Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Tây lo ngại về những con tin nằm trong tay IS

Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) cho biết, khoảng 80 phóng viên bị bắt cóc ở Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Nhân viên cứu trợ người Anh David Haines trong đoạn băng mới được IS tung lên mạng. Ảnh: Telegraph

Hôm 13/9, lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công bố một đoạn video về vụ hành quyết David Haines, một nhân viên cứu trợ người Anh. Đây là đoạn băng thứ 3 chứa đựng thông điệp của IS gửi đến Washington và các nước đồng minh của Mỹ, yêu cầu các nước này dừng ngay những hành động chống đối Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Trong phần cuối của video, một con tin người Anh khác xuất hiện như một minh chứng cho lời đe dọa. Giới truyền thông cho rằng, đó có thể là Alan Henning, một công dân Anh.

Paul Cruickshank, một nhà phân tích về khủng bố, cho biết những con tin phương Tây, thường là các nhà báo hoặc nhân viên cứu trợ, mang lại giá trị lớn đối với IS. Một đoạn video chặt đầu con tin vừa có tác dụng truyền đạt thông điệp lại vừa có thể dằn mặt kẻ thù.

"Ngoài ra, các con tin phương Tây có thể là một công cụ hữu ích nếu giữ sống, như để đòi những khoản tiền chuộc khổng lồ hay các yêu sách hoặc bán cho các nhóm khủng bố cực đoan khác", Cruickshank nói.

Nhà phân tích về khủng bố này cho hay, rất khó để biết chính xác số người bị bắt cóc vì chính phủ, cơ quan và gia đình thường im lặng để giữ an toàn cho nạn nhân.

Ủy ban bảo vệ các nhà báo cho rằng đa số những phóng viên đang mất tích tại khu vực bất ổn ở Trung Đông đều nằm trong tay IS và phần lớn trong số họ bị bắt cóc tại Syria. Tổ chức này ước tính, khoảng 20 nhà báo đang mất tích tại đây. Theo CPJ, hơn 80 phóng viên đã bị bắt cóc ở Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Một số con tin đã được trả tự do, một số khác đã thiệt mạng. Thông thường, những trường hợp xuất hiện trên truyền thông là những trường hợp xấu nhất hoặc kỳ diệu nhất.

Vụ bắt cóc nhà báo Mỹ Peter Theo Curtis chỉ được công bố sau khi nhóm Al Nusra Front, một nhóm nổi dậy ở Syria có quan hệ với tổ chức Al Qaeda, giao anh cho Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào hồi tháng 8, sau gần hai năm bị giam giữ.

Các chính phủ đã dùng những cách thức khác nhau để xử lý vấn đề con tin bị bắt cóc bởi các chiến binh Hồi giáo. Chính phủ Anh thực hiện chính sách cứng rắn: không bao giờ trả tiền chuộc; chính phủ Mỹ không đàm phán với những kẻ khủng bố. Trong khi đó, chính phủ các nước khác từng chuyển tiền cho các nhóm khủng bố nhằm đảm bảo việc trả tự do cho công dân của họ.

Mỹ và Anh thường chọn phương án giải cứu con tin. Năm 2012, Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Hoa Kỳ (SEAL) đã giải cứu thành công Jessica Buchanan và Poul Thisted, những nhân viên cứu trợ, sau 3 tháng bị bắt cóc tại Somalia.

Tuy nhiên, những cuộc giải cứu con tin không phải lúc nào cũng thành công. Năm 2010, Linda Norgrove, một nhân viên cứu trợ người Anh, đã vô tình thiệt mạng bởi một quả lựu đạn trong quá trình giải cứu của SEAL tại Afghanistan.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm