Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị Nga cắt khí đốt, Ba Lan và Bulgaria ứng phó thế nào?

Tâm lý lo ngại gia tăng ở một số quốc gia châu Âu, nhưng chính phủ hai nước Ba Lan và Bulgaria khẳng định việc đơn phương cắt khí đốt của Moscow sẽ không gây ra xáo trộn lớn.

Sau khi Moscow khóa van cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, tâm lý lo ngại bắt đầu dâng lên tại một số nước Liên minh châu Âu (EU) về một kịch bản tương tự sẽ lặp lại ở quốc gia của họ. Một số nước bắt đầu phải cân nhắc cách thức thanh toán tiền mua khí đốt cho Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt.

Nhưng ngay tại Ba Lan và Bulgaria, những nước từng phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, hành động đơn phương của Gazprom đã không thể gây ra bất cứ sự hoảng loạn hay gián đoạn nào, theo New York Times.

Ba Lan và Bulgaria vẫn ổn dù không có khí đốt Nga?

Những ngày này, thủ đô Warsaw của Ba Lan đang trải qua thời gian mùa xuân nắng ấm. Trước thông tin Gazprom đột ngột khóa van hôm 27/4, khiến Ba Lan mất đi gần 50% nguồn cung khí đốt, nhiều người Ba Lan chỉ đơn giản là nhún vai.

Các hợp đồng mua bán nhiên liệu giữa Nga và châu Âu đều quy định đồng tiền thanh toán là euro hoặc USD. Việc Moscow yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp bị EU coi là vi phạm thỏa thuận hợp đồng.

Một số người hiển nhiên tỏ ra lo ngại với viễn cảnh giá cả nhiên liệu sẽ tăng cao. Nhưng với Arkadeusz Pawlowski, một người làm vườn ở Warsaw, hành động đơn phương của Moscow gây tổn hại cho Nga nhiều hơn là cho Ba Lan.

Ba Lan sử dụng khí đốt chủ yếu để nấu ăn và sưởi ấm, trong khi điện sản xuất từ than. Chính phủ Ba Lan bảo đảm với người dân rằng các bồn dự trữ khí đốt của nước này đã được lấp đầy ở mức 75%, cao hơn nhiều so với các nước láng giềng. "Trên khía cạnh cung cấp năng lượng và hoạt động công nghiệp, Ba Lan hoàn toàn ổn".

Nga tan cong Ukraine anh 1

Gazprom đã đơn phương chấm dứt cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Ảnh: AFP.

Pawel Wiejski, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, cho biết việc Gazprom đơn phương vi phạm hợp đồng cung cấp khí đốt thực tế có lợi cho Ba Lan, thúc đẩy nước này đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu như Na Uy, Bắc Mỹ.

Tại Bulgaria, khí đốt nhập khẩu chủ yếu sử dụng để sưởi ấm. Lúc này, nhiệt độ đang vào khoảng 20 độ C, vì thế việc Gazprom cắt nguồn cung khí đốt sẽ không tạo ra vấn đề lớn. Bộ trưởng Năng lượng Alexander Nikolov hôm 27/4 khẳng định nước này có đủ khí đốt để cầm cự trong khi tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov gọi việc cắt nguồn cung khí đốt là "hành vi tống tiền", đồng thời cảnh báo các nước châu Âu khác có thể là nạn nhân tiếp theo.

Quyết định đơn phương của Moscow dường như càng thổi bùng sự ủng hộ của người dân Bulgaria với Ukraine. Trước đó, Bulgaria là một trong số ít quốc gia EU hạn chế viện trợ quân sự cho Kyiv.

Phản ứng của châu Âu

Trước khi Moscow ra lệnh cắt khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, EU đã công bố hướng dẫn giúp các nước thành viên thanh toán khí đốt cho Gazprom mà không vi phạm lệnh cấm vận.

Theo đó, các nước có thể tạo tài khoản ở ngân hàng Gazprombank của Nga hiện chưa bị trừng phạt. Tiền thanh toán khí đốt bằng đồng euro có thể được chuyển vào tài khoản này. Gazprombank sau đó sẽ đổi số tiền sang đồng rúp và thanh toán cho Gazprom.

Cách làm trên sẽ giúp các nước châu Âu không vi phạm lệnh trừng phạt, đồng thời lách được yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Điện Kremlin. Tuy nhiên, Ba Lan và Bulgaria từ chối cách làm này nhằm thể hiện sự phản đối với Nga.

Cả hai nước vẫn tiếp tục thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Gazprom như cách thức đã thỏa thuận từ trước. Số tiền sau đó bị trả lại và Gazprom cắt đứt nguồn cung.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ hỗ trợ Ba Lan, Bulgaria tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế. Bà Von der Leyen khẳng định "kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu đang đi đến hồi kết".

Nga tan cong Ukraine anh 2

Berlin giảm nhiệt độ hồ bơi ngoài trời để cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Ảnh: AFP.

Dù ủng hộ chính sách của EU, nhiều nước châu Âu vẫn muốn kiểm soát lộ trình đoạn tuyệt với năng lượng Nga theo thời gian biểu mà họ chọn.

Để tránh rơi vào hoàn cảnh của Ba Lan và Bulgaria, Hungary cho biết nước này đã lập tài khoản ở Gazprombank và ủy quyền cho ngân hàng Nga chuyển đổi tiền mua khí đốt từ euro sang rúp.

Đức là một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất ý tưởng cấm vận dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu của Nga. Khí đốt từ Nga chiếm 55% lượng tiêu thụ của Đức trong năm 2021. Khả năng Berlin dừng phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ không thể thành hiện thực cho tới giữa năm 2024, theo Guardian.

Trong động thái nhằm hạn chế tiêu thụ năng lượng, Berlin quyết định giảm nhiệt độ các hồ bơi ngoài trời vốn được sưởi ấm bằng khí đốt thấp hơn 2 độ C so với năm ngoái.

"Chúng tôi muốn đóng góp vào nỗ lực giảm nhập khẩu khí đốt", công ty vận hành hồ bởi lớn nhất châu Âu Berliner Bader-Betriebe cho biết.

Các chuyên gia nhận định việc Nga cắt khí đốt bán cho Ba Lan và Bulgaria là động thái cho thấy Moscow dường như đã chuẩn bị để trừng phạt thêm các nước EU khác từ chối thanh toán bằng đồng rúp, bất chấp chính Nga sẽ hứng chịu thiệt hại kinh tế nặng nề, theo NPR.

"Nga muốn chứng tỏ họ sẵn sàng dừng cung cấp khí đốt nếu khách hàng không trả tiền theo phương thức mới. Đây là phát súng cảnh cáo cho các nước nhập khẩu lớn ở Tây Âu", James Waddell, Giám đốc công ty năng lượng Energy Aspects, nhận xét.

Một nguồn tin từ Gazprom tiết lộ ít nhất 4 nước châu Âu đã đồng ý thanh toán tiền mua khí đốt của Nga theo cách thức mà EU hướng dẫn, Bloomberg cho biết.

Video tàu ngầm Nga phóng tên lửa Kalibr tấn công mục tiêu ở Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/4 công bố video tàu ngầm thuộc Hạm đội biển Đen đã phóng tên lửa hành trình Kalibr để tấn công một cơ sở quân sự của quân đội Ukraine.

Sau khi Nga cắt khí đốt, nhiều ánh mắt ở châu Âu hướng vào Ba Lan

Bộ trưởng phụ trách an ninh năng lượng Ba Lan dành nhiều thập kỷ để lên kế hoạch thoát phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. Song kế hoạch này được dự đoán sẽ gặp nhiều thách thức.

Nga cắt khí đốt, Ba Lan và Bulgaria có lựa chọn nào thay thế?

Nga ngừng đáp ứng khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria giữa lúc hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Moscow đang tìm thêm lựa chọn thay thế để đối phó với tình hình mới.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm