Trong sự nghiệp quân sự lâu năm của mình, Qassem Suleimani đã để lại Trung Đông đầy rẫy xác chết. Giờ đây, ông trở thành một trong số xác chết đó.
Cái chết của vị tướng Iran khép lại một chương khủng khiếp trong cuộc xung đột vô tận ở khu vực, chỉ để mở ra chương khác nhiều khả năng còn tồi tệ hơn.
TT Trump bốc đồng, không tính tới hậu quả
"Hành động của ông Trump vô cùng liều lĩnh, một bước phiêu lưu mạo hiểm gần như chắc chắn sẽ đẩy cao căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran cũng như khiến quan hệ Mỹ - Iraq gặp thử thách", ông Nguyễn Quang Khai, cựu đại sứ Việt Nam tại Iran, Iraq, chuyên gia hàng đầu về Trung Đông, nói với Zing.vn.
"Như nhiều lần trước đây, có lẽ ông Trump đã bốc đồng, hành động mà không tính đến hậu quả".
Không ai có thể dự đoán chuyện này sẽ đi đến đâu, nhất là hai nhân vật chính hàng đầu. Không có gì trong các hành động của ông Donald Trump ở Trung Đông đến nay cho thấy vụ ám sát Soleimani bằng máy bay không người lái bên ngoài sân bay Baghdad là điều nằm trong kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng.
Về phần mình, giới lãnh đạo ở Tehran rõ ràng đã bị sốc trước sự leo thang kịch tích của ông Trump. Họ đưa ra những tuyên bố "trả thù" mạnh mẽ nhất ngay sau vụ việc.
Tướng Soleimani (phải) và Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei trong một buổi lễ tôn giáo ở Tehran năm 2015. Ảnh: AP. |
Bình luận trên mạng xã hội, ông Nguyễn Hồng Thạch, cựu đại sứ Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, nói quyết định tấn công của Tổng thống Trump "là khá vội vàng nếu không nói là thiếu cẩn trọng", nếu đặt các sự kiện bên cạnh nhau.
"Mỹ tuyên bố diệt tướng Soleimani để ngăn chặn cuộc tấn công được lên kế hoạch nhằm vào các lợi ích Mỹ. Cuộc tấn công đấy là cuộc tấn công nào chưa ai được biết, ngay cả quốc hội Mỹ", ông nói, lưu ý rằng Mỹ đã nhiều lần đưa ra lý do "rởm" cho các cuộc chiến trước đây.
"Hậu quả của nó là nhãn tiền. Người Mỹ được lệnh sơ tán khỏi Iraq và sẽ không chỉ Iraq. Căng thẳng sẽ bùng lên bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu", ông nhìn nhận, nhấn mạnh hành động của Mỹ là "mối đe dọa với hòa bình".
Không ai nắm chắc tương lai
Sáu năm trước, Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran. Họ cũng đã có với ông Soleimani thỏa thuận bất thành văn về việc không tấn công lẫn nhau trong cuộc chiến đấu chung chống IS tại Syria và Iraq.
Với việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và sự sụp đổ của IS, thì chính Soleimani lại nổi lên như là kẻ thù không đội trời chung với Mỹ.
Soleimani lãnh đạo Quds, lực lượng nửa triệu người được xem là quân đoàn hùng mạnh nhất mà Mỹ đối mặt kể từ khi chiến đấu với lực lượng Chí nguyện quân Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên cách đây hơn 60 năm. Tại Iran, vị tướng được xem là người quyền lực thứ 2 sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Trong mắt Mỹ, Soleimani là trùm sò đứng sau mọi cuộc chiến ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông trong một thập kỷ qua, từ Iraq, Syria, Yemen cho đến Lebanon.
Một số chuyên gia đồng ý rằng việc Tổng thống Trump ra lệnh giết Soleimani là hành động mang tính cơ hội, không phải là kế hoạch kỹ lưỡng.
"Ông ta (Soleimani) là mục tiêu mang tính cơ hội", Kirsten Fontenrose, cựu giám đốc cao cấp phụ trách Vùng Vịnh trong Hội đồng An ninh Quốc gia chính quyền Trump, nhận xét. "Khi bạn biết một kẻ siêu xấu sẽ ở một nơi nào đó mà bạn có thể tấn công và bạn biết bạn sẽ không có được cơ hội đó trong năm khác".
Kể từ khi căng thẳng với Iran gia tăng vì Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, ông Trump đã vài lần cân nhắc nhưng cuối cùng lại quyết định không tiến hành hành động quân sự nhằm vào Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida hôm 3/1. Ảnh: AP. |
Thậm chí, trước khi tham dự bữa tiệc mừng năm mới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình, ông Trump đã nói với các phóng viên rằng ông không nghĩ chiến tranh sắp xảy ra và ông muốn hòa bình với Iran. Tuy nhiên, tổng thống cũng nói nếu Mỹ gây chiến với Iran, thì việc này "sẽ không kéo dài quá lâu".
Chưa đầy 48 giờ sau, ông Trump ra lệnh tiêu diệt Soleimani.
Bà Fontenrose, hiện làm cho Hội đồng Đại Tây Dương, dự đoán rằng, trong khi các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq có thể trả đũa ngay lập tức, để trả thù cho một trong những chỉ huy hàng đầu của họ bị giết cùng với Suleimani, Tehran sẽ chờ đợi để chọn thời gian, địa điểm và cách thức trả đũa - và sau đó tổ chức tấn công hết lần này đến lần khác, có thể trong nhiều năm tới.
"Tôi nghĩ họ (Iran) có lẽ sẽ cố đánh Mỹ ở những nơi khác trên thế giới, có thể Tây Phi có thể Mỹ Latin, để gửi đi thông điệp rằng họ có thể tấn công chúng ta bất cứ nơi nào - chúng ta không bao giờ nên cảm thấy an toàn", bà nói.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang nhìn vào một cuộc chiến. Tôi nghĩ chúng ta đang nhìn vào một loạt cuộc tấn công không thể đoán trước toàn bộ, bất cân xứng, nhằm vào các lợi ích của nhau".
Người biểu tình mang hình ảnh tướng Soleimani và Lãnh tụ Tối cao Khamenei trên đường phố Tehran hôm 3/1. Ảnh: AFP/Getty. |
Chuỗi ăn miếng trả miếng còn kéo dài
Chuỗi "ăn miếng trả miếng" mới nhất giữa Mỹ và Iran trong cuộc chiến ủy nhiệm tại Iraq bắt đầu khi các lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite thân Iran tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq. Các cuộc tấn công này không để lại hậu quả đáng kể cho đến khi một nhân viên làm thuê người Mỹ thiệt mạng hôm 27/12.
Mỹ tấn công trả đũa, dẫn đến việc đại sứ quán Mỹ tại Baghdad bị bao vây bởi các nhóm dân quân này, dù sau đó họ tự động giải tán. Sau đó, Mỹ tiến hành vụ "ám sát" tướng Soleimani.
Theo đại sứ Nguyễn Quang Khai, các nhóm dân tiến hành tấn công trong bối cảnh quốc hội Iraq sắp họp để biểu quyết một dự luật yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi Iraq, cũng như mùa bầu cử tổng thống 2020 ở Mỹ đang bước vào giai đoạn tăng tốc.
"Do đó, lực lượng dân quân thân Iran muốn gây sức ép để quốc hội Iraq thông qua dự luật, gây sức ép với các cử tri Mỹ không bỏ phiếu cho ông Trump", ông nói, lưu ý rằng các nhóm dân quân này là lực lượng vũ trang chính quy đứng thứ hai sau quân đội Iraq.
Mỹ đã đưa quân đến đồn trú tại Iraq kể từ sau cuộc chiến lật đổ Saddam Hussein năm 2003, với quân số hiện tại khoảng 5.200 người. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng là huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Lính Mỹ canh gác đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Giống như các nhóm dân quân Shiite, ông Khai cho hay, lực lượng Quds - đội quân viễn chinh tinh nhuệ của Iran mà ông Soleimani lãnh đạo cho đến khi bị giết - cũng được chính quyền Iraq cho phép có mặt ở nước này, nơi có đa số dân theo Hồi giáo Shiite giống Iran.
Ông Khai cho rằng vụ tấn công này, nếu có điểm nào có lợi, sẽ là có lợi cho lực lượng chống Mỹ tại Iraq, đồng thời đặt ra thách thức lớn cho quan hệ giữa hai nước, trong bối cảnh hầu hết phe phái hiện nay tại Iraq đều là thân Iran.
"Tình cảm chống Mỹ tại Iraq đang trỗi dậy rất mạnh, có thể nói là mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất kể từ chiến tranh năm 2003, như vụ tấn công sứ quán Mỹ ở Baghdad vừa rồi cho thấy", ông nói với Zing.vn.
Biểu tình chống Mỹ tại Najaf, Iraq, năm 2010. Ảnh: NYT. |
Dù quân đội Mỹ ở lại hay rút đi, sức mạnh của Mỹ tại Iraq chỉ có thể bị giảm sút.
"Kết quả chắc chắn của cuộc tấn công mà Mỹ tiến hành là thời đại hợp tác giữa Mỹ và Iraq đã kết thúc", Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nói trên Twitter.
"Sau đó, sự hiện diện ngoại giao và quân sự của Mỹ sẽ chấm dứt vì Iraq yêu cầu chúng ta ra đi, hoặc sự hiện diện của chúng ta chỉ là một mục tiêu, hoặc cả hai điều này. Kết quả sẽ là ảnh hưởng lớn hơn của Iran, chủ nghĩa khủng bố và đấu đá ở Iraq".