Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Taliban không đủ tiền để chăm lo cho 30 triệu dân

Chính phủ mới thành lập của Taliban ở Afghanistan đối mặt thách thức lớn khi phải chăm lo đời sống cho khoảng 30 triệu dân nhưng không có đủ tiền để làm điều này.

taliban cai tri afghanistan anh 1

Thị trưởng mới của Kabul, ông Hamdullah Nomani, tất bật khi mỗi ngày phải xử lý hàng trăm khiếu nại từ người dân tại trụ sở chính của thành phố.

Một người bán hàng cho rằng cô cần được khôi phục quầy hàng tạm thời của mình - vị trí từng bị “những người đàn ông to cao” chiếm giữ. Một chủ nhà muốn khách thuê phải trả tiền sau nhiều năm "quỵt". Mới đây, ông Nomani phải ban hành lệnh cấm những công ty nước đóng chai lấy nước ngầm từ Kabul bán cho các tỉnh khác.

Ông Nomani, người từng là thị trưởng Kabul dưới thời Taliban vào những năm 1990, cho biết sau nội chiến, người dân mong đợi nhiều hơn vào chính quyền địa phương so với khi phong trào này lần đầu nắm quyền.

Kabul bây giờ là một nơi rất khác. Thành phố này có tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng sau vụ can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001. "Núi tiền" đã đổ vào việc xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc cung cấp lại các dịch vụ cho người Afghanistan là một nhiệm vụ khó khăn với Taliban. Kinh tế đi xuống, phương Tây rút nguồn hỗ trợ tài chính trong khi những người chuyên môn cao đã di cư kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul vào tháng 8, theo Financial Times.

Các vấn đề chồng chất

Xét xử và trừng phạt là "dịch vụ" phổ biến đối với những người theo đạo Hồi. Ngay cả những người chỉ trích Taliban gay gắt nhất cũng phải thừa nhận tội phạm bị dập tắt bằng việc thực hiện hình phạt hà khắc một cách công khai.

Những tên trộm bị sơn đen cả mặt. Một người đàn ông ăn trộm từ nhà cung cấp hệ thống ống nước bị trói, và hình ảnh của anh tràn ngập mạng xã hội.

“Họ (Taliban) tập trung vào luật pháp và trật tự xã hội, bởi vì lần trước, họ ‘thừa hưởng’ một tình cảnh rất tàn khốc. Phụ nữ và trẻ em trai bị hãm hiếp, côn đồ ở mọi ngõ ngách”, cựu Thị trưởng Kabul Daoud Sultonzoy cho biết.

Tuy nhiên, việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác cho người Afghanistan không hề dễ dàng tại thời điểm kinh tế suy thoái, mà thiếu tiền là một trong những nguyên nhân.

Năm 2020, ngân sách quốc gia của Afghanistan là 5,5 tỷ USD, với khoảng 80% nhận tài trợ từ Mỹ và các bên. Tuy nhiên, nguồn viện trợ đã dừng lại sau khi Taliban tiếp quản. Mỹ cũng đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của chính phủ Afghanistan trước đây vì không muốn Taliban tiếp cận.

taliban cai tri afghanistan anh 2

Một gia đình mua sắm quần áo tại khu chợ trên phố ở Afghanistan. Ảnh: AP.

Cựu Bộ trưởng tài chính Afghanistan Omar Zakhilwal cho biết Taliban có thể tiết kiệm tiền với một đội quân quy mô nhỏ. Tuy nhiên, ông cảnh báo Trung Quốc sẽ không thể lấp đầy khoảng trống viện trợ như Taliban kỳ vọng.

Không chỉ vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hệ thống y tế của Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ khi nguồn cung cạn kiệt và nhân viên không được trả lương. Công chức cũng không nhận được lương trong 2 tháng qua, họ ngày càng lo lắng về việc nuôi sống cả gia đình.

Hashmat Stanekzai, nhân viên tại Bộ Văn hóa Thông tin, cho biết anh chỉ đến văn phòng vài giờ mỗi ngày trước khi tìm việc khác hoặc tìm cách rời khỏi đất nước.

Nhiều quan chức chính phủ không muốn làm việc dưới chế độ mới. Một số người rời khỏi đất nước sau khi Kabul thất thủ. Những người khác tiếp tục tìm cách rời đi mặc dù biên giới đã đóng cửa.

Ahmad Mujtaba Niazi, cựu cố vấn của bộ trưởng Giáo dục, đã trả 1.500 USD để mua ghế trên chuyến bay 50 phút tới Islamabad, Pakistan. Chuyến bay còn có một số quan chức và những người từng làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

“Thành viên Taliban hiện đảm nhận công việc của tôi vẫn gọi điện để trấn an rằng tôi an toàn, khuyên tôi nên quay lại để chỉ dạy cho anh ấy”, ông nói. “Nhưng họ đang nói dối. Chúng tôi không an toàn. Họ không quan tâm đến việc lắng nghe chúng tôi”.

Không chỉ vậy, sau khi Taliban lên nắm quyền, những lợi ích Afghanistan đạt được trong việc giải quyết tình trạng nóng ấm toàn cầu có thể bị đe dọa, theo Reuters.

Samim Hoshmand - người từng là Giám đốc phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia (NEPA) - cho biết các chương trình quan trọng, bao gồm dự án năng lượng mặt trời nông thôn trị giá 21,4 triệu USD do Quỹ Khí hậu Xanh quốc tế (GFC) hỗ trợ, chưa rõ sẽ đi về đâu.

Các dự án xanh khác có thể bị ảnh hưởng gồm chương trình trị giá 36 triệu USD do Quỹ Môi trường Toàn cầu và các nhà tài trợ cung cấp nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo, giúp nông nghiệp và lâm nghiệp có khả năng chống chịu với khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái.

Ông Hoshmand cho biết nếu không có sự hỗ trợ nước ngoài, người Afghanistan có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo và xung đột, ở một đất nước đang phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, từ hạn hán đến lũ quét.

Dễ sụp đổ nếu thiếu viện trợ quốc tế

Ông Niazi không an lòng trước những quyết định của chính phủ mới. Taliban thành lập nội các mới toàn những người không có nhiều kinh nghiệm quản lý, đồng thời thay thế một học giả nổi tiếng đứng đầu Đại học Kabul bằng một giáo sĩ Hồi giáo.

Sau khi giải tán cảnh sát và quân đội, an ninh của cả đất nước nằm trong tay các thành viên Taliban không được trả lương. Bộ trưởng Quốc phòng Mullah Mohammad Yaqoob còn công khai khiển trách một số chiến binh vì kỷ luật kém và có hành vi trả thù.

Ước tính khoảng 70.000-100.000 chiến binh Taliban đang tập trung ở các khu vực quan trọng, bao gồm Kabul và Thung lũng Panjshir. Con số này là không đủ để quản lý hơn 400 quận của Afghanistan.

taliban cai tri afghanistan anh 3

Ngoài giờ làm, các chiến binh Taliban đạp vịt tại Qargha. Ảnh: AFP.

Alokozay, công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Afghanistan, cung cấp hơn chục nghìn bữa ăn miễn phí mỗi ngày cho lực lượng Taliban ở Kabul và ở các tỉnh.

Thành viên Taliban - Ahmadullah Ahmadi - cho biết: “Chúng tôi không quan tâm đến lương, vì chúng tôi đã không được trả lương trong 20 năm qua. Chúng tôi không làm việc vì tiền, chúng tôi làm việc vì đấng bề trên và sự cai trị của đạo Hồi. Chúng tôi không cần những tòa nhà chọc trời, máy bay và tất cả thứ đó”.

Tuy vậy, tờ Financial Times hoài nghi việc không nhận được một đồng lương nào có thể duy trì sự nhiệt thành của những người đàn ông, bị thu hút bởi lời hứa về thánh chiến chống lại kẻ xâm lược, trong bao lâu? Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Hoshmand cho rằng dù trách nhiệm thuộc về ai, Afghanistan cần được giúp đỡ để đối phó với các mối đe dọa khí hậu.

Ông kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài nhìn xa hơn tầm nhìn chính trị, tham gia cùng với Taliban vì lợi ích của hơn 30 triệu người Afghanistan - những người đang đối mặt với nguy cơ di dời do thời tiết khắc nghiệt.

Nếu không có viện trợ quốc tế để thúc đẩy năng lượng sạch, ông cảnh báo Taliban có thể tăng cường sử dụng các nguồn dự trữ than gây ô nhiễm cao để cứu vãn nền kinh tế đang thiếu tiền.

“Chính phủ hiện tại không có tiền mặt để trả lương cho người lao động. Vậy thì làm sao họ có thể dành bất cứ điều gì cho lĩnh vực biến đổi khí hậu?", ông Hoshmand đặt câu hỏi.

Một cựu quan chức cấp cao dự đoán chế độ Taliban sẽ “sụp đổ” nếu không được cộng đồng quốc tế công nhận hay không được nhận lại nguồn viện trợ nước ngoài.

Michael Semple, một cựu chiến binh ở Afghanistan, cho biết khả năng cao chế độ này sẽ không tồn tại trong sáu tháng.

"Họ cần chăm lo cho 30 triệu người, nhưng lại không có tiền để làm điều đó. Họ nhận được một số khoản viện trợ nhân đạo, nhưng con số này đến nay không đáng là bao. Từ bỏ áp bức và bạo lực sẽ dẫn tới phản kháng", ông nói.

Reuters: Afghanistan cạn kiệt tiền mặt từ trước khi Taliban nắm quyền

Ngân hàng Trung ương Afghanistan đã cắt giảm phần lớn dự trữ tiền mặt bằng USD trong vài tuần trước khi Kabul thất thủ, góp phần trầm trọng hóa cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này.

Thợ cắt tóc Afghanistan lao đao vì lệnh cấm của Taliban

Taliban đã cấm cắt tóc theo "kiểu Mỹ" hoặc cạo râu cho nam giới ở Afghanistan, điều này khiến công việc của các thợ cắt tóc gặp nhiều khó khăn và đối diện với nguy cơ phải bỏ nghề.

Cách nền kinh tế Mỹ ứng phó thành công với đại dịch Covid-19

Mỹ phạm không ít sai lầm kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu. Tuy nhiên, có một điều đã đi đúng hướng trong khoảng thời gian này: Chính sách kinh tế để ứng phó với đại dịch.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm