Cuộc họp báo bắt đầu lúc 9h GMT (16h giờ Hà Nội). Theo RT, 1.392 phóng viên trong nước và quốc tế tham dự. Tổng thống Putin mở đầu cuộc họp báo với câu hỏi về tình hình kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Lãnh đạo Nga nói giá dầu đã giảm mạnh và nước Nga cần tính toán lại các kế hoạch về vấn đề này.
Ông Putin cho hay: “Dù GDP giảm 3,5%, thu nhập thực của người dân chỉ giảm hơn 5%. Hiện tại, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhẹ”.
Trong khi trả lời phóng viên, Tổng thống Putin ho khá nhiều. Đây là thời điểm lạnh trong năm ở Nga. Ông cho biết Nga đã vượt qua đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế và đang ổn định trở lại. Ông dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng 0,7% vào năm tới.
"Những điều đen tối của năm 2014 giờ đây có dấu hiệu khởi sắc", Putin nói. Ông cũng cho biết chính phủ đã phải tính toán lại ngân sách hai lần và bây giờ thậm chí còn rất lạc quan với kế hoạch sản xuất dầu với giá 50 USD.
Không kỳ vọng nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Trả lời câu hỏi tiếp theo về vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện tại, ông Putin nhận định, vụ bắn rơi máy bay Nga do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện là hành động thù địch.
"Nhiều người đã chết. Không có tai nạn nào hết. Họ đã cố gắng che đậy sự thật", tổng thống Nga khẳng định.
Ông cho biết đã rất giận dữ khi Ankara liên lạc với Brussels, chứ không phải Nga, khi máy bay bị bắn rơi. "Nếu đó chỉ là một vụ tai nạn, Thổ Nhĩ Kỳ hãy nhấc điện thoại lên và giải thích, thay vì cầu viện NATO để che đậy sự việc", ông nói.
"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ chối hợp tác với chúng tôi. Không ai cảnh báo với chúng tôi về người Turk. Chúng tôi chưa có hệ thống phòng không vào lúc đó nhưng giờ thì đã có S-400", Putin cho hay.
Tổng thống Nga khẳng định, ông không kỳ vọng về khả năng phục hồi mối quan hệ giữa Moscow và Ankara ở mức cao nhất sau vụ bắn rơi Su-24. Tuy nhiên, ông khẳng định, tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ là việc của các lãnh đạo, không phải vấn đề liên quan đến người dân.
Nói về mối quan hệ giữa Nga và tổng thống tiếp theo của Mỹ, ông Putin cho biết sẵn sàng hợp tác với tổng thống tiếp theo về các vấn đề chung. "Chúng tôi chưa bao giờ cố gắng cô lập chính mình”, tổng thống Nga nói.
Ông chủ Điện Kremlin nói cuộc hội đàm giữa ông và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi đầu tuần đã cho thấy Washington sẵn sàng “hướng tới việc ổn định các vấn đề thông qua nỗ lực chung”.
Ông Putin cũng hoan nghênh mong muốn thắt chặt mối quan hệ với Nga của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong lần hiếm hoi trả lời về đời sống riêng, tổng thống Nga cho biết rất tự hào về hai cô con gái. "Tôi rất tự hào về các con gái của mình. Chúng nói được ba thứ tiếng và đều sử dụng trong công việc", ông nói và nhấn mạnh rằng các cô con gái chưa từng được coi là "ngôi sao", cũng không liên quan đến kinh doanh hay chính trị. Hai con gái của Putin đều học ở Nga, sống tại đây và chưa từng sống ở nước ngoài.
Trong buổi họp báo, một nữ phóng viên khen ngợi thể hình của tổng thống Nga và nói rằng đây có thể là hình mẫu cho các chàng trai. Trước lời khen ngợi, Putin nói đùa rằng ông không sử dụng doping để có được hình thể khỏe mạnh.
1.392 nhà báo trong nước và quốc tế tham dự cuộc họp báo marathon của tổng thống Nga năm 2015. Ảnh: Guardian |
Không nước nào có quyền áp đặt lãnh đạo cho Syria
Trả lời câu hỏi của một số nhà báo về số phận Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Putin nói ông không đồng tình việc các lực lượng bên ngoài quyết định số phận của Syria.
"Không ai có quyền áp đặt nhà lãnh đạo của một quốc gia. Điều đó chỉ được thực hiện theo quyết định của người dân Syria. Nhưng chúng tôi ủng hộ sáng kiến của Mỹ về nghị quyết của Liên Hợp Quốc (để chấm dứt cuộc chiến tại Syria). Điều này cho thấy Mỹ và EU liên quan tới những gì đang diễn ra ở Trung Đông", ông khẳng định.
Về cơ bản, Nga không có kế hoạch ở Syria và không cần một căn cứ quân sự thường trực ở nước này. "Tôi không chắc chúng ta cần một căn cứ quân sự ở Syria vì các tên lửa hành trình của Nga có thể cho phép Moscow nhắm đến mục tiêu ở tầm xa. Tên lửa Kalibr và X-101 có tầm bắn lần lượt là 1.500 km và 4.500 km", ông Putin nói khi đề cập tới việc có nên duy trì căn cứ ở Latakia sau khi chiến dịch dội bom IS kết thúc hay không.
Putin nói rằng Nga đã phần nào thành công trong việc thống nhất chính phủ Syria và lực lượng đối lập trong cuộc chiến chống lại IS. Nga sẽ tiếp tục các cuộc không kích ở Syria nếu quân đội Syria không dừng các hoạt động quân sự.
"Thỏa hiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria có thể được đưa ra, nhưng cả hai bên đều cần nhượng bộ. Tương lai của Tổng thống Assad đang nằm trong tay của người Syria. Kế hoạch của Nga trong vấn đề Syria trùng với một số trọng điểm của Mỹ", người đứng đầu nước Nga nói.
Putin khẳng định hoạt động của Không quân Nga ở Syria “không là gánh nặng cho ngân sách”. Một số quỹ phân bổ cho hoạt động đào tạo quân được chuyển cho việc hỗ trợ các lực lượng đặc nhiệm ở Syria. “Đây là cách đào tạo tốt nhất”, ông Putin nhấn mạnh.
Lực lượng quân sự Nga hiện diện ở đông Ukraine
Ông Putin từng nhiều lần bác bỏ thông tin về can thiệp quân sự trong xung đột Ukraine, dù nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Tuy nhiên, trong buổi họp báo hôm nay, Tổng thống Nga lần đầu thừa nhận sự hiện diện của chuyên gia quân sự Nga tại khu vực miền đông Ukraine.
Khi một phóng viên Ukraine hỏi về hai sĩ quan tình báo quân sự của Moscow bị Kiev bắt giữ, Putin nói: "Chúng tôi chưa bao giờ nói là không có người thực hiện các nhiệm vụ nhất định, bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự", nhưng nhấn mạnh trường hợp này không giống các binh lính quân đội Nga thông thường.
Về mối quan hệ kinh tế với Ukraine, lãnh đạo Nga nói: “Thật đáng tiếc, chúng tôi đoán quan hệ kinh tế với Ukraine sẽ xấu đi từ tháng 1/2016. Chúng tôi sẽ phải ra quyết định không làm ăn với Ukraine trong vai trò là một thành viên của khu vực thương mại tự do CIS”, ông Putin nói. Theo ông chủ Điện Kremlin, Nga sẽ không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nhằm vào Ukraine bởi Kiev sẽ không còn đặc quyền tại CIS.
Tại cuộc họp báo, ông Putin cho biết quyết định hủy bỏ các chuyến du lịch từ Nga đến Ai Cập không mang tính chính trị, nó liên quan đến nhiều vấn đề an ninh. Khi chắc chắn về sự an toàn, chúng tôi sẽ nới lỏng hạn chế", Putin nói và cho rằng hiện nay Ai Cập không thể đối phó với các mối đe dọa khủng bố.
"Về liên minh chống IS của Saudi Arabia, chúng tôi không nghĩ rằng nó nhằm đối đầu với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước duy nhất trong đó và chắc chắn liên minh không phải là kẻ thù của chúng tôi", ông Putin nói.
Trước khi rời buổi họp báo, Putin kêu gọi đẩy mạnh các nỗ lực toàn cầu để chống khủng bố, đồng thời nói thêm rằng Nga sẵn sàng hợp tác với Saudi Arabia dù hai bên có nhiều quan điểm khác biệt trong cuộc khủng hoảng Syria. Cuộc họp báo kết thúc sau 3 tiếng 10 phút.
Ông Putin trong cuộc họp báo hôm nay. Ảnh: RT |
Cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh nước Nga đã “vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”. Ông chủ Điện Kremlin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đều khẳng định như vậy trong thông điệp Liên bang ngày 3/12. Trong bài thông điệp, ông Putin thừa nhận những khó khăn mà nền kinh tế Nga đang đối mặt nhưng cũng khẳng định nước này đang trải qua những thay đổi tích cực về sản xuất công nghiệp và đồng nội tệ đang đi vào ổn định.
Trước khi cuộc họp báo thường niên diễn ra, hãng Itar-Tass dự đoán, xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quanh vụ Ankara bắn rơi cường kích Su-24 ở khu vực biên giới Syria sẽ là chủ đề chính. Nga nhiều lần nhấn mạnh, họ sẽ “không thể bỏ qua việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khủng bố” – điều Ankara một mực bác bỏ.
Phát biểu trước sự kiện, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov không tiết lộ các câu hỏi mà báo giới đã chuẩn bị và cho biết chúng sẽ khó khiến tổng thống Nga bất ngờ.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời các chuyên gia chính trị nhận định ông Putin sẽ không né tránh những câu hỏi "khó chịu".
Đây là cuộc họp báo thường niên lần thứ 11 của Putin ở cương vị tổng thống Nga. Cuộc họp báo marathon thường niên thường kéo dài khoảng vài giờ. Cuộc họp báo kỷ lục diễn ra năm 2008, khi ông Putin trả lời 106 câu hỏi trong 4 giờ 40 phút.
Trong sự kiện năm ngoái, người đứng đầu Điện Kremlin đã trả lời 53 câu hỏi của phóng viên trong 3 giờ 10 phút, về các chủ đề liên quan đến nền kinh tế, khủng hoảng Ukraine, quan hệ với phương Tây, các biện pháp trừng phạt Nga...