Bình luận
Con người khác với máy móc và siêu nhân ở chỗ họ có cảm xúc. Thậm chí, đó là rất nhiều cảm xúc khi bước vào một sự kiện lớn trong đời.
Với Djokovic, nếu thắng trận chung kết US Open 2021 sáng 13/9 (giờ Hà Nội), anh sẽ đi vào lịch sử như tay vợt đầu tiên kể từ năm 1969 vô địch cả 4 giải Grand Slam trong năm, đồng thời vượt qua Roger Federer và Rafael Nadal về số chiếc cúp Grand Slam cất trong phòng khách.
Djokovic không còn đường tháo lui
Cảm xúc là từ khóa quan trọng nhất trong trận đấu này. Làm sao đừng để cảm xúc lấn át là điều quan trọng nhất đối với mọi nhà vô địch. Nhưng Djokovic bị nó lấn át hoàn toàn.
Anh không chống chọi được sự lấn át đó giữa hơn 20.000 khán giả, trong đó có những ngôi sao hạng A như Brad Pitt, Bradley Cooper, Leonardo DiCaprio, Ben Stiller, Alec Baldwin, Spike Lee, cả Maria Sharapova và Andy Roddick. Những người kể trên mang theo sự kỳ vọng được nhìn thấy cuộc hẹn hò với lịch sử của Djokovic.
Một lúc, Nole phải chống đỡ với nhiều thế lực. Đó là đám đông, sự kỳ vọng, cái tôi của mình và đối thủ rất mạnh phía đầu sân bên kia.
Nó biến cảm xúc của Djokovic thành một thứ tiêu cực. Đó là sự sợ hãi. Khi sự sợ hãi được kích hoạt giữa các neuron thần kinh, con người ta thường có hai lựa chọn “fight or flight” (tam dịch: phản ứng hay chạy trốn).
Ở đây, Nole không trốn chạy được đi đâu. Vậy là anh chỉ có chiến đấu, trong tuyệt vọng.
Sự bất an của Djokovic thể hiện ngay ở game đầu tiên trong trận, và anh bị bẻ game giao bóng. Set đầu là một festival (lễ hội) thu nhỏ của các big server (chuyên gia giao bóng). Medvedev có đến 8 cú ace trong set này, để làm chủ toàn bộ tình hình.
Tay vợt người Nga không bắt đầu trận đấu mãnh liệt như khi hai người gặp nhau ở trận chung kết Australian Open hồi đầu năm. Nhưng anh làm vừa đủ để không cho Djokovic đến gần điểm break-point nào.
Đó là phong độ giao bóng mà bất kỳ tay vợt nào cũng muốn có trong một trận đấu lớn. Tỷ số 6-4 trong set đầu nghiêng về Medvedev.
Novak Djokovic nhận thất bại trong trận chung kết US Open 2021. Anh không thể hoàn tất mục tiêu giành 4 Grand Slam trong năm dương lịch. Ảnh: Reuters. |
Medvedev liều lĩnh đến ngoạn mục
Djokovic cố gắng đè nén cảm xúc khi bắt đầu set thứ hai. Gương mặt anh có vẻ bình thản, nhưng chỉ là sự giả vờ. Ngôn ngữ trên cơ thể phản bội Nole, nó tố cáo rằng anh đang rất căng thẳng.
Medvedev bắt đầu có sự khinh suất trong game giao bóng, để thua 0-40, nhưng cuối cùng vẫn xoay xở, để gỡ lại bằng 5 điểm thắng liên tiếp. Djokovic "ngửi" thấy được cơ hội quay lại trận đấu, nhưng không tận dụng được.
Game thứ tư trong set hai, thêm lần nữa, Djokovic "ngửi" thấy các cơ hội. Nhưng lại thêm một lần anh vồ hụt.
Và Nole trút sự giận dữ này lên cây vợt tội nghiệp. Đôi khi, các ngôi sao đập gãy vợt không phải vì họ giận dữ quá mức. Mà họ đập vợt có chủ ý, để cho hơi ứ đang dồn ở phần thượng tiêu được thoát ra ngoài.
Nhưng cách “xả xú páp” của Djokovic hôm nay không có tác dụng. Một cú đánh sát lưới của anh đưa bóng đi lên trời, khiến bản thân bị bẻ game giao bóng nữa trong set thứ hai. Một thất bại lờ mờ hiện ra với Nole.
Bên kia lưới, có thể nhận ra Medvedev không hề gặp bất kỳ sức ép nào. Sự tự tin của tay vợt người Nga rỉ ứa ra từng chuyển động cơ thể. Các đầu khớp của ngôi sao này hoàn toàn lỏng, đầu vợt hoàn toàn thoát.
Các cú đánh của Medvedev sắc ngọt như kiểu một lưỡi dao đưa xuống chém bùn. Đôi khi, anh còn tự tin đến mức liều lĩnh, thậm chí đó là liều lĩnh đến mức ngoạn mục.
Anh đánh những cú ở góc khó tin, khiến người xem phải bật nảy người lên “Wow”, theo ý nghĩa “làm sao lại liều lĩnh đến mức đó được?”. Người ta nói đùa Medvedev mang phong cách quá phong lưu.
Hầu như các cú thuận tay thường của Medvedev đều ở mức "flat" (bóng ít xoáy) đến khó tin. Đã lâu lắm người hâm mộ mới thấy một tay vợt đánh bóng ít top-spin (đánh xoáy) như thế.
Tay vợt người Nga càng sử dụng những cú đánh "flat", bóng đi ngoạn mục hơn, không khác một dòng điện xẹt qua, khiến tất cả ngỡ ngàng.
Sau mỗi điểm thắng, Medvedev giơ tay đấm lên trời, giống như kiểu của Roger Federer. Hành động ấy làm người ta gợi nhớ đến "Tàu tốc hành" đã từng thua hai trận bán kết rất đau đớn trước Djokovic, cũng trên sân Arthur Ashe này ở các giải đấu 2010 và 2011. Federer thua hai trận đó đều sau 5 set, và bị lội ngược dòng.
Nhưng Medvedev hôm nay không chịu đau đớn như Federer. Cách đây hơn ba tháng ở Paris (Pháp), Djokovic để thua hai set trước Stefanos Tsitsipas nhưng lội ngược dòng thành công. Còn hôm nay, sau khi thua hai set, không mấy người tin anh lặp lại được điều đó. Đó là vì Medvedev quá thăng hoa.
Djokovic không thắng được cảm xúc, trong trận đấu mà tất cả tin rằng anh sẽ làm nên lịch sử. Ảnh: Reuters. |
Người tù trong chiếc lồng vàng cảm xúc
Medvedev thắng 4-0 rồi 5-1 ở set ba. Lẽ ra anh có thể kết thúc một đêm hoàn hảo nếu đóng sập trận đấu khi có match-point ở tỷ số 5-2. Nhưng các cú double-fault (lỗi kép) liên tiếp khiến chai champagne ăn mừng chiến thắng phải tạm để lạnh thêm.
Cả Medvedev cũng bị cảm xúc lấn át khi bước vào những điểm quan trọng. Nhưng may chỉ là một cuộc khủng hoảng nhỏ. Djokovic bẻ lại được một game giao bóng của đối thủ, nhưng lúc đó anh cũng hiểu rằng quá muộn để xây dựng lại tòa lâu đài từ đống gạch vụn.
6-4, 6-4, 6-4, một tỷ số êm ả, không gợi lên sự kịch tính nào, mà lẽ ra nó phải nên có ở trận đấu được chờ đợi nhất trong năm này. Djokovic thua một cách rất "bình thường". Anh thất bại bởi cảm xúc bị cầm tù.
Huyền thoại Rod Laver được mời đến với dự tính trao cúp cho Djokovic, nhưng kế hoạch được đổi phút cuối. Thay vào đó là Stan Smith, người vô địch US Open 1971, cách đây đúng 50 năm. Thành tựu vô địch cả 4 giải Grand Slam đơn nam trong năm của Laver năm 1962 và 1969 vẫn chỉ ghi danh một mình Laver.
“Cuối cùng, Novak Djokovic cũng chỉ là một con người”. Khi nói câu này, người ta gián tiếp thừa nhận anh là siêu nhân trước đó. Nole không là lịch sử, nhưng anh là người đến gần lịch sử nhất. Một thất bại không làm mờ vầng hào quang của tay vợt người Serbia.