Tổng thống Putin bắt đầu bài nói của ông lúc 12h01 theo giờ Moscow (16h01 theo giờ Hà Nội). Ông gửi lời chào tới những người tới tham dự.
Những người được mời tới nghe thông điệp liên bang gồm thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Duma Quốc gia Nga, thành viên chính phủ và các quan chức cấp cao khác. Lãnh đạo các cơ quan truyền thông lớn của Nga cũng được phép tham dự.
Căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
Liên quan tới những căng thẳng gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ, Reuters dẫn lời ông chủ Điện Kremlin khẳng định không thể cho qua "việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khủng bố", điều mà Ankara một mực bác bỏ.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được bỏ qua sau vụ bắn rơi máy bay Nga với chỉ một lệnh cấm vận đơn thuần. Chúng ta sẽ tiếp tục nhắc nhở họ về những gì họ đã làm. Chúng ta sẽ không tha thứ cho hành động đâm sau lưng của Ankara cũng như mối quan hệ của họ với khủng bố", RT trích lời ông Putin.
Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo giới chức Thổ Nhĩ kỳ về những biện pháp trả đũa của Nga sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi, đồng thời lên án đây là tội ác chiến tranh.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định nước này không muốn đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. "Tuy nhiên, nếu ai đó nghĩ rằng gây ra một tội ác chiến tranh tồi tệ như việc này, khiến người dân của chúng ta thiệt mạng, mà họ có thể né tránh hay chỉ gặp phải những phản ứng chỉ trong một số lĩnh vực, thì họ đã vô cùng nhầm lẫn", Reuters dẫn lời ông Putin. Tổng thống Nga khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hối tiếc vì hành động bắn rơi máy bay Nga "nhiều hơn một lần".
Quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng sau vụ Ankara điều chiến đấu cơ F-16 bắn rơi máy bay Su-26 của Moscow với lý do vi phạm không phận. Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc xâm phạm không phận và tuyên bố việc Su-24 bị bắn rơi “như cú đâm sau lưng và được thực hiện bởi những kẻ đồng lõa với khủng bố.
Ngày 28/11, Tổng thống Putin ký sắc lệnh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Ankara. Phản ứng trước thái độ quyết liệt từ Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng Moscow là kẻ vu khống khi cáo buộc Ankara đồng lõa với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời kiên quyết không xin lỗi về hành động bắn rơi chiến đấu cơ.
Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang ngày 3/12. Ảnh: Getty |
Cuộc chiến chống khủng bố
Tổng thống Nga và những người tham dự buổi lễ dành 1 phút mặc niệm cho những quân nhân Nga hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Tổng thống Putin bắt đầu thông điệp liên bang bằng việc bày tỏ lòng biết ơn tới những binh sĩ Nga đang tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Ông cho rằng các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu khiến các quốc gia trở nên cởi mở hơn. Tình hình hỗn loạn ở Trung Đông là nguyên nhân của sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố cực đoan.
Tổng thống Putin khẳng định chủ nghĩa khủng bố đe dọa nước Nga và người dân Nga, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người. Đó là lý do Moscow cần phát động cuộc chiến chống khủng bố. Ngoài ra, Afghanistan, Syria, Iraq và Libya đang là tâm điểm hỗn loạn của thế giới. Một quốc gia không thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Thế giới cần hợp sức lại để chống lại mối nguy này.
“Cuộc chiến chống khủng bố sẽ không thành công với sự tham gia của một quốc gia, đặc biệt là khi biên giới giữa các nước đang mở”, RT dẫn lời Tổng thống Putin nhấn mạnh sự kết hợp giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống lại khủng bố toàn cầu.
Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tạo ra một mặt trận chống khủng bố chung, hoạt động theo luật pháp quốc tế và dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Putin thừa nhận việc có công dân Nga và các nước từng thuộc Liên Xô cũ đang chiến đấu cho IS. “Chúng đang nhận tiền, vũ khí và tập hợp lực lượng. Nếu chúng trở nên mạnh hơn và giành chiến thắng, chúng sẽ đến đây để gieo sự sợ hãi, hận thù và giết chóc”, ông nói.
Các lãnh đạo chính phủ và quốc hội Nga chăm chú lắng nghe bài phát biểu.: RT |
Kinh tế Nga phải tránh việc dễ bị tổn thương
Về vấn đề kinh tế, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chúng ta không thể ngồi và chờ cho giá dầu tăng trở lại. Bây giờ là cơ hội của chúng ta đạt được đột phá về kinh tế”.
Tổng thống Putin cũng nhắc đến những khó khăn mà nền kinh tế Nga đang đối mặt. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin nhận định những điều đó không còn quá quan trọng. Tỷ giá hối đoái của đồng ruble đã ổn định. Tuy nhiên, Moscow cần xét đến những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu để giúp kinh tế Nga không dễ bị tổn thương, Sputnik dẫn nhận định của Putin.
Tổng thống Nga cũng đề cập tới những ưu tiên về kinh tế, trong đó số 1 là sản xuất các sản phẩm cạnh tranh. Thứ 2 là tái thiết các ngành công nghiệp đang bị đe dọa thông qua các chương trình trợ cấp. Thứ 3 là cân bằng ngân sách, khiến thâm hụt không được cao hơn 3%. Thứ 4 là tăng cường tin tưởng giữa doanh nghiệp và chính phủ.
Ông Putin cũng đề xuất việc tăng cường sản xuất để tạo ra các mặt hàng thay thế nhập khẩu. Ngoài ra, Nga cần hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tổng thống Nga gửi lời cám ơn tới ngành công nghiệp của đất nước. “Hiện nay, chúng ta là một trong những nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu. Chúng ta cần khai thác hơn nữa diện tích đất chưa được sử dụng và thu hồi những mảnh đất hoang. Cần có những điều luật mới để hỗ trợ lĩnh vực này”, ông Putin nhận định.
Về đầu tư nước ngoài, Nga hoan nghênh sự tham gia của các nguồn lực bên ngoài nền kinh tế Nga. Moscow đánh giá cao những nước đến với thị trường Nga bất chấp thời gian dài thách thức và việc đầu tư vào trái phiếu “không nên bị đánh thuế” để khuyến khích đầu tư tư nhân.
Về hợp tác kinh tế mới, Nga hoan nghênh hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là các dự án con đường tơ lụa mới. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng sự hợp tác này cần bình đẳng và tương thích với lợi ích của nhau.
Các vấn đề khác
Tổng thống Nga Putin đề cập tới thành tựu trong vấn đề sức khỏe, trong đó mục tiêu lớn nhất là tăng tuổi thọ trung bình thêm 5 năm. Hiện tại, tuổi thọ trung bình của người Nga là 71. Ngoài ra, số lượng lớn các ca phẫu thuật công nghệ cao cũng được thực hiện ở Nga. Moscow muốn tạo ra quỹ liên bang đặc biệt trong hệ thống bảo hiểm để hỗ trợ các ca phẫu thuật dạng này. Ngoài ra, Nga cũng cần đẩy mạnh việc bảo trì cơ sở hạ tầng y tế.
Ngoài ra, Nga cũng đề cập tới việc gia tăng vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Trẻ em Nga cần được hưởng những cơ hội giáo dục tốt nhất, giúp chúng có thể thành công về sau. Nga cũng tuyên bố chi 50 tỷ ruble từ ngân quỹ liên bang để đầu tư cho các trường học vào năm tới.
Tổng thống Putin nhắc lại việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga trong năm 2014. Theo ông chủ Điện Kremlin, vụ việc là thông điệp mà Nga muốn gửi tới thế giới rằng họ là một quốc gia hùng mạnh, đoàn kết bởi một mục tiêu chung.
“Sức mạnh của chúng ta là đoàn kết và quyền lực của chúng ta cũng từ sự đoàn kết. Nếu chúng ta chia rẽ, chúng ta sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức. Nga là một phần của thế giới đang thay đổi. Chúng ta sẽ đối mặt với các thách thức và chúng ta sẽ làm việc chăm chỉ vì những mục tiêu chung và chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng”, Tổng thống Putin kết thúc thông điệp liên bang 2015.