Theo tài liệu chính sách nội bộ kiểm chứng bởi Reuters, việc lập kế hoạch cho các chuyến bay vận chuyển tiền mặt đang được tiến hành trong bối cảnh nền kinh tế Afghanistan suy sụp nhanh chóng vì thiếu tiền.
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao vẫn đang tranh luận liệu các cường quốc phương Tây có thể yêu cầu Taliban nhượng bộ hay không.
Khoản tài trợ khẩn cấp, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi đối mặt với hạn hán và biến động chính trị, được chuyển đến Kabul để phân phối qua ngân hàng, với khoản thanh toán trực tiếp dưới 200 USD cho người nghèo.
Hai quan chức cấp cao cho biết ngoài việc sử dụng tiền mặt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng trước mắt, các nước tài trợ muốn thành lập một quỹ tín thác “nhân đạo bổ sung” để trả lương và giữ cho trường học và bệnh viện mở cửa.
Chiến lược phi chính thức của phương Tây phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ phải đối mặt. Tuy mong muốn giúp đỡ Afghanistan sau hai thập niên chiến tranh, và để ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt, phương Tây cũng không muốn cung cấp tiền cho Taliban.
Nhóm này đã lên nắm quyền từ tháng 8 và chưa cho thấy sự thay đổi đáng kể so với cách họ cai trị đất nước từ năm 1996-2001.
Một cậu bé bán bánh mì tại nơi trú ẩn tạm thời cho các gia đình Afghanistan phải di tản ở Kabul. Ảnh: Reuters. |
Hai cách tiếp cận
Nhiều người Afghanistan đã bắt đầu bán tài sản để chi trả cho thực phẩm ngày càng khan hiếm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc rút quân của các lực lượng do Mỹ dẫn đầu và nhiều nhà tài trợ quốc tế đã lấy đi các khoản viện trợ vốn chiếm 75% chi tiêu công của quốc gia này.
Liên Hợp Quốc cảnh báo 14 triệu người Afghanistan hiện phải đối mặt với nạn đói. Mary-Ellen McGroarty - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan - cho biết nền kinh tế của nước này có thể sụp đổ khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền mặt.
Trong những ngày gần đây, các nhà ngoại giao và quan chức phương Tây đã tăng cường nỗ lực để thiết lập hệ thống tiền mặt.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đã phân phối khoảng 10 triệu Afghanis (110.000 USD) tiền mặt qua một ngân hàng địa phương và dự định giải ngân thêm.
Một quan chức cho biết các đợt vận chuyển tiền mặt là thử nghiệm cho việc giao hàng bằng đường hàng không với số tiền lớn hơn từ Pakistan.
Một nhà ngoại giao cấp cao cho hay hai cách tiếp cận đang được xem xét để bơm tiền mặt vào nền kinh tế Afghanistan. Cả hai đều đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Theo kế hoạch đầu tiên, Chương trình Lương thực Thế giới sẽ chuyển tiền mặt và phân phối trực tiếp cho người dân mua thực phẩm. Kế hoạch này là bản mở rộng cho điều mà cơ quan này đã và đang làm nhưng ở quy mô nhỏ hơn.
Cách tiếp cận thứ hai là dòng tiền sẽ được các ngân hàng thay mặt Liên Hợp Quốc nắm giữ. Số tiền đó sẽ được sử dụng để trả lương cho nhân viên cơ quan Liên Hợp Quốc và tổ chức phi chính phủ.
Một người thứ ba cho biết quan chức Liên Hợp Quốc đã nói chuyện với phía ngân hàng Afghanistan về việc mở các kênh phân phối tiền mặt.
“Nếu đất nước Afghanistan sụp đổ, tất cả sẽ phải gánh hậu quả. Không ai muốn công nhận Taliban, nhưng chúng ta phải đối phó với họ. Câu hỏi không bắt đầu với chữ nếu, mà là bằng cách nào”, quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết.
Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới cho biết cơ quan này đã giúp được gần 4 triệu người trong tháng 9 - gần gấp ba lần con số trong tháng 8 - chủ yếu là hỗ trợ về lương thực, và một số hỗ trợ về tiền mặt trao ở Kabul.
Chiến binh Taliban đứng gác tại trạm kiểm soát ở Kabul, Afghanistan ngày 5/10. Ảnh: Reuters. |
Lấy kinh tế làm sức ép
Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ đã thảo luận riêng lẻ về việc thành lập một quỹ tín thác quốc tế để qua mặt chính phủ Afghanistan, giúp tài trợ cho các dịch vụ địa phương.
Hiện Taliban chưa trả lời yêu cầu bình luận về kế hoạch không vận tiền mặt.
Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ nói rằng họ sẽ cho phép hỗ trợ nhân đạo thông qua tổ chức quốc tế và phi chính phủ độc lập, trong khi "từ chối trao tài sản" cho Taliban, đồng thời trừng phạt thủ lĩnh của lực lượng này.
Chính phủ ở Kabul hầu như không có gì để dự phòng. Ngân hàng trung ương, với tài sản trị giá 9 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài, đã tiêu gần hết quỹ dự trữ trong nước.
Shah Mehrabi - quan chức giám sát ngân hàng trước khi Taliban tiếp quản và vẫn đang tại vị - gần đây đã kháng cáo yêu cầu giải phóng các khoản dự trữ ở nước ngoài.
"Nếu khoản dự trữ bị đóng băng, những nhà nhập khẩu Afghanistan sẽ không thể thanh toán chi phi mua hàng hóa, các ngân hàng sẽ bắt đầu sụp đổ, thực phẩm trở nên khan hiếm", ông nói.
Trước đó, có thông tin các quan chức Pháp và Đức đã vạch rõ mục đích của họ là sử dụng tiền làm "đòn bẩy" để gây áp lực với Taliban.
"Kinh tế và thương mại là một trong những đòn bẩy mạnh nhất mà chúng tôi có", bản ghi chú cho biết, đồng thời nâng cao triển vọng giải phóng các khoản dự trữ Afghanistan bị đóng băng ở nước ngoài.
Trong một công hàm, quan chức hai quốc gia này nêu ra 5 yêu cầu cho phía Taliban, bao gồm cho phép người Afghanistan rời khỏi đất nước nếu muốn, phá vỡ quan hệ với các tổ chức khủng bố, cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo, tôn trọng nhân quyền và thành lập một "chính phủ toàn diện".