Hai ông Soleimani và al-Muhandis đều thiệt mạng khi đoàn xe của họ bị drone Mỹ tấn công tại sân bay Baghdad rạng sáng ngày 3/1.
Đoàn đưa tang bắt đầu gần Kadhimiya, quận linh thiêng của người Shi’ite ở thủ đô Baghdad, rồi đi đến khu trụ sở chính phủ và ngoại giao mang tên Vùng Xanh, nơi diễn ra lễ tang cấp nhà nước có sự tham dự của các chức sắc cao cấp.
Tổng cộng, 10 người, bao gồm 5 người Iran, 5 người Iraq, thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ được tiến hành theo lệnh của Tổng thống Trump, theo AFP.
Hàng nghìn người mặc đồ đen tập trung ở thủ đô Baghdad ngày 4/1 cho đám tang các vị chỉ huy Iraq và Iran vừa thiệt mạng. Ảnh: Reuters. |
Các thi thể được đưa tới Kadhimiya trên xe bán tải, trong những chiếc quan tài được phủ lá cờ quốc gia họ.
Đoàn xe tang đi qua một biển người mặc đồ đen đã tới chờ từ trước để tỏ lòng thương tiếc. Nhiều người mang chân dung của Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Trước đó, ngày 3/1, sau vụ không kích, các đám đông người Iraq đã cầu nguyện ở các thánh đường, nhiều người cầm ảnh chân dung các vị chỉ huy thiệt mạng.
CNN mô tả một số nơi, người dân trải thảm đỏ để chờ đợi đoàn xe đi qua. Không khí có phần căng thẳng, nhiều người khóc, trong khi nhiều người hô vang “Cái chết cho nước Mỹ" đầy căm phẫn.
Một số người chống Iran đã ăn mừng cái chết của tướng Soleimani, nhưng “đa phần, cảm xúc của mọi người là sợ hãi”, phóng viên Jomana Karadshed của CNN cho biết.
“Họ rất lo ngại tình hình sẽ đi tới đâu, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Họ lo ngại về tương lai của đất nước”, bà nói.
Đoàn xe đi qua biển người mặc đồ đen ngày 4/1 ở thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: Reuters. |
Có sự căm giận chung trước việc Iraq một lần nữa có thể trở thành “chiến trường cho các ông lớn trong khu vực và quốc tế trả đũa lẫn nhau”, bà Karadshed nói thêm.
Mọi sự chú ý đổ dồn về khả năng Iran sẽ trả đũa, leo thang nguy hiểm, nhưng chính phủ Iraq cũng đang chịu sức ép phải hành động.
Iraq vẫn có thể được coi là đồng minh hay đối tác của cả Mỹ và Iran, vì vậy phản ứng của chính phủ Iraq thế nào cũng bị kẹt giữa hai nước.
“Nhiều người Iraq, nhất là các phiến quân Shi’ite quyền lực do Iran hậu thuẫn, muốn thấy chính phủ của họ đứng lên và cứng rắn với Mỹ, và họ muốn đánh giá lại quan hệ với Mỹ”, phóng viên của CNN bình luận.
Những dân quân Kata’ib Hezbollah thân Iran mang bức chân dung lớn của Tư lệnh Iran Qassem Soleimani, chờ đoàn xe tang đi qua. Ảnh: Reuters. |
Sau đe dọa trả đũa của Iran, Mỹ kêu gọi công dân rời Iraq ngay lập tức. Nhiều công nhân dầu mỏ Mỹ nhanh chóng ra sân bay rời Iraq trong ngày 3/1, chẳng hạn như ở thành phố Basra, theo Reuters. Tuy nhiên ở Baghdad, vài hãng hàng không đã tạm dừng bay đến và đi sau vụ không kích của Mỹ, theo CNN.
Các thi thể người Iran sẽ được đưa lên máy bay trở về nước vào tối 4/1 (giờ Iran), nơi đang có ba ngày quốc tang dành cho tướng Soleimani.
Đám tang của ông sẽ được tổ chức ngày 7/1 ở quê hương tại tỉnh Kerman miền Trung Iran.