Một buổi tối tháng 1/2007, biệt kích Mỹ theo dõi một địch thủ khét tiếng di chuyển cùng đoàn xe từ Iran tới miền Bắc Iraq, đó là thiếu tướng Qassim Soleimani, chỉ huy lực lượng an ninh và tình báo cấp cao của Tehran.
Dù bị theo dõi sát sao, Soleimani vẫn bình yên và đi vào màn đêm sa mạc, khi người Mỹ quyết định không nổ súng.
"Để tránh đối đầu nóng và căng thẳng chính trị khi đó, tôi đã quyết định nên giám sát đường đi của đoàn xe chứ không tấn công ngay", Stanley A. McChrystal, người đứng đầu Bộ chỉ huy hoạt động hỗn hợp (JSOC) của Mỹ, cho biết, theo New York Times.
Nguyên nhân nào cho vụ tấn công?
Sáng ngày 3/1, máy bay không người lái MQ-9 Reaper từ đơn vị từng nằm dưới quyền chỉ huy của tướng McChrystal, dưới lệnh của Tổng thống Trump, đã phóng tên lửa vào đoàn xe chở Soleimani, khi đoàn xe đang rời khỏi sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq.
Hiện chưa rõ vì sao Tổng thống Trump lựa chọn thời điểm hiện tại để tiêu diệt người đứng đầu Lực lượng Quds, sau khi hai tổng thống tiền nhiệm lựa chọn không tiến hành bước đi tương tự, làm dấy lên những lo ngại một cuộc chiến tranh sẽ sớm bùng nổ giữa Iran và Mỹ.
Các chuyên gia về an ninh quốc gia, hay thậm chí một số quan chức Lầu Năm Góc, cho biết không có diễn biến mới trong các hành động của Iran thời gian qua.
Hiện trường vụ không kích khiến tư lệnh Qassim Soleimani thiệt mạng. Ảnh: AP. |
Tướng Soleimani đã bị cáo buộc đứng đằng sau các lực lượng vũ trang người Shiite tấn công công dân và cơ sở Mỹ tại Trung Đông trong hơn một thập kỷ. Washington từ lâu cũng cáo buộc lực lượng Quds tài trợ cho các lực lượng vũ trang tại nhiều quốc gia trong khu vực, như Hezbollah ở Lebanon hay Houthi ở Yemen, tấn công các đồng minh của Mỹ như Israel và Saudi Arabia.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, nhiều lần khẳng định Soleimani đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới nhắm vào lợi ích của Mỹ.
Thế nhưng, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên nói không có gì mới trong các mà lực lượng vũ trang Iran dưới quyền Soleimani đưa ra nhắm vào Washington.
Theo CNN, một số ý kiến chỉ trích cũng cho rằng quyết định không kích tiêu diệt vị tư lệnh Iran được đưa ra nhằm đánh lạc hướng dư luận nước Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Trump đang đối mặt với chiến dịch luận tội, kịch bản từng xảy ra dưới thời Bill Clinton.
Không khó để truy tìm Soleimani
Tối 2/1, khi thời điểm vụ không kích nhắm vào đoàn xe của Soleimani sắp tới, một đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt tại Mỹ lên máy bay di chuyển tới Trung Đông, quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận.
Đây là động thái tăng quân mới nhất của Lầu Năm Góc nhằm bổ sung lực lượng tại Trung Đông. Trước đó, quân đội Mỹ đã triển khai 750 lính dù tới Kuwait, và sẵn sàng đưa thêm 4.000 binh sĩ nữa của Sư đoàn lính dù 82 tới mặt trận.
Truy tìm địa vị trí của Soleimani từ lâu đã là một ưu tiên của cơ quan tình báo Mỹ và Israel, đặc biệt khi tư lệnh Iran có mặt ở Iraq.
Soleimani là một trong những chỉ huy quyền lực nhất của quân đội Iran. Ảnh: AP. |
Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Soleimani thường di chuyển như thể không có mối đe dọa nào hiện hữu, và vị chỉ huy người Iran dường như coi bản thân là nhân vật không thể đụng đến. Một chỉ huy cấp cao của Mỹ xác nhận từng có thời điểm máy bay của Soleimani hạ cánh ngay cạnh một máy bay chiến đấu của Mỹ tại sân bay Erbil, miền Bắc Iraq.
Các chỉ huy và quan chức tình báo Mỹ cho biết cuộc tấn công hôm 3/1 là kết quả sự phối hợp thông tin từ lực lượng gián điệp, can thiệp điện tử, máy bay do thám và nhiều phương tiện giám sát khác nhau.
Chiến dịch tối mật nhằm định vị và không kích Soleimani được triển khai sau cái chết của một nhà thầu quân sự Mỹ ngày 28/12/2019. Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt Mỹ đã dành vài ngày để tìm kiếm cơ hội tiến hành vụ không kích. Chuyến đi của tư lệnh Iran tới thủ đô Baghdad cuối cũng đã được lựa chọn.
Washington dự tính sẽ hủy cuộc tấn công nếu Soleimani gặp gỡ quan chức Iraq ở sân bay thủ đô Baghdad. Tuy nhiên, khi quan chức nước chủ nhà không xuất hiện, vụ tấn công được lên kế hoạch kỹ càng đã được tiến hành.
Đòn đáp trả được chờ đợi
Không giống như George Bush và Barack Obama, Tổng thống Trump quyết định ám sát Soleimani bất chấp những lo ngại về căng thẳng leo thang có thể dẫn tới chiến tranh. Quyết định này của ông Trump nhận được sự ủng hộ của tướng McChrystal.
"Việc nhắm vào Soleimani là cần thiết, xét tới vai trò to lớn của ông ta trong đạo diễn các cuộc tấn công của Iran vào Mỹ và các đồng minh", tướng McChrystal nhận xét.
Tuy nhiên, cựu chỉ huy JSOC cũng cho rằng vụ không kích sẽ gây ra những tác động tới cả khu vực, và chính quyền Iran sẽ buộc phải có những đòn đáp trả trên chiến trường.
"Rất có khả năng sẽ có những cuộc tấn công với mức độ leo thang và chúng ta phải nghĩ tới những bước đi đón đầu nhằm quyết định sẽ đi xa hay sẵn sàng can dự vào xung đột ở mức độ nào", tướng McChrystal nói.
Người biểu tình Iran xé cờ Mỹ sáng 3/1 sau vụ không kích. Ảnh: AP. |
Các quan chức Mỹ hoàn toàn ý thức và đã có các phương án để phòng trước khả năng Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này sẽ phản ứng bằng vũ lực tại Trung Đông cũng như bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
"Sau khi cú sốc ban đầu qua đi, Tehran sẽ lên kế hoạch trả đũa. Chắc chắn sẽ có trả đũa, trước tiên nhiều khả năng là ở Iraq. Các đồng minh của chúng ta ở vùng Vịnh cũng nên lo ngại về các cuộc ám sát, không kích vào tàu thuyền và các cơ sở năng lượng", Barbara A. Leaf, cựu đại sứ Mỹ tại UAE, nhận định.
Không giống như Osama Bin Laden hay Abu Bakr al-Baghdadi, những người cũng bị Mỹ liệt vào danh sách trùm khủng bố, Qassem Soleimani không che giấu hành tung của bản thân, một trong những lý do là bởi ông này là chỉ huy tiếng tăm của quân đội Iran.
"Soleimani được coi như hoàng tộc, và không mấy khó khăn nếu muốn tìm ra vị trí của ông ta. Soleimani hẳn phải có cảm giác không thể bị xâm phạm, đặc biệt là ở Iraq. Ông ta chụp hình bản thân trên chiến trường và công khai khiêu khích Mỹ, bởi ông ta cảm thấy an toàn dù có làm như vậy", Marc Polymeropoulos, cựu nhân viên CIA, nhận xét.
Quan chức Mỹ nhận định vị chỉ huy Lực lượng Quds muốn cho cả người dân lẫn đối thủ biết ông ta có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào, Soleimani đương nhiên hiểu bản thân có thể trở thành mục tiêu ám sát, nhưng tư lệnh người Iran bị ám ảnh với danh tiếng của bản thân và muốn chứng minh quyền lực của mình có thể chi phối mọi thứ.
Vụ ám sát Soleimani được Washington kỳ vọng sẽ buộc Iran chùn tay sau nhiều tháng hành động hung hăng, tương tự như cách Washington và các đồng minh gây sức ép buộc Tehran ngừng các hành động thù địch sau cách mạng Hồi giáo vào thập kỷ 1980.
Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố không muốn một cuộc chiến tranh với Iran, và dường như Tehran đã bị thuyết phục rằng Washington sẽ không có hành động vũ lực trực diện. Việc ám sát Soleimani giờ gây ra rủi ro to lớn cho chính quyền Trump, với nguy cơ phản ứng đáp trả dữ dội từ cả Iran và Iraq.
"Iran có nhiều công cụ để sử dụng, đủ để chấm dứt sự chỉ trích về 'những cuộc chiến tranh bất tận' mà Tổng thống Trump từng đưa ra", Derek Chollet, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Obama, nhận xét, ám chỉ những đòn đáp trả của Iran có thể buộc Tổng thống Trump đảo ngược cam kết rút binh sĩ Mỹ khỏi Trung Đông và tái can dự quy mô lớn vào khu vực.