: Các tàu chở dầu xếp hàng trong Vịnh Ba Tư để thu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Bóng đá và nhiên liệu có thể không có điểm chung, nhưng Qatar đang kết hợp chúng với nhau để tạo sức ảnh hưởng toàn cầu. Nếu World Cup thể hiện sự uy tín tầm quốc tế, thì với khí đốt, Qatar đang là nhà cung cấp được khao khát nhất, hứa hẹn sẽ trở thành ông lớn trong lĩnh vực này.
Giá dầu tăng cao do xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy các nhà sản xuất dầu Trung Đông như Saudi Arabia và Kuwait tăng trưởng doanh thu. Nhưng lợi thế tài chính và địa chính trị của Qatar khiến nước này trở thành người dẫn đầu, sau khi châu Âu ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga.
Các quan chức cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) đã đến Doha với một thông điệp mạnh mẽ: "Chúng tôi cần khí đốt của bạn càng nhanh càng tốt". Đức đã yêu cầu các doanh nghiệp đàm phán hợp đồng cung ứng. Tình trạng khẩn cấp trở nên trầm trọng hơn trong tuần này sau khi Nga cắt nguồn cung cho Ba Lan và Bulgaria.
Thời cơ tới cho Qatar
Qatar hưởng lợi khi giá khí đốt và dầu mỏ tăng cao. Đồ họa: Bloomberg. |
Theo tính toán của Bloomberg, lượng xuất khẩu năng lượng của Qatar đã đạt 100 tỷ USD trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2014 dựa vào xu hướng từ quý đầu tiên.
Điều đó cho phép họ đầu tư nhiều hơn trên thị trường chứng khoán toàn cầu và theo đuổi các chính sách đối ngoại của mình, chủ yếu thông qua quỹ đầu tư quốc gia trị giá 450 tỷ USD.
Sự kêu gọi của châu Âu đối với LNG diễn ra sau khi Qatar bắt đầu dự án trị giá 30 tỷ USD để thúc đẩy xuất khẩu nhiên liệu lên 60% vào năm 2027. Nhu cầu tăng thêm đồng nghĩa với tăng cạnh tranh người mua trong các hợp đồng dài hạn sẽ là điều khiện thuận lợi cho Qatar. Hiện tại, Qatar đang đánh tiếng với khách hàng về một cuộc mở rộng lớn.
Thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi sản xuất LNG và khí thành chất lỏng, ở phía bắc Doha. Ảnh: Getty. |
Karen Young, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, cho biết: “Đó là một cơ hội lớn. Qatar sẽ là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt quan trọng nhất, một thị trường có lẽ sẽ rất mạnh trong tương lai”.
Thay đổi vận may
Quốc gia có dân số chưa đến 3 triệu người đã có một bước ngoặt lớn. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các đồng minh trong 3 năm qua đã siết chặt Qatar về mặt kinh tế vì họ quá thân thiết với các nhóm Hồi giáo trong khu vực và Iran.
Đại dịch Covid-19 còn khiến giá khí đốt giảm xuống mức thấp kỷ lục, đẩy nhanh xu hướng tất yếu của người tiêu dùng là chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sạch.
Các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích Qatar vì cách đối xử với các công nhân nước ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng vào năm 2020, theo Tổ chức Lao động Quốc tế.
Công nhân làm việc bên ngoài sân vận động Lusail ở Qatar. Ảnh: Getty Images. |
Trước đó, cuộc tẩy chay kinh tế đã kết thúc và giá khí đốt châu Âu gần mức cao nhất mọi thời đại. Giá đã tăng hơn gấp 4 lần trong năm qua, đầu tiên là do nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch và sau đó là do cuộc chiến tranh của Nga và Ukraine.
Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đang được săn đón ở Mỹ cũng như châu Âu. Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng với Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng 1, họ đã thảo luận về “đảm bảo sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu”.
Ông Biden đã chỉ định Qatar là “một đồng minh lớn không thuộc NATO”, vì đã hỗ trợ Mỹ sơ tán khỏi Afghanistan, ưu tiên khí đốt trong các cuộc đàm phán. Điều đó trái ngược với căng thẳng giữa Nhà Trắng với Saudi Arabia và UAE vì 2 nước đã từ chối tăng sản lượng dầu và hạ giá bán.
Nhờ khí đốt, Qatar trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Đồ họa: Bloomberg. |
Qatar đang gặt hái được nhiều lợi ích. Theo Citigroup, nền kinh tế 200 tỷ USD này sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015. GDP sẽ tăng lên gần 80.000 USD, gần với mức ở những nơi như Quần đảo Cayman và Thụy Sĩ.
Theo Ziad Daoud, trưởng ban kinh tế các thị trường mới nổi tại Bloomberg Economics: “Đây là may mắn của Qatar, thời điểm có thể chứng kiến một động lực tăng trưởng mới cho thập kỷ này".
Qatar sẽ đầu tư ra sao?
Câu hỏi đặt ra bây giờ là Qatar sẽ làm gì với sản lượng khai thác LNG. Các tài liệu theo dõi cho thấy họ sẽ không chỉ đi sâu hơn vào thị trường chứng khoán toàn cầu, mà còn thay đổi các chính sách đối ngoại - điều không phải lúc nào cũng làm vui lòng các đồng minh của họ ở Mỹ và châu Âu.
Phần lớn số tiền sẽ được sử dụng để hỗ trợ quỹ đầu tư quốc gia của Qatar. Điều đó sẽ cho phép Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) nhanh chóng đẩy mạnh cổ phiếu công nghệ.
Dàn khoan ngoài khơi QatarGas ở Vịnh Ba Tư. Ảnh: Getty Images. |
Qatar cũng có thể sử dụng quỹ này để tiếp tục thực hiện các mục tiêu trong khu vực. Tháng trước, chính phủ đã cam kết đầu tư 5 tỷ USD vào Ai Cập, quốc gia bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng sau chiến tranh Ukraine.
Các khoản đầu tư trước đây liên quan đến chính sách đối ngoại không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. QIA đã đưa hàng tỷ USD vào các tài sản của Nga, bao gồm cả công ty dầu khí nhà nước Rosneft. Giá trị của những khoản đó giờ đã hạ xuống.
Qatar hỗ trợ cho Ai Cập 8 tỷ USD sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011, khi Tổ chức Anh em Hồi giáo điều hành chính phủ. Sự hậu thuẫn này bị các quốc gia vùng Vịnh chỉ trích, khiến Qatar bị tẩy chay nhiều năm sau đó.
Qatar cũng đầu tư vào Gaza sau khi Hamas, tổ chức bị Mỹ chỉ định là một tổ chức khủng bố, tiếp quản. Nước này cũng ủng hộ phong trào ở Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
"Qatar là một nhân tố thú vị trong khu vực, nhưng đi kèm với nhiều rủi ro", bà Young nói thêm.
Đi chậm mà chắc
Trữ lượng của Qatar này chủ yếu ở North Field, một giàn khoan khổng lồ ngoài khơi mở rộng đến vùng biển Iran mà Shell đã phát hiện ra vào năm 1971 nhưng đã sớm từ bỏ nó. Khí đốt không nhiều giá trị, nhất là khi nó ở quá xa, không tiện phân phối đến các thị trường lớn.
Vào những năm 1990, tình hình tài chính của Qatar rơi vào tình trạng căng thẳng do sản lượng và giá dầu giảm. Abdullah Bin Hamad Al Attiyah, Bộ trưởng Năng lượng vào thời điểm đó, tin rằng khí đốt là tương lai.
Tiêu thụ ngày càng tăng và các kỹ sư đã giảm chi phí sản xuất LNG, nhờ đó nhiên liệu được nén và làm mát xuống -161°C, đủ điều kiện để vận chuyển khắp thế giới. Đến năm 2012, quốc gia này đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới nhờ nhu cầu ở Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, châu Âu là một thị trường khó khăn với sự cạnh tranh từ Nga.
Khí đốt đã biến Qatar thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Đồ họa: Bloomberg. |
Hiện tại, Qatar không kịp sản xuất đáp ứng nhu cầu của châu Âu, nơi lấy khoảng 40% khí đốt từ Nga. Nhà sản xuất quốc doanh Qatar Energy đang vận hết công suất và hơn 80% hàng hóa của họ đến châu Á. Hầu hết hàng được bán theo hợp đồng dài hạn, điều mà Doha sẽ không từ bỏ để chuyển nguồn cung sang châu Âu.
Tuy nhiên, lợi nhuận trong tương lai là rõ ràng. Morgan Stanley kỳ vọng sự xoay chuyển của châu Âu sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ LNG toàn cầu tăng 60% vào năm 2030. Goldman Sachs dự báo giá khí đốt giao ngay ở châu Á và châu Âu sẽ cao tới 25 USD/triệu Btu trong ít nhất năm sau. Đó là gấp hơn sáu lần giá hòa vốn cho dự án mở rộng của Qatar. Các ngân hàng Mỹ cũng lạc quan về dầu.
EU đã bắt tay vào một chiến lược đa hướng để tiếp nhận thêm nhiều LNG và khí đốt từ bên ngoài Nga. Đức đã cam kết xây dựng các trạm nhập khẩu LNG đầu tiên, Estonia cũng đang xem xét các cơ sở mới.